Thứ tư, 16/12/2009, 09h12

Đồng Nai đầu tư xây dựng hai trường THPT trọng điểm

Thực hiện Nghị quyết 30 của HĐND tỉnh về “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc THPT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2005-2010”; tỉnh đã tập trung đầu tư, ứng dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giáo viên. Trong đó, với tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án “Xây dựng Trường THPT trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2010-2015” dự kiến lên tới 6,476 tỉ đồng, ngành GD&ĐT tỉnh Đồng Nai hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới mang tầm vĩ mô hơn; góp phần thực hiện đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020…
Nhân dịp này, Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai về đề án này. Ông cho biết: Trong chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục; tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng CSVC, đội ngũ giáo viên (GV), nâng cao số trường đạt chuẩn quốc gia nhằm nâng cao chất lượng giáo dục THPT, kịp thời giải quyết yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Qua đó, “Đề án xây dựng trường THPT trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2010-2015” để xây dựng một số trường THPT mang tính mũi nhọn, làm nòng cốt cho bậc THPT về đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng GV, thực hiện có hiệu quả việc phân luồng học sinh (HS) sau THPT… là hết sức thiết thực. Theo khảo sát, Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) và THPT Long Khánh (TX.Long Khánh) sẽ là hai đơn vị tiên phong được chỉ đạo xây dựng theo đề án này.
* Tại sao lại là hai trường này mà không phải đơn vị khác được chọn, thưa ông?
- Ông Lê Minh Hoàng: Khi xây dựng đề án, chúng tôi xác định loại hình này không đi theo hướng trường chuyên nhưng chất lượng phải đảm bảo trên các trường đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, trường phải tuyển được đầu vào là HS có năng lực, đội ngũ GV giỏi, CSVC hiện đại... mới đảm bảo yêu cầu đào tạo. Căn cứ vào yêu cầu trên, hai Trường THPT là Trấn Biên và Long Khánh được chọn vì các trường này nằm trên địa bàn trọng điểm của tỉnh, chất lượng đội ngũ GV, chất lượng các mặt giáo dục tại hai địa bàn này đều cao hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Thêm vào đó, Trường THPT Long Khánh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và đang được đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học. Riêng Trường THPT Trấn Biên là trường có đầu vào HS rất tốt, đang được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại hóa, có bán trú chất lượng cao, với kinh phí đầu tư xây dựng trường là gần 70 tỷ đồng.
* “Không đi theo hướng trường chuyên nhưng chất lượng phải đảm bảo trên các trường đạt chuẩn quốc gia”, ông có thể giải thích rõ hơn về loại hình này?
- Theo hướng đi này, bắt buộc mỗi trường phải có 100% cán bộ quản lý, GV đạt chuẩn về trình độ theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong đó, đến năm 2013, 10% đội ngũ này đạt trên chuẩn. Đồng thời, với các môn cơ bản như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn, tiếng Anh,… phải có 50% GV đạt danh hiệu GV giỏi cấp tỉnh. Chính vì thế, công tác sử dụng, tuyển dụng GV sẽ rất được chú trọng, áp dụng các tiêu chí như: GV tốt nghiệp loại giỏi, GV giỏi cấp tỉnh, GV có trình độ thạc sĩ, GV có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng... Trong thời gian công tác, GV được hưởng những chế độ ưu đãi, phụ cấp, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ.  
Bên cạnh đó về vấn đề tuyển sinh, các trường sẽ tuyển sinh trên địa bàn quy định bằng hình thức thi tuyển, HS các vùng giáp ranh địa bàn cũng được phép dự thi. HS sẽ học chương trình của Bộ nhưng trong điều kiện tốt hơn, yêu cầu và chất lượng cũng cao hơn, như: đủ phòng để học 2 buổi/ngày, thư viện điện tử, các phòng học chức năng... HS được học các chương trình tăng cường về Tin học, tiếng Anh cũng như các kỹ năng sống khác...
* Như thế, “mức học phí” mà HS phải đóng có cao hơn “chuẩn quốc gia”?
- Theo đề án, trường trọng điểm chất lượng cao hoạt động bằng nguồn ngân sách tỉnh cấp và nguồn xã hội hóa. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh dùng để chi trả lương, hỗ trợ GV, tăng cường cơ sở vật chất. Đối với các chương trình tăng cường như: Tin học, Anh văn... sẽ áp dụng phương thức xã hội hóa, tức phụ huynh đóng góp. Các thông tin học phí và các khoản sẽ được trường công khai ngay trước kỳ tuyển sinh đầu năm để phụ huynh, HS biết và lựa chọn. Trước mắt, HS đóng học phí theo quy định hiện hành, khi nào có hướng dẫn sẽ áp dụng theo Nghị quyết số 35/2009/QH 12 trên cơ sở thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo.
THANH TÀU (thực hiện)