Thứ năm, 22/3/2018, 20h59

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững: Giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập

Ngày 22-3, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VNSAT) năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018.

Dự án VNSAT, thực hiện từ năm 2015 đến 2020, nhằm tăng hiệu quả cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo và cà phê, tăng thu nhập cho nông dân, giảm tác động tiêu cực tới môi trường, thông qua đào tạo cho nông dân về công nghệ mới và canh tác bền vững; tăng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Tại ĐBSCL có 8 tỉnh, thành, vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh được chọn tham gia dự án.

Sau 2 năm triển khai, tại ĐBSCL, nhiều nông dân trong vùng dự án áp dụng tốt hơn các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa. Cụ thể, trước đây nông dân sử dụng 170-200kg giống lúa/ha, hiện còn 120kg/ha. Các tỉnh, thành đang phấn đấu giảm xuống 100kg/ha vào cuối dự án. Còn tại khu vực Tây Nguyên, 51,3% số hộ trong dự án trồng lại cà phê áp dụng kỹ thuật tái canh bền vững. Lợi nhuận trong sản xuất cà phê, bình quân tăng từ 55,8 triệu đồng/ha lên 68,1 triệu đồng/ha.

Theo kế hoạch, năm 2018 dự kiến các khoản Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay từ 500 đến 600 tỷ đồng, mục tiêu là tăng cường công tác tập huấn cho nông dân, nâng cao năng lực cho ban quản lý dự án các cấp; xây dựng cơ sở hạ tầng cho 44 hợp tác xã trong vùng dự án đã được WB khảo sát về tính hiệu quả, hỗ trợ vốn vay cho một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo. Tại các tỉnh Tây Nguyên, triển khai nâng cấp và tăng cường kỹ thuật cho 53 vườn ươm và 7 vườn sản xuất giống phục vụ việc tái canh cà phê. Hỗ trợ khoảng 247 công nghệ tưới tiết kiệm cho các hộ nông dân nhằm phổ biến công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất cà phê bền vững.

Đ.Phưng