Thứ tư, 31/8/2016, 13h00

Du học sinh ra đi không về: Bài học dài về dụng nhân

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành giáo dục vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm ngành điều mà Nguyễn Trãi từng nói: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Trong tháng 7, Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chính sách thu hút du học sinh trở về nước làm việc sau khi tốt nghiệp.

Thủ khoa của các trường ĐH, CĐ khu vực Hà Nội cũng không mấy mặn mà với chính sách trải thảm đỏ của TP

Nhân tài... “bội tín”

Theo một lãnh đạo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP.Đà Nẵng, từ tháng 10-2014 đến nay, đơn vị này đã khởi kiện 15 “nhân tài” vi phạm hợp đồng, buộc bồi hoàn số tiền hàng chục tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 26-5 tại phiên phúc thẩm, TAND cấp cao ở Đà Nẵng đã bác kháng cáo của ông Hồ Viết Luận, yêu cầu bồi hoàn kinh phí đào tạo do vi phạm hợp đồng đào tạo theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP (Đề án 922). Số tiền mà ông Luận phải bồi thường gần 2,7 tỷ đồng.

Đề án 922 được TP.Đà Nẵng triển khai từ năm 2004 nhằm hỗ trợ đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Có 630 người tham gia đề án và khoảng một nửa học viên đã về làm việc. Khoảng 20 học viên vì lý do kết quả học tập không đạt đã phải ra khỏi đề án; 27 người chủ động xin ra và được TP đồng ý; 15 người đi học nhưng không về làm việc như thỏa thuận; 4 người đã về làm việc chưa được 7 năm đã bỏ ra nước ngoài, một người không nhận việc theo sự phân công của tổ chức.

Mới đây, ĐH Cần Thơ cũng kiện tiến sĩ  để đòi bồi thường chi phí đào tạo do chấm dứt hợp đồng làm việc. Trường yêu cầu TS. Vũ Thị Nhuận (giảng viên Bộ môn sinh học của trường) phải bồi hoàn tiền đào tạo 3 triệu Yên (tiền Nhật Bản). Tuy nhiên, sau đó, ĐH Cần Thơ đã rút lại đơn kiện. Ngoài ra, theo lãnh đạo ĐH Cần Thơ, hiện có trên 30 cán bộ được cử đi đào tạo nước ngoài nhưng không về nước hoặc không về trường công tác sau khi kết thúc chương trình đào tạo. Trường  hiện đang rà soát để thu hồi cho ngân sách trên 10 tỷ đồng đối với trên 30 trường hợp không trở lại trường.

“Một đi không trở lại”

Câu chuyện của TS. Doãn Minh Đăng (cựu quán quân Đường lên đỉnh Olympia - giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) “tố” trường đối xử bất công với mình trên facebook vừa qua cho thấy nguyên nhân vì sao nhân tài 13 người đi thì 12 người không quay về nước.

Theo PGS. Nguyễn Văn Nhã - nguyên Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội thì nhân tài không muốn trở về vì Việt Nam không có môi trường để họ làm việc. “Có người đi đào tạo, sau đó vì lương cao, họ ở lại luôn nước sở tại. Nhưng có người đi đào tạo, trở về không có môi trường làm việc. Tôi là một ví dụ. Ngành cộng hưởng từ hạt nhân tôi học đến giờ ở Việt Nam đã phát triển đâu”, PGS. Nguyễn Văn Nhã cho biết. Mặt khác, ông cũng cho hay, trong thời gian làm việc tại ĐH Quốc gia Hà Nội, có nhiều người cử đi học nhưng không trở về. “Hiện tượng này có từ lâu rồi. Thầy Đàm Trung Đồn cũng từng than thở với tôi: cử các em đi, không về, tôi mất người làm việc. Thậm chí cử 10 em đi, chỉ có 2 em về, còn 8 em ở lại”, PGS. Nhã tâm tư. Việt Nam ngoài việc không có môi trường làm việc, còn chưa có môi trường học thuật.  

Một  lãnh đạo hội - ngành của Đà Nẵng cho rằng có nhiều nguyên nhân để những người được đào tạo thành “nhân tài” của Đà Nẵng rời bỏ đề án một cách theo kiểu chiếm dụng vốn, chiếm dụng lòng tin (bội tín). Một trong nhiều nguyên nhân được vị lãnh đạo hội - ngành dẫn ra là tiền lương quá thấp, không hấp dẫn, níu kéo được nhân tài.

Cách nào giữ chân người tài?

Chia sẻ câu chuyện nhân tài bội tín, GS. Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, chúng ta đang hướng đến xây dựng một “Nhà nước pháp quyền” và một xã hội “thượng tôn pháp luật”. Do đó, mọi người trong xã hội phải biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng các cam kết đã ký và ai sai người đó phải chịu trách nhiệm. Tất cả mọi người phải hành xử dựa trên các quy định, các cam kết đã ký và có giá trị pháp lý.

“Thu hút về mà không sử dụng hiệu quả thì lãng phí và có tội với người có tài”, GS. Trần Văn Nam nói.

Dưới góc độ người đứng đầu một ĐH vùng, GS. Trần Văn Nam cho biết ĐH Đà Nẵng có số giảng viên đi học ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí khác nhau khá đông. Hiện ĐH có 348 người đang theo học thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Hằng năm bình quân có 50 tiến sĩ mới và chủ yếu là từ nước ngoài về. ĐH Đà Nẵng cũng có một số ít giảng viên không trở về, chiếm tỷ lệ chừng 2% số được cử đi học.

Với chủ trương của Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT phối hợp cùng với các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách thu hút du học sinh sau khi tốt nghiệp, GS. Trần Văn Nam đặt câu hỏi: “Làm gì chúng ta cũng phải xác định rõ mục đích, cân nhắc kỹ về lợi ích trước mắt và lâu dài. Vấn đề mấu chốt là thu hút về để làm gì? Lợi ích giữa việc về nước và ở lại nước ngoài như thế nào? Cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia như thế nào? Đây là một chủ trương lớn nên cần có những nghiên cứu, đánh giá khoa học và cụ thể hơn để trên cơ sở đó đề ra các chính sách thu hút và sử dụng nhân lực hiệu quả hơn trong tương lai”.

Để giải quyết được những câu hỏi này, theo GS. Nam, các bộ ngành cần cải thiện môi trường sống ngày càng tốt hơn. Môi trường sống có vai trò vô cùng quan trọng quyết định sự lựa chọn nơi ở, làm việc đối với các cá nhân và gia đình họ. Môi trường sống ở đây bao gồm nhiều yếu tố như: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, an ninh, dân chủ, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng... Tạo ra môi trường làm việc tốt để các cá nhân quay về có thể cống hiến tài năng. Môi trường làm việc gồm cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, điều kiện làm việc, bình đẳng giữa các cá nhân... “Cải thiện chế độ đãi ngộ. Xét cho cùng, thu nhập là một trong những mối quan tâm lớn, là yếu tố dễ thấy, dễ so sánh nhất”, GS. Trần Văn Nam khẳng định.

Một trong những việc cần làm nữa đó là thu hút nhân tài phải đi đôi với trọng dụng nhân tài. “Thu hút về mà không sử dụng hiệu quả thì lãng phí và có tội với người có tài”, GS. Trần Văn Nam nói. Đồng thời, cần nghiên cứu cẩn trọng và có những giải pháp, chính sách rất cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương thì mới hiệu quả.

Nói về chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Bộ đang lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học trong nước, ngoài nước, các chuyên gia để xây dựng đề án trình Chính phủ trong thời gian tới.

Thiên Lam