Thứ ba, 17/4/2018, 21h32

Du học THPT: Bản lĩnh phải đủ lớn

Bên cnh ngoi ng, tài chính ca gia đình thì thành tích hc tp, tri nghim xã hi ca ngưi hc cũng là mt trong nhng vn đ hin nay đưc nhiu trưng hc nưc ngoài quan tâm đi vi du hc sinh bc THPT.

Ông Trn Công Nam đang tư vn thông tin du hc cho hc sinh

Hãy trang bị cho bản thân một hành trang ngoại ngữ tốt, những kỹ năng sống cơ bản như tự lập, tự quyết định và chịu trách nhiệm cho những hành động của mình… Đó là lời khuyên được ông Trần Công Nam (Giám đốc Trung tâm Tư vấn du học BGG) đưa ra với các em học sinh nhằm thích ứng một cách tốt nhất với môi trường học tập nơi xứ người khi du học bậc THPT.

Lên kế hoch t sm

Theo ông Nam, hiện nay thị trường du học từ bậc THPT được nhiều phụ huynh lựa chọn là Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, gần hơn có Singapore. Để lên đường du học từ bậc này, trước đó cả phụ huynh và học sinh phải có một lộ trình dài chuẩn bị. Trong đó, vấn đề đặc biệt cần phải chú trọng đó là ngoại ngữ. “Bằng IELTS được hầu hết các nước nói tiếng Anh chấp nhận. Do đó, ngay từ năm lớp 8 hoặc sớm hơn, muộn nhất là đầu năm lớp 9, các em đã phải có một vốn ngoại ngữ cơ bản, đảm bảo làm sao đủ điều kiện để các trường nước bạn chấp nhận cho theo học. Mức độ thấp nhất của du học sinh ở bậc này là IELTS phải đạt 5.0”, ông Nam nói.

Song song với đó, một vấn đề cũng được nhiều trường học tại nước bản xứ quan tâm, theo ông Nam là thành tích cá nhân của người học. Không đơn thuần chỉ là bảng điểm, rất nhiều trường nước ngoài xét hồ sơ dựa trên thành tích học tập cùng với hoạt động xã hội của người học. Chính từ những điều này, các trường sẽ đánh giá được khả năng và tố chất của người học, có thể theo học được môi trường năng động cũng như đòi hỏi sự đa dạng của môi trường tại đó hay không. Vì vậy, ông Nam cho biết, bên cạnh ngoại ngữ, phụ huynh và học sinh nên quan tâm nhiều đến các hoạt động xã hội, trải nghiệm về các kỹ năng sống.

Một trong những yếu tố tiên quyết để quyết định “giấc mơ du học” đó là tài chính. “Bên cạnh việc chứng minh tài chính để xin visa với đại sứ quán hay lãnh sự quán, hiện nay nhiều trường THPT tại Mỹ, Úc, Canada cũng yêu cầu phụ huynh chứng minh tài chính của mình thông qua việc nộp hết học phí trước khi học sinh nộp hồ sơ xin visa du học, hoặc phải gửi xác nhận số dư tài khoản tiết kiệm, chứng minh có đủ khả năng chi trả học phí, sinh hoạt phí hay không”, ông Nam nhấn mạnh.

Đnh hưng rõ ràng đ “không đt gánh”...

Định hướng ở đây, theo ông Nam, đó là định hướng về việc học, tư tưởng, lường trước những khó khăn có thể xảy ra ở môi trường học tập mới. “Du học ở bậc THPT, việc xa nhà từ khi mới 15-16 tuổi sẽ là một rào cản lớn đối với các em. Nếu không có sự định hướng rõ ràng ngay từ ban đầu, đặc biệt là trang bị những kỹ năng sống thì các em sẽ rất dễ bị choáng ngợp, bị sốc trước văn hóa, môi trường mới, chương trình học tập mới và cuộc sống xa nhà. Đã có rất nhiều trường hợp, các em đi và buộc phải quay về Việt Nam vì không chịu nổi những cú sốc đó. Chưa kể, việc bất đồng về ngôn ngữ cũng khiến các em sẽ khó khăn hơn trong sinh hoạt, học tập so với người bản địa”, ông Nam cho biết.

Vì vậy, nếu có ý định cho con du học từ bậc THPT, phụ huynh cần phải khuyến khích con em mình tự lập sớm trong việc chăm sóc bản thân, tự quyết định và chịu trách nhiệm trước những hành động của mình. “Đặc biệt, nên tạo điều kiện cho con em tham gia nhiều hoạt động, trải nghiệm xã hội để các em học được những kỹ năng về giao tiếp, về quản lý cảm xúc, kỹ năng nhờ người khác giúp đỡ và xử lý tình huống. Để các em có thể tự mình xoay xở với cuộc sống mới khi rời xa vòng tay gia đình”, ông Nam nhắn nhủ.

Trong việc xin visa, ông Nam lưu ý rằng, tùy từng nước có thể có những quy định khác nhau nhưng chung quy lại, phụ huynh cần phải chứng minh được vấn đề tài chính và chứng minh được học sinh ra nước ngoài là nhằm mục đích cho việc học. Về chứng minh tài chính cho đại sứ quán hay lãnh sự quán thì phụ huynh cần có giấy tờ nhà đất, sổ tiết kiệm ít nhất trị giá 1 tỷ đồng Việt Nam gửi trước thời điểm xin visa du học là 6 tháng, chứng minh thu nhập hàng tháng của gia đình để đảm bảo rằng vừa có thể chi trả tiền cho con du học, vừa hoàn tất các sinh hoạt phí của gia đình. Hồ sơ để chứng minh tài chính, thu nhập thường bao gồm hợp đồng lao động, sao kê bảng lương, giấy phép kinh doanh…

Về chứng minh lý do du học, ông Nam cho biết, đối với hầu hết các nước thì học sinh cần có một bản giải trình về kế hoạch học tập chi tiết của mình trước khi nộp hồ sơ để chứng minh về việc học và trở về Việt Nam sau khi học xong. Riêng với nước Mỹ, yêu cầu sẽ khắt khe hơn khi học sinh phải trực tiếp phỏng vấn với Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Mỹ, chứng minh được rằng bản thân mình sang Mỹ chỉ với mục đích duy nhất là học.

Về chọn trường khi du học bậc THPT, ông Nam cho biết, tại hầu hết các quốc gia sử dụng tiếng Anh như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, chất lượng đào tạo sẽ tỷ lệ thuận với yêu cầu đầu vào của học sinh và học phí mà phụ huynh chi trả. Riêng tại Singapore, phần lớn các trường công lập sẽ có chất lượng đào tạo tốt và học phí dễ chịu hơn so với các trường dân lập. Nhưng điều kiện đầu vào từ điểm số, yêu cầu tiếng Anh, thành tích bản thân sẽ cao hơn các trường dân lập. “Căn cứ vào điều kiện tài chính gia đình và khả năng của học sinh mà phụ huynh cân nhắc lựa chọn trường học cho phù hợp”, ông Nam khuyên.

Đặc biệt, theo ông Nam, du học từ bậc THPT, các em sẽ sớm tiếp cận được với các phương pháp giáo dục tiên tiến, sớm được tiếp xúc với môi trường và sinh hoạt ở nước ngoài để dễ dàng theo kịp khi học tiếp lên ĐH. Tuy nhiên, mặt trái của du học sớm là nếu bản thân các em chưa đủ “độ chín” thì việc bị sốc, bị trầm cảm là không tránh khỏi. “Vì vậy, hãy trang bị cho các em về ngoại ngữ, về cả bản lĩnh trước khi cho các em bơi ra xa…”, ông Nam khuyên các bậc phụ huynh.

Đ Yến