Thứ hai, 22/5/2017, 10h07

Dự kiến giảm môn học trong chương trình phổ thông mới

20/5 là ngày kết thúc thời gian tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình GD phổ thông tổng thể, kể từ khi công bố vào ngày 12/4. Trong thời gian lấy ý kiến, Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và 63/63 sở Giáo dục và Đào tạo; đồng thời trên các báo đã có khoảng 200 bài viết và khoảng 400 ý kiến chia sẻ.

Dự kiến giảm môn học trong chương trình phổ thông mới

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo chương trình (CT) tổng thể . Bên cạnh ý kiến đồng thuận, nhất trí, các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân cũng đóng góp nhiều ý kiến về hệ thống phẩm chất, năng lực cần hình thành và phát triển ở học sinh; về hệ thống môn học và kế hoạch giáo dục; về kỳ thi tốt nghiệp THPT; về điều kiện và lộ trình thực hiện chương trình. Phần lớn các góp ý liên quan đến hệ thống môn học và kế hoạch giáo dục với mong muốn chung là giảm tải so với chương trình hiện hành.

Tiếp thu ý kiến đóng góp, theo dự kiến, chương trình tất cả các cấp học được giảm nhẹ rõ rệt so với chương trình hiện hành và dự thảo chương trình công bố ngày 12/4/2017

Ở tiểu học, lớp 1, lớp 2 học 6 môn học và 1 hoạt động giáo dục ; lớp 3 học 7 môn học và 1 hoạt động giáo dục ; lớp 4, lớp 5 học 10 môn học và 1 hoạt động giáo dục. Mỗi lớp tiểu học học khoảng 27 - 28 tiết/tuần, kể cả thời lượng dành cho các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương (giảm từ 3 đến 4 tiết/tuần so với dự thảo ngày 12/4). Với thời lượng quy định như vậy thì các trường chỉ học 5 buổi/tuần vẫn bảo đảm hoàn thành được nội dung giáo dục cốt lõi, chỉ bỏ các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.

Ở THCS, mỗi lớp học 29 tiết/tuần (lớp 8 và lớp 9 giảm được 1 tiết/tuần so với dự thảo ngày 12/4).

Ở THPT, bắt đầu thực hiện phân hóa, tự chọn môn học ngay từ lớp 10. Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Giáo dục thể chất (tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ thể thao tự chọn), Giáo dục quốc phòng - an ninh và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp, theo mô hình chương trình tú tài quốc tế (IB), được chia thành 5 nhóm (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và công nghệ, Khoa học xã hội - nhân văn và Nghệ thuật); mỗi học sinh sẽ học ít nhất 6 môn, chọn từ 5 nhóm, mỗi nhóm chọn từ 1 đến 2 môn.

Giải pháp trên giảm số môn học ở lớp 10 từ 15 môn xuống còn 9, bảo đảm quyền chọn môn học của học sinh, đáp ứng yêu cầu phân hóa mà không rơi vào tình trạng phân ban cứng như trước đây, đồng thời cũng không dẫn đến khả năng xáo trộn lớn hằng năm.

Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK GDPT sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ý kiến về báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo chương trình.

Nghiêm Huê (TPO)