Thứ năm, 8/12/2016, 20h43

Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017: Tăng cơ hội nhưng chớ... ôm đồm

Đó là khẳng định của lãnh đạo nhiều trường THPT khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017.

Theo đó, quy định mới liên quan tới bài thi, điểm thi nhằm tăng cơ hội để xét tuyển vào ĐH, CĐ khiến nhiều học sinh vui mừng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường THPT, quy định này có thể làm các trường rối thêm, học sinh chớ vội mừng…

Dự thảo có nhiều điểm mới tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ cho thí sinh, nhưng đại diện nhiều trường THPT cho rằng các em nên cân nhắc khi lựa chọn (ảnh minh họa). Ảnh: D.Bình

Tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ

Theo dự thảo, để xét tốt nghiệp, thí sinh hệ THPT phải làm 4 bài thi, ngoài 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, sẽ có 2 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên (tổ hợp từ các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp từ các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Trong khi đó, thí sinh hệ GDTX phải làm 3 bài thi, gồm 2 bài bắt buộc là toán, ngữ văn và một bài tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp trên. Tuy nhiên, dự thảo nêu rõ: “Thí sinh được chọn làm cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét tốt nghiệp”. Như vậy, điểm mới của dự thảo chính là thí sinh được quyền thi cả 2 bài thi tổ hợp, bài thi nào có điểm cao hơn sẽ được tính công nhận tốt nghiệp và dùng để xét tuyển ĐH, CĐ.

Thầy Giảng Văn Chải (Giám đốc Trung tâm GDTX Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Việc tham gia cả 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ giúp các em tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ”. Thầy Chải dự đoán: “Các bài thi tổ hợp đều thi theo hình thức trắc nghiệm nên trung tâm sẽ có nhiều học viên đăng ký thi cả 2 vì các em nghĩ thi trắc nghiệm biết đâu lại đạt điểm cao. Tuy nhiên, nếu ôn tập thì có lẽ các em chỉ tập trung vào một bài thi tổ hợp mà các em đã xác định kỹ”. Mặc dù dự thảo chỉ có một vài điểm mới nhưng thầy Chải cho rằng những thay đổi của Bộ GD-ĐT quá đột ngột, có thể làm thí sinh rối thêm nên trung tâm phải tiếp tục tư vấn cho các em hiểu.

Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) cũng chia sẻ: “Nếu Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh làm cả 2 bài thi tự chọn thì đây là điều kiện khách quan mà bộ đưa ra để các em có quyền lựa chọn thêm. Tuy nhiên, các em cần cân nhắc khi lựa chọn bài thi tổ hợp để ôn tập”. Nói về việc tham gia cả 2 bài thi tổ hợp, liệu thí sinh có “ăn may” khi làm trắc nghiệm không?, thầy Chải phân tích: “Bộ GD-ĐT đã nêu rõ mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề riêng, các môn thành phần trong bài thi phải cùng mã đề nên các em rất khó trao đổi bài. Tuy nhiên, xác suất… đánh bừa chẳng may trúng vẫn có thể xảy ra khi làm bài thi trắc nghiệm như những năm gần đây. Vì thế, sẽ có trường hợp thí sinh đăng ký thi cả 2 bài thi tổ hợp dù chỉ tập trung ôn tập một tổ hợp”.

Đừng “đứng núi này trông núi nọ”

Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo này nhằm tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh nhưng nhiều thầy cô giáo cho rằng các em không nên “đứng núi này trông núi nọ”.

Thầy Hoàng Sơn Hải (Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong, TP.HCM) thẳng thắn nói: “Nếu Bộ GD-ĐT thêm quy định này là không cần thiết, có thể làm rối cho nhà trường. Những thí sinh yếu thường có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ” nên khi thấy học yếu môn toán, vật lý, hóa lại chuyển qua đăng ký thi bài thi tổ hợp khoa học xã hội hoặc chọn cả 2 bài thi này”. Thầy Hải đưa ra một vài khó khăn nếu học sinh của mình thay đổi như: Hiện nhà trường có khoảng 100 em đăng ký bồi dưỡng môn lịch sử nhưng khi Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh chọn cả 2 bài thi thì có thể số lượng này tăng lên 150 em. Như vậy, nhà trường lại bố trí thêm một lớp cho các em. “Ngay từ đầu các em đã chọn ban nào thì nắm chắc ban đó, dù có thêm cơ hội nhưng phải cân nhắc kỹ thiệt hơn…”, thầy Hải nhấn mạnh.

Về vấn đề này, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết: “Xác suất thí sinh cùng chọn cả 2 bài thi tổ hợp là rất ít, không thể một mình thí sinh “ôm” 9 môn thi trong một kỳ thi (3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp có 6 môn). Nếu trường nào để xảy ra trường hợp thí sinh đăng ký cùng lúc 2 bài thi tổ hợp trên thì công tác định hướng tuyển sinh chưa tốt”.

Thầy Phú lưu ý thêm: Để thí sinh có nhiều lựa chọn là tốt nhưng các em không nên ôm đồm. Ngay từ đầu năm học, các em đã xác định chọn tổ hợp môn nào thuộc bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội là thế mạnh của mình thì tập trung ôn tập để đạt kết quả cao nhất, còn việc chọn thêm bài thi nữa đôi khi khiến các em mất tập trung, kết quả khó như mong muốn…

Minh Châu

Ý kiến đánh giá dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017

Ông Lê Vinh (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng): Có thêm điểm mới có lợi cho học sinh

Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 lần này đã có thêm điểm mới có lợi cho học sinh. Đó là các em được quyền làm 5 bài thi, chọn bài có điểm số cao hơn để xét tốt nghiệp. Về lâu dài, điều này rất tốt ở chỗ hướng đến việc học toàn diện, ưu tiên cho học sinh học đồng đều, không học lệch, có cơ hội nhiều hơn trong xét tốt nghiệp cũng như tuyển sinh ĐH, CĐ.

Nội dung thi năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12 và về lâu dài mở rộng kiến thức toàn cấp THPT là ổn, bởi vì về mặt lâu dài, cần có sự kiểm tra toàn diện kiến thức để khẳng định năng lực của học sinh. Việc phần mềm được thống nhất theo quy định mới này tạo ra sự đồng đều trên phạm vi toàn quốc, tránh được sai sót đáng tiếc. Tuy nhiên, về việc xếp thí sinh GDTX ở phòng thi riêng, về mặt bằng công nhận tốt nghiệp là giống nhau, điều đó thuận lợi cho các em, nhưng có một điểm nhỏ đó là trong cách nhìn nhận, đánh giá chủ quan sẽ có sự khác biệt giữa GDTX và giáo dục phổ thông hệ chính quy.

Theo tôi, dự thảo quy chế lần này cần làm rõ thêm một số vấn đề. Thứ nhất là cần nói rõ khi xét tốt nghiệp, thí sinh có được cộng điểm năm học cuối cấp trong học bạ cùng các bài thi để lấy điểm số trung bình xét tốt nghiệp hay không? Thứ hai, ở phần hình thức thi, lâu nay thi trắc nghiệm 100% trừ môn ngữ văn, vậy riêng kỳ thi năm 2017 cần nói rõ thi trắc nghiệm như thế nào? Một điểm nữa đó là cần công bố quy chế chính thức sớm để giáo viên, học sinh và phụ huynh xác định tư tưởng, tránh lúng túng để đạt kết quả thi tốt hơn.

Em Đào Duy Khoa (học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Phiên, Đà Nẵng): Phải cân bằng học đều các môn trong tổ hợp

Năm nay em thi tốt nghiệp nên rất quan tâm đến quy chế kỳ thi THPT quốc gia, vì vậy từ lần 1 em đã theo dõi kỹ. Mặc dù đã qua gần hết học kỳ I và đã tập làm quen được khá nhiều dạng bài kiểm tra trắc nghiệm, nhưng theo em, thi tổ hợp cũng đem đến áp lực không nhỏ cho tụi em. Thay vì học môn thứ 4 để xét tuyển vào ĐH như trước đây, em phải cố gắng cân bằng để học đều tất cả các môn trong tổ hợp. Tuy nhiên, việc được thi 5 bài thi đem đến thuận lợi cho nhiều thí sinh ban căn bản.

Vĩnh Yên (ghi)