Thứ năm, 15/9/2016, 20h37

Dự thảo thi THPT quốc gia 2017: Phù hợp với định hướng kiểm tra năng lực

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017, Giáo dục TP.HCM nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ các trường THPT về vấn đề này.

Thí sinh TP.HCM trao đổi sau khi làm bài thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: D.Bình

Theo đó, đa số ý kiến đều đồng tình với những đổi mới của kỳ thi vì phù hợp với định hướng kiểm tra năng lực vận dụng của thí sinh. Tuy nhiên, các trường mong muốn Bộ GD-ĐT sớm công bố dạng thức đề như thế nào để giáo viên có định hướng ôn tập sớm cho học sinh.

Cô Trương Thị Bích Thủy (Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM): LOẠI BỎ DẦN KIẾN THỨC THUỘC LÒNG

Xét về góc độ giải quyết môn thi và hướng đến định hướng kiểm tra năng lực thí sinh thì những đổi mới của dự thảo thi THPT quốc gia 2017 là một hướng đi đúng đắn.

Sau năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ đưa nội dung chương trình và sách giáo khoa mới vào áp dụng ở các trường phổ thông nên việc dạy học và kiểm tra đánh giá phải thực hiện theo hướng đổi mới từ từ, có lộ trình phù hợp chứ đến năm 2018 mới thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá thì có thể đã muộn. Hơn nữa, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã chỉ đạo các trường THPT thay đổi kiểm tra đánh giá theo hướng mới nhưng việc vận dụng nông sâu là ở nhà trường. Vì vậy, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT đã có lộ trình rõ ràng trong đổi mới kỳ thi THPT quốc gia nên dự thảo này không quá bất ngờ đối với học sinh và giáo viên.

Dự thảo thi THPT quốc gia 2017 tổ chức 3 môn thi bắt buộc như kỳ thi năm trước và có 2 môn thi tự chọn là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Trong 2 môn thi tự chọn, Bộ GD-ĐT sẽ dùng điểm tổng bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội để tính điểm tốt nghiệp THPT, còn xét tuyển ĐH-CĐ thì chọn môn thi là hợp lý, không thiệt thòi cho các thí sinh đã nỗ lực chọn các môn mình vượt trội năng lực để học tập.

Đối với môn toán, năm nay sẽ chuyển sang thành môn thi trắc nghiệm là một điểm mới. Qua tham khảo ý kiến của một số chuyên gia và giáo viên toán học, tôi thấy rằng đề thi THPT quốc gia 2 năm gần đây thường có 10 bài toán quy về từng chương, từng chuyên đề, dạng đề nên đề thi rất rộng, có biên độ phân hóa cao. Lâu nay giáo viên vẫn căn cứ vào dạng thức đề để giảng ôn tập cho các em. Dạng đề này đã được chẻ nhỏ nhưng đề trắc nghiệm sẽ được chẻ nhỏ hơn. Vì vậy, theo tôi, nội dung đề sẽ không thay đổi mà chỉ thay đổi về kỹ thuật làm toán. Bộ GD-ĐT cần công bố sớm dạng thức đề ra như thế nào để giáo viên định hướng, giảng dạy trên tinh thần cung cấp kỹ năng cho học sinh làm bài trắc nghiệm.

“Bộ GD-ĐT cần công bố sớm dạng thức đề ra như thế nào để giáo viên định hướng, giảng dạy trên tinh thần cung cấp kỹ năng cho học sinh làm bài trắc nghiệm”, cô Trương Thị Bích Thủy (Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) nói.

Ngoài ra, tôi cho rằng với dự thảo này thì học sinh sẽ giảm nhẹ những kiến thức thuộc lòng để vận dụng kiến thức từ thấp đến cao do áp dụng ngay vào đề thi trắc nghiệm. Chẳng hạn hình thức ra đề môn tự chọn là khoa học xã hội (môn sử, địa và giáo dục công dân) sẽ giảm được kiến thức về số liệu, sự kiện mà nâng lên kiến thức nhận biết, thông hiểu. Riêng đối với môn giáo dục công dân, lâu nay nhiều học sinh học mà không có tính vận dụng nên khá thờ ơ với bộ môn này. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT áp dụng vào đề thi thì sẽ giảm thiểu được tình trạng học lệch ở khối lớp 12. Đồng thời, đúng theo tinh thần giáo dục toàn diện học sinh của ngành GD-ĐT, tránh được tình trạng xem nhẹ bộ môn giáo dục ý thức công dân rất quan trọng này.

Thầy Trần Trung Kiên (Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM): NGÂN HÀNG ĐỀ TRẮC NGHIỆM MÔN TOÁN PHẢI ĐẦY ĐỦ, KHOA HỌC

Việc chuyển đổi môn toán từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm, theo tôi là hoàn toàn đúng đắn dù hình thức nào cũng có những ưu điểm riêng. Nếu thi tự luận môn toán thì sẽ đánh giá được tư duy sáng tạo của thí sinh cao, nhưng nhiều năm nay việc coi thi và chấm thi chưa đáng tin cậy. Thi tự luận môn toán mà đưa về các sở GD-ĐT tổ chức thì… nguy to, sở GD-ĐT nào nghiêm túc thực hiện sẽ rất tốt nhưng nếu chạy theo thành tích thì độ tin cậy sẽ không cao, chắc chắn thí sinh sẽ gian lận được. Còn nếu đưa về đánh giá theo hình thức trắc nghiệm thì sẽ đảm bảo được tính tin cậy hơn, chúng tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT phải đảm bảo được những vấn đề về ngân hàng đề thi trắc nghiệm ra sao, có đầy đủ hay không?, bộ phận ra đề và Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng phải đảm bảo được tính khoa học của đề thi…

Nhìn chung, việc đổi mới phương án thi THPT quốc gia theo định hướng kiểm tra, phát triển năng lực học sinh là rất hay nhưng Bộ GD-ĐT cần tránh việc thay đổi liên tục vì giáo dục cần đảm bảo được tính bền vững.

Minh Châu (ghi)