Thứ năm, 27/4/2017, 21h59

Đưa nghệ thuật dân tộc vào học đường: Kỳ 2: Vẫn còn đó hy vọng

Giúp giới trẻ thêm yêu thích, biết trân trọng, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, xem đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Chương trình “Đờn ca tài tử vào học đường” tại Trường THCS Cách Mạng Tháng 8 - quận 10. Ảnh: Thanh HIệp

Cần lắm những sân chơi

Một bộ phận giới trẻ ngày nay dễ nghe, dễ nhìn và dễ cảm một cách hời hợt, gấp gáp. Một câu vọng cổ, một làn điệu dân ca luyến láy… khó có thể đến gần với các em nếu không có những người nghệ sĩ lặng lẽ đưa nghệ thuật truyền thống giới thiệu vào học đường. Không thể đổ lỗi cho các em bởi môi trường, hoàn cảnh sống đã phần nào tác động đến sở thích cá nhân. Hơn hết, các em chưa có nhiều những cơ hội được cung cấp kiến thức và cảm nhận về cái hay, cái đẹp của các loại hình sân khấu cổ. Là nhân vật thường xuyên góp mặt trong những chương trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống đến học đường, nghệ sĩ Tâm Tâm chia sẻ: “Trước khi đi biểu diễn ở các trường, tôi cứ lo sợ HS sẽ buồn ngủ, không thích thú với âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, khi đã tham gia chương trình ở nhiều trường, lo âu đó trong tôi đã tan biến. Các em rất hào hứng, say mê theo dõi. Ở cấp độ HS còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi chọn ra một chương trình biểu diễn, giới thiệu nhẹ nhàng, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi của các em”. Có lẽ, một khi các em hiểu được thông điệp từ nội dung những vở diễn, từ cách diễn xuất đặc thù của diễn viên, thì ắt sẽ có thể tự nguyện ngồi xem trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật.

Để nghệ thuật sân khấu truyền thống đến với học đường và trở về với đời sống đúng nghĩa của nó, trở thành sân chơi gần gũi, ý nghĩa cần có một thái độ trân trọng, kiên nhẫn mới mong đem lại hiệu quả. Chương trình sân khấu học đường “Tiếng nói trẻ thơ” do Nhà hát Tuổi Trẻ TP.Hà Nội, Nhà hát Kịch TP.HCM, Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần TP.HCM thực hiện từ năm 2007 nhờ vào kinh phí tài trợ của Quỹ Hợp tác văn hóa và giáo dục SIDA (Thụy Điển) đã phải ngưng khi tiền hết để lại bao tiếc nuối cho những người tâm huyết. Sân khấu kịch IDECAF với dự án sân khấu học đường nhằm “đưa kịch lịch sử vào trường học” cũng từng gặp không ít khó khăn về vấn đề kinh phí. Diễn kịch lịch sử trong trường học như một môn học ngoại khóa bổ ích cho các em, góp phần hỗ trợ công tác giáo dục học đường một cách sinh động, hấp dẫn. Thế nhưng, việc tạo ra những sân chơi mang màu sắc nghệ thuật truyền thống trong học đường xem ra vẫn còn là một bài toán nan giải bởi vấn đề kinh phí, sự đầu tư.

Mong có giải pháp thiết thực

Thạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM cho biết: “Trong thời gian qua, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường đã có sự khởi sắc khi nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Tôi chỉ mong nghệ thuật truyền thống sẽ đến được với tất cả HS, nhằm giúp các em hiểu và thêm yêu những giá trị văn hóa của dân tộc từ bao đời. Điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức, giúp các em xem đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ở lứa tuổi đang tiếp nhận kiến thức nên một số HS làm nghệ sĩ ngạc nhiên khi các em “bắt” được hồn của mỗi môn nghệ thuật. “Nhiều khi đi biểu diễn ở các trường, nhìn các em say sưa tập hát một câu hát dân ca cũng đủ làm nghệ sĩ chúng tôi thêm cảm hứng truyền dạy. Đưa sân khấu truyền thống vào học đường là điều nên làm và chọn lọc để có sự phù hợp nhất với tâm lý tiếp nhận của các em”, nghệ sĩ Bích Phượng cho biết.

Có những chương trình, nghệ sĩ không giấu được cảm xúc khi chứng kiến cảnh các thầy cô giáo, HS say sưa tập hát theo một câu vọng cổ hay một điệu lý... Tác động của sân khấu không thể ngay một sớm một chiều, cũng như hiệu quả của nó không thể chỉ qua một chương trình đã thấy rõ. Để sân khấu truyền thống có thể phát triển, ươm mầm trong học đường, chúng ta cần làm thường xuyên, liên tục, “mưa dầm thấm lâu” để trau dồi tình yêu nghệ thuật truyền thống của các em.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường cần có sự chung tay hơn nữa từ nhiều phía để chương trình phát huy hiệu quả hơn nữa. Thạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM cho biết: “Trong thời gian qua, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường đã có sự khởi sắc khi nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Tôi chỉ mong nghệ thuật truyền thống sẽ đến được với tất cả HS, nhằm giúp các em hiểu và thêm yêu những giá trị văn hóa của dân tộc từ bao đời. Điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức, giúp các em xem đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Những ai tâm huyết, yêu mến nghệ thuật truyền thống vẫn có quyền hy vọng những giá trị văn hóa dân tộc này sẽ không mất đi mà ngày càng có cơ hội đi sâu vào đời sống học đường, tiếp tục được triển khai trong thời gian tới với quy mô rộng rãi hơn.

Thục Quyên