Thứ sáu, 28/4/2017, 22h35

Đưa nghệ thuật dân tộc vào học đường: Kỳ cuối: Có khó cũng quyết tâm làm

Giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện nhân cách trong đó biết hòa nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc... là việc làm khá khó khăn nhưng luôn được nhà trường phổ thông quan tâm thực hiện. Nắm vững được những khó khăn, thách thức cũng là cơ sở để đề xuất những cách thức, con đường tác động phù hợp và hiệu quả.

Cần có phương pháp tuyên truyền hợp lý khi đưa nghệ thuật dân tộc vào học đường. Ảnh: Thanh Hiệp

Có khó cũng làm

Hoạt động này đã được tiến hành ngay trong suốt thời gian qua cùng với những nội dung giáo dục cơ bản khác như trí dục, đức dục, mỹ dục, thể dục, giáo dục lao động... để giúp học sinh hoàn thiện nhân cách của mình. Thông qua nội dung dạy học và các hoạt động giáo dục để tạo môi trường đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam vừa bắt kịp các tinh hoa văn hóa chung của nhân loại vừa giữ được bản sắc văn hóa riêng đậm đà truyền thống dân tộc. Hiện nay, một số giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và quốc tế đã được đưa vào nhiều bài học ở các môn học và hoạt động giáo dục của trường phổ thông các cấp tiểu học, THCS và THPT nhưng còn chưa mang lại hiệu quả cao. Việc triển khai công tác này còn nhiều bất cập, nội dung còn nặng lý thuyết, hàn lâm. Cả giáo viên lẫn học sinh dù hứng thú với các chủ đề văn hóa truyền thống nhưng lại thiếu thời gian, không gian để truyền tải hồn túy của những giá trị văn hóa đến học sinh. Nhất là đối tượng giáo dục do còn hạn chế về mặt nhận thức, chưa thấy được giá trị sâu sắc của việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các em chỉ biết chú tâm đến những bài học liên quan đến những kỳ thi trước mắt cũng như kỳ thi đại học. Vì thế, để giúp học sinh chủ động, tự giác tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, biết giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống nhà trường cần chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình, và các đoàn thể thiết lập những hoạt động hướng về nguồn cụ thể, thiết thực và hấp dẫn.

Cần đa dạng về hình thức, sinh động về nội dung

Trước hết, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hai chủ thể của quá trình sư phạm. Công tác giáo dục văn hóa truyền thống này đã và đang được triển khai trong chương trình học bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, dưới nhiều hình thức phong phú đa dạng và từng bước cụ thể hóa thông qua việc tổ chức các hoạt động như phát động học sinh viết bài thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, triển khai các cuộc vận động, trao đổi, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, diễn kịch theo các chủ đề về truyền thống văn hóa dân tộc... nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc, của thanh, thiếu niên. Qua đó giúp cho học sinh thấu hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của những sự kiện, ngày lễ mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Cùng với đó là tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” cùng với địa phương, đoàn thể; tổ chức cho học sinh gặp gỡ, trao đổi với các nhân chứng lịch sử, tìm hiểu các di tích lịch sử, đến các bảo tàng dân tộc...

Đặc biệt nhà trường tiến hành giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh thông qua đợt sinh hoạt ngoại khóa như Hội trại nhân ngày thành lập Đoàn 26-3, Tiếp lửa truyền thống…; Qua những sự kiện cụ thể đã góp phần giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng, lý tưởng, hoài bão cho học sinh, từ đó củng cố niềm tin vững chắc vào con đường, sự nghiệp cách mạng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Nhân dịp ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10-3, Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7… nhà trường cần tăng cường công tác giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh này tiếp tục được đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động sinh động, hình thức phong phú, như tham gia các hoạt động tình nguyện; Xây dựng các công trình thanh - thiếu niên mang ý nghĩa thiết thực; đến thăm, hỏi tặng quà các gia đình chính sách, dọn dẹp, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các anh hùng - liệt sĩ... Đây chính là hình thức giáo dục trực quan sinh động và có giá trị hữu hiệu nhất đối với học sinh phổ thông. Đồng thời, Đoàn Thanh niên của nhà trường cần thường xuyên duy trì phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng nhằm giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng, những gia đình neo đơn để giáo dục tinh thần văn hóa “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”... của người dân Việt Nam. 

Việc tổ chức công tác giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh luôn đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt qua việc triển khai thực hiện các cuộc vận động như “Thanh - thiếu niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ”; hoặc thiếu niên, nhi đồng ở tiểu học và THCS có cuộc vận động thực hiện tốt 5 điều Bác dạy, phát động các phong trào thi đua nêu gương người tốt, việc tốt… để góp phần nâng cao hiểu biết, giáo dục tinh thần yêu nước, giáo dục đạo đức, nhân cách, lòng nhân ái và ý thức phấn đấu trong học tập, lao động, rèn luyện của học sinh.

Những hoạt động thiết thực và đa dạng trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa Việt Nam cho học sinh của nhà trường trong thời gian qua đã thực sự tạo động lực, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chế độ chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ. Tuy vậy, trong điều kiện hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập về thông tin, về khoa học công nghệ, về văn hóa, kinh tế… nếu không có cách chọn tốt phương pháp chuyển tải cũng như hướng dẫn học sinh cách tiếp cận và lĩnh hội tinh hoa văn hóa nhân loại thì giáo dục truyền thống sẽ rơi vào hình thức, xa dần thực tế, không đến được sâu và sát với đối tượng giáo dục. Trong đó, cần phát huy và chú trọng công tác giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc qua các bài học lịch sử và giáo dục công dân trong nhà trường cũng cần phải thiết kế kết hợp với phương tiện, các thiết bị công nghệ cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Phải phối hợp nhuần nhuyễn

Các nhà sư phạm ở phổ thông cần tìm ra và phối hợp nhuần nhuyễn, hợp lý các phương pháp tuyên truyền, giáo dục và gia công làm mềm hóa các hình thức giáo dục để chuyển tải đến học sinh. Phát huy vai trò tích cực, chủ động của học sinh qua các hình thức sân khấu hóa, duy trì hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm chuyển tải các bài dân ca cũng như ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, những bài ca bất hủ cho thế hệ thanh, thiếu nhi; nâng chất lượng từ thiết kế giáo án, trang phục, thiết kế sân khấu, phương tiện dạy học huy động thành tựu của khoa học công nghệ đáp ứng quá trình giáo dục. Giúp học sinh thấy yêu thích, có hứng thú, chủ động, tự giác, tích cực tìm hiểu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Biết trân trọng giữ gìn và nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiếp thu, duy trì và phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa của dân tộc - đó mới thực sự là đích cần đạt đến trong quá trình giáo dục nhân cách thế hệ trẻ hiện nay.

Vũ Mạnh Tiến - Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)