Thứ sáu, 27/8/2010, 10h08

Đua nhau mời gọi thí sinh

Hôm nay, các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng trước đó, nhiều trường đã gửi giấy báo nhập học cho các thí sinh dù không dự thi và cũng không có nguyện vọng.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 vừa qua, Đỗ Tiến Toàn (xã Kim Bình, Kim Bảng - Hà Nam) đăng ký dự thi vào Trường ĐH Mỏ - Địa chất và Trường CĐ nghề Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Kết quả thi của Toàn không cao, em được 10 điểm, bằng đúng điểm sàn xét tuyển CĐ.
“Loạn” giấy báo nhập học
Với kết quả nói trên, Toàn chưa biết có vào được trường mình đăng ký không nhưng từ hôm có điểm thi đến nay, em đã nhận được hơn chục giấy báo trúng tuyển, giấy báo nhập học của các trường khác, trong đó có cả những trường chưa bao giờ nghe tên.
Mức học phí mỗi trường một khác, thấp là vài triệu đồng, cao nhất là vài ngàn USD/năm. Toàn cho biết hiện em chưa đăng ký vào trường nào vì không có thông tin và cũng không biết chất lượng đào tạo của các trường gửi giấy nhập học thế nào.
Tương tự, em Nguyễn Thị Hậu ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội dự thi khối A vào Trường ĐH Nông nghiệp 1 nhưng chỉ được 11 điểm. Với kết quả này, Hậu chắc chắn trượt ĐH nên cả gia đình rất buồn.

Tới tấp nhận giấy báo nhập học. Ảnh: Nguyễn Thắng
Tuy nhiên, nỗi buồn thi trượt không ở lại lâu vì bỗng nhiên hàng loạt trường khắp nơi như CĐ nghề Bách khoa, CĐ Bách Nghệ Tây Hà, Học viện Công nghệ Thông tin số 1 Châu Á, Trung cấp Công nghệ và Kinh tế đối ngoại... tới tấp gửi giấy báo nhập học về. Nhận được hàng loạt giấy báo nhập học nhưng cô gái này không hề vui.
Em cho biết khi nộp hồ sơ dự thi đã tìm hiểu về các trường ĐH, CĐ khá kỹ, tuy nhiên em không biết những trường này. Mà học phí của các trường này rất cao, thường tính bằng USD hoặc mập mờ như “học phí linh hoạt, được chia làm các kỳ, các tháng”.
Nguyễn Thị Thoa cũng ở xã Đắc Sở, may mắn đủ điểm đậu vào Khoa Chế biến của Trường ĐH Nông nghiệp 1. Thế nhưng, trong khi trường trúng tuyển chưa có giấy báo nhập học thì đã nhận được tới 20 loại giấy mời xét tuyển và giấy báo đậu vào các trường ĐH, CĐ.
Mời hợp tác, có hoa hồng
Theo ông Nguyễn Hữu Hứa, bưu tá xã Kim Bình, tỉnh Hà Nam, từ giữa tháng 7 đến nay, mỗi ngày ông nhận được khoảng 15 phiếu báo nhập học của học sinh trong xã. Có em hơn 10 giấy và ít thì cũng là 3 trường gọi nhập học. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Vũ Hải, Chủ tịch UBND xã Kim Bình, tỉnh Hà Nam, cho biết có trường gửi thẳng giấy báo nhập học cho thí sinh nhưng cũng có trường gửi thư mời hợp tác với UBND xã và kèm theo đó là những tờ giấy báo nhập học để khống. Các trường sẽ để một phần kinh phí cho xã để giới thiệu thí sinh. Đó là khoản “hoa hồng” cắt lại sau khi trường tuyển được thí sinh nhập học.
Thậm chí, có trường còn gửi giấy gọi nhập học và liên tiếp 2 lần điện thoại về tận nhà để mời chào như Trường NIIT IPMAC,với lời giới thiệu hết sức hấp dẫn như môi trường học tập hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, sinh viên tốt nghiệp luôn được săn đón tại các doanh nghiệp hàng đầu,...
Trường nhiều, chỉ tiêu lớn
Trước tình trạng “loạn” giấy báo nhập học, nhiều trường gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho cả những thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3 vào trường, Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các trường ĐH, CĐ yêu cầu không gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 hoặc NV3 vào trường.
Tuy nhiên, liệu văn bản này có được chấp hành nghiêm khi mà hàng trăm trường cả ĐH, CĐ lẫn TCCN đều đang trong tình trạng thiếu thí sinh đến học?
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy cả nước hiện có 440 trường ĐH, CĐ, trong số đó có hơn một nửa là được nâng cấp từ bậc học thấp hơn. Trong hơn 10 năm, số trường ngoài công lập tăng gấp 5 lần, hiện cả nước có tới 76 trường dân lập và tư thục.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng chính sự phát triển một cách ồ ạt, vội vã của các trường ĐH, CĐ đã khiến chất lượng giáo dục bị bỏ ngỏ. Trường mở nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhưng người đến học thì ít, vì vậy các trường phải dùng nhiều chiêu câu kéo cho đủ thí sinh.
Việt Thanh – Yến Anh/ NLĐ