Thứ bảy, 21/5/2011, 08h05

Đưa trí thức trẻ về làm “quan xã”: Kỳ cuối: Đừng nghĩ công việc “màu hồng”

Chân ướt chân ráo rời thành phố về làm “quan” ở những xã nghèo thuộc huyện nghèo. Công việc của các trí thức trẻ không phải chỉ có tráng ấm, pha trà. Bởi nơi này, thực sự cần họ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện các tỉnh đã nhận được hơn 100 hồ sơ ứng viên dự tuyển cho chức phó chủ tịch UBND xã. Mong Văn Tình (dân tộc Khơ Mú) xã Nậm Nhóng, Quế Phong, Nghệ An cho biết, nếu được tuyển chọn làm phó chủ tịch xã, việc đầu tiên Tình làm sẽ là công tác dân vận để người dân tin tưởng và có phương thức lao động tiên tiến nâng cao đời sống. Hoàng Văn Lâm, xã Kỳ Điền, Lục Ngạn, Bắc Giang đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp là một trong những người nộp hồ sơ về Tỉnh đoàn Bắc Giang. “Lục Ngạn nơi Lâm sinh ra không phải là huyện nghèo trong diện Chương trình 30A của Chính phủ nhưng Kỳ Điền lại là xã thuộc diện Chương trình 135, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Sinh ra tại đây nên Lâm cũng phần nào hiểu được thực tế cuộc sống vất vả của bà con”, Lâm thổ lộ. Tuy vậy, hầu như các bạn trẻ đều thể hiện sự e ngại liệu họ có phải chịu ảnh hưởng từ tư tưởng cục bộ địa phương khi về làm tại xã không phải là nơi mình sinh ra hay không? Sau khi hết dự án, liệu họ có được tiếp tục tuyển dụng cho các cơ quan nhà nước không, nếu không thì sẽ ra sao bởi sau bảy năm thực hiện dự án, họ đã quá tuổi 30, khó tìm kiếm cơ hội khẳng định mình…
Điều khó khăn thứ hai là có tiền không biết tiêu vào đâu, có thể sẽ bị vắt cắn, người dân nói tiếng của họ mà mình không hiểu, rồi cả việc khó lấy chồng với cán bộ nữ, liệu sau ba tháng bồi dưỡng thêm, những phó chủ tịch này có đáp ứng được yêu cầu thực tế…, đó là những khó khăn được đưa ra để “dạo” trước tinh thần cho các trí thức trẻ đang làm hồ sơ thi tuyển 600 chức danh phó chủ tịch xã cho các huyện nghèo.
Đại diện Sở Nội vụ Quảng Ngãi thì lo kinh nghiệm của những người trẻ chưa nhiều sẽ rất khó khăn khi hoạt động tại các xã nghèo. “Bình thường, muốn lên phó chủ tịch thì phải qua quá trình trải nghiệm rất lâu, chứ còn trẻ, chỉ riêng việc đứng trước đồng bào chưa hiểu hết phong tục tập quán đã là hết sức khó khăn”, vị đại diện này nói.
Trước lo ngại của những trí thức trẻ về tư tưởng cục bộ, cán bộ cũ không chia sẻ với cán bộ mới, ông Giàng A Tông, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) cho rằng, những ai lần đầu đến với những nơi mới lạ, nhất là vùng đặc biệt khó khăn như Mù Cang Chải, dĩ nhiên sẽ dễ có suy nghĩ này. Ông Tông khẳng định, huyện đã có văn bản đề nghị các xã có cán bộ đến làm việc cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ làm việc, xây dựng kinh tế phát triển. Họ không phải là người đến chiếm chức, giữ quyền của cán bộ xã mà là đến giúp đỡ địa phương xóa đói giảm nghèo.
Nghiêm Huê