Thứ sáu, 27/3/2009, 17h03

Đức: Các hiệu trưởng phàn nàn về hệ thống giáo dục

Giáo viên than phiền một số trường đang biến thành những khu ổ chuột

Khoảng 68 hiệu trưởng đã gửi một lá thư đến nhà chức trách ở thủ đô nước Đức than phiền về tình trạng kinh khủng tại trường học của họ.
Các giáo viên nói họ đang đối mặt với mức độ đáng lo ngại về bạo lực, thái độ xấu và tình trạng chia rẽ tại các trường học ở Berlin và họ cho rằng một số trường đang biến thành những khu nhà ổ chuột đối với trẻ em có nguốn gốc di dân. Trong thư, các giáo viên cũng chỉ trích chính quyền không chịu sửa sang lại những kiến trúc nhà trường đã cũ, xuống cấp nặng. Qua đó, dư luận công chúng cũng đã lên tiếng bởi các giáo viên than phiền về trường học ngay tại trung tâm Berlin, thuộc quận Mitte, là nơi có trụ sở hạ viện Đức.
Trường Gustav-Falke, một trường sơ cấp công ở Berlin, cần sửa chữa gấp bởi tại sảnh chính, một đà đỡ lớn trên trần bị thấm nước và ở cầu thang, tường đang sụp đổ.
Những gia đình di dân
Có một ngôi trường tại Beclin - hơn 20 năm nay không được sửa, hiệu trưởng tại đây chán ngấy với tình trạng của trường đến nỗi bà công khai gửi thư đến nhà chức trách. Trong thư, Karin Mueller viết: “Lần cuối cùng trường được sơn phết lại là vào năm 1987 và từ đó chẳng ai để ý đến nữa. Nếu tôi có một căn hộ, trong vòng 2 đến 5 năm tôi sẽ tân trang cho nó 1 lần. Trường của chúng tôi đang tan rã và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi phụ huynh không muốn cho con em họ tới đây”.
Hầu hết học sinh trong trường đến từ các gia đình di dân và đặt ra thách thức lớn đối với giáo viên. Bà Mueller viết: “87% các em có nguồn gốc di dân. Các em là người Thổ Nhĩ Kỳ, Arab hoặc châu Phi và các em không nói tốt tiếng Đức. Chúng tôi có những lớp học không hề có một học sinh gốc người Đức nào”. 
Nhà vệ sinh hôi thối
Trường Gustav-Falke đã từng có 620 học sinh theo học, nhưng hiện chỉ có 360 em do nhiều bậc phụ huynh chọn cách gửi con em mình đến những trường công thuộc các quận khác. Một số phụ huynh đủ tiền thì gửi con em họ đến trường tư.  
Yvonne Askar thoạt đầu cho con trai út của bà, Schadi, 7 tuổi, đến Trường Gustav-Falke, nhưng rồi lập tức chuyển trường. Trường mới tốt hơn, mặc dù cách xa nhà hơn nhiều.
Bà Askar nói: “Trường Gustav-Falke là một thảm họa: Thạch cao bong ra khắp nơi, mái nhà thì hư hỏng và nhà vệ sinh bốc mùi hôi. Trẻ em không dám vào toa-lét bởi mùi khó chịu này”. Bà nói thêm: “Có nhiều trẻ từ những gia đình di dân không em nào muốn tới Trường Gustav-Falke, nhất là những phụ huynh Đức bản xứ khi vừa đặt chân tới trường, thấy trường như vậy cũng đủ khiến họ nhanh chóng quyết định đưa con em mình tới trường khác”.
Tận cùng của giới hạn
Đây không phải lần đầu các giáo viên ở Berlin phàn nàn về trường học bị xuống cấp.
Năm 2006, các giáo viên Trường Ruetli, quận Neukoelln, Berlin đã viết thư gửi nhà chức trách yêu cầu cho trường đóng cửa. Lý do, theo các giáo viên nói họ không thể chịu đựng lâu hơn nữa vì bị học sinh xúc phạm và tấn công, đôi khi bằng dao.
Patricia Thiemig, một cô giáo đã làm việc ở Trường Gustav-Falke suốt hơn 30 năm, viết: “Lớp chúng tôi quá đông và nhiều học sinh không được chuẩn bị để tới trường. Một số em có tới nhà trẻ trước khi đến trường, nhưng nhiều em không, nên chúng tôi phải khởi sự từ bước đầu, như chỉ dẫn các em cách cầm kéo, cách sử dụng viết chì và chúng tôi còn phải dạy các em nói tiếng Đức. Phụ huynh không nghĩ trường học là quan trọng và họ không thể giúp học sinh làm bài ở nhà, nên công việc của chúng tôi càng trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi cần có thêm giáo viên và một người làm việc xã hội trong mỗi lớp”.
Tiền dành riêng
Lá thư của giáo viên được tiết lộ với báo giới Đức về khủng hoảng mở rộng trong hệ thống giáo dục Berlin đã gây nên tranh luận nóng bỏng. Những nhà chính trị đối lập trong chính quyền bang Berlin, vốn chịu trách nhiệm về giáo dục, đã kêu gọi Hội đồng thành phố đầu tư nhiều hơn vào giáo dục. Giữa lúc công luận lên tiếng, chính quyền Berlin đã mời các đại biểu giáo viên thảo luận về nỗi bất bình của họ với Nghị viên phụ trách giáo dục, Juergen Zoellner. Các quan chức Berlin nói họ đã có sẵn tiền dành cho giáo dục. Phát ngôn viên của thành phố, Kenneth Frisse, nói: “Các quận của Berlin có trách nhiệm xây dựng trường ốc hiện tại, nhưng chúng tôi cũng có kế hoạch hỗ trợ cho các quận. Bang Berlin sẽ chi nửa tỉ euro trong 3 năm tới để sửa sang trường học và chúng tôi cũng có thêm nhân viên để giúp học sinh có nguồn gốc di dân”.
Tuy nhiên, phụ huynh và giáo viên tại đây cho rằng trường ốc đang ở tình huống nguy kịch và họ kêu gọi giúp đỡ trọn gói cho hệ thống giáo dục. Cô giáo Thiemig nói: “Chính quyền có thể làm nhiều hơn nhiều. Đây là Berlin, thủ đô nước Đức và ai cũng nói giáo dục là điều quan trọng nhất để kiếm việc làm trong tương lai, nhưng vì vài lý do nào đó, tiền chạy đi dâu mất, được dùng vào những dự án khác”. Cô nói thêm: “Nên dùng nguồn vốn chính của chúng ta phục vụ cho trẻ em bởi nó là nguồn vốn có nhiều tiềm năng nhất”.
Quang Hùng (theo AP)