Thứ ba, 7/8/2018, 22h58

Đừng bắt thiếu nhi hát nhạc người lớn

Trong bối cảnh sân khấu văn nghệ thiếu nhi truyền thống khan hiếm khán giả, thì những game show truyền hình tổ chức cuộc thi tiếng hát thiếu nhi lại “đông khách”. Theo nhận định của giới chuyên môn, tình trạng game show để thiếu nhi hát nhạc của người lớn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình bồi đắp tâm hồn trẻ thơ cho các em.

Thể hiện những ca khúc phù hợp với lứa tuổi là một trong những cách vun bồi tâm hồn cho thiếu nhi

Sân khấu truyền thống: Khán giả đa phần là phụ huynh

Có thể nói sân khấu văn nghệ thiếu nhi truyền thống ở TP.HCM ngày càng “hiếm” người xem, cho dù đó là cuộc thi được tổ chức cấp thành phố. Tiêu biểu như Liên hoan ca múa nhạc thiếu nhi hè toàn thành năm 2018, được tổ chức vào ngày 1 đến 3-7 tại Nhà Thiếu nhi Thành phố, ngồi trong hàng ghế khán giả cũng chỉ có phụ huynh đưa con đi thi, không có quần chúng “tự nguyện” tham dự. Thậm chí người dẫn chương trình còn phải luôn miệng nhắc: “Đề nghị thành viên các đội sau khi hoàn thành phần thi của mình, hãy ở lại để cổ vũ cho các đội bạn”. Để khuyến khích “tinh thần ở lại” của các đội nhằm tránh tình trạng “hội trường trống vắng”, người MC khẳng định: “Những đội ở lại cổ vũ cho đội bạn sẽ được tính thêm điểm cho đội nhóm mình”. Trong khi hơn 100 tiết mục dự thi được dàn dựng rất công phu, rất đa dạng về thể loại (đơn ca, ca múa, hợp xướng, múa, hòa tấu nhạc cụ dân tộc). Lẽ ra, một cuộc thi thường niên đã góp phần làm cho sân chơi mùa hè của thiếu nhi thành phố thêm phong phú và bổ ích như vậy, sẽ được khán giả đón nhận, như là cách cổ vũ tinh thần cho các em sau bao ngày dày công tập luyện, thi thố.

Tình trạng ghế khán giả trống người xem đối với một chương trình “toàn tâm” với những ca khúc “thuần” thiếu nhi như Liên hoan văn nghệ thiếu nhi hè khối phong trào TP.HCM 2018 cũng là một trong những điệp khúc buồn được lặp lại. Liên hoan diễn ra từ ngày 20 đến 23-7, tổng kết trao giải vào ngày 28-7 tại Sân khấu Sen Hồng. Nội dung chương trình không chỉ phong phú bởi các ca khúc thiếu nhi quen thuộc như Thiếu nhi thành phố Bác Hồ (nhạc sĩ Mộng Lân), Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (nhạc sĩ Phong Nhã), Mái trường mến yêu (nhạc sĩ Lê Quốc Thắng), Nổi trống lên các bạn ơi (nhạc sĩ Phạm Tuyên)…, mà liên hoan năm nay còn có thêm nét mới độc đáo bởi có thêm phần thi đờn ca tài tử độc đáo. Nội dung cuộc thi cho dù rất phong phú, không gian sân khấu thoáng mát, người xem được vào cửa tự do nhưng bấy nhiêu yếu tố vẫn không thể thu hút quần chúng đến xem ủng hộ. Bà Lê Thị Chín, một phụ huynh của thành viên đội văn nghệ Nhà Thiếu nhi quận 3 ưu tư: “Sân khấu văn nghệ thiếu nhi thành phố trong bao nhiêu năm qua đã góp phần phát hiện và bồi dưỡng biết bao thế hệ ca sĩ cho thành phố, nhưng tình trạng sân khấu truyền thống ngày càng hiu hắt, còn các game show thiếu nhi hát nhạc của người lớn lại ngày càng rầm rộ thì cũng thật đáng buồn”. 

“Đừng bắt thiếu nhi phải hát nhạc của người lớn”

“Đừng bắt thiếu nhi phải hát nhạc của người lớn” là nỗi niềm ưu tư của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong bối cảnh game show tổ chức cuộc thi cho thiếu nhi bùng nổ. Từng được mệnh danh là “nhạc sĩ của tuổi thơ” với kho tàng khoảng 700 ca khúc sáng tác dành cho thiếu nhi, nhạc sĩ Phạm Tuyên người đã được Trung tâm Kỷ lục Guinness Việt Nam trao bằng chứng nhận “nhạc sĩ Việt Nam có nhiều bài hát trẻ em yêu thích nhất”. Trong kho tàng quý giá đó, có những ca khúc mà thiếu nhi Việt Nam đều thuộc nằm lòng như bài Tiến lên đoàn viên, Trường của cháu là trường mầm non, Chú voi con ở bản Đôn, Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ…  Vì quá tận tâm với nhạc thiếu nhi, nên nhạc sĩ Phạm Tuyên đã không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến các thí sinh nhí thể hiện những ca khúc của người lớn trong các chương trình game show truyền hình.

Quả thực, ca khúc dành cho thiếu nhi khá hiếm hoi trong các chương trình truyền hình thiếu nhi thi hát như: “The Voice kids”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Tuyệt đỉnh song ca nhí”, “Thần tượng âm nhạc nhí - Vietnam Idol kids”, “Giọng hát Việt nhí”... Nhạc sĩ - thạc sĩ lý luận âm nhạc Văn Thu Bích nhận định: “Thực trạng đang diễn ra hiện nay là trong các cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi trên truyền hình, đa phần các em lựa chọn thể hiện những ca khúc của người lớn. Và cũng chính từ sự tán thưởng của người lớn đã vô tình khiến các em lầm tưởng về tài năng, dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và bào mòn sự trong sáng của tuổi thơ. Ngay cả một số ca sĩ, nhạc sĩ hướng dẫn cũng theo tiêu chí của cuộc thi nên uốn nắn các em biểu diễn dòng nhạc già hơn tuổi, càng giống người lớn càng tốt. Tình trạng này đáng được báo động để giới nhạc sĩ quan tâm hơn nữa đến việc sáng tác và dàn dựng ca khúc phù hợp cho lứa tuổi thiếu nhi hiện nay”.

Vũ Phương

Nhạc sĩ Phạm Tuyên trăn trở: “Tôi đã góp ý với lãnh đạo nhà đài rằng đừng bắt các cháu trở thành người lớn sớm quá, đừng bắt các cháu hát bài hát của người lớn. Có cháu nào biết gì về Thị Mầu không mà lại bắt chúng hát bài về Thị Mầu lên chùa? Khi xem các cuộc thi gần đây của thiếu nhi tôi có cảm giác các cháu nhỏ giống như là diễn viên diễn xuất trên sân khấu để làm người lớn vui…”.