Thứ ba, 30/1/2018, 22h26

Đừng bình chân khi 4.0 đang đến gần

Đó là khẳng định của các diễn giả trong chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng 4.0” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Tân Tạo và ĐH FPT tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) sáng 29-1.

Một học sinh nữ giơ tay đặt câu hỏi cho các diễn giả

Những điều từng tự hào không còn phù hợp

Chia sẻ với các em học sinh trong trường về cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ThS. Nguyễn Mai Lâm (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và Truyền thông Quốc tế Restart) khẳng định đây là cuộc CMCN có sự kết hợp của kỹ thuật số, vật lý và công nghệ sinh học. Nó có tác động khủng khiếp, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nhân lực và nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nếu đứng ngoài cuộc chơi, quốc gia đó sẽ trở nên trì trệ và lạc hậu.  Cụ thể, theo ông Lâm, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra một nền sản xuất công nghiệp có tính cạnh tranh cao, duy trì tăng trưởng và phát triển dựa trên nền tảng của tri thức và ứng dụng mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại. Khi đó, các nhà máy thông minh (Smart factories) với nền tảng của công nghệ tự động hóa và kết nối vạn vật giữa thế giới thực - ảo sẽ trở thành trung tâm của cuộc CMCN. Công nghệ Bigdata, trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép các hệ thống sản xuất tối ưu hóa, tự cấu trúc, hiệu chỉnh những thay đổi trong toàn bộ quá trình sản xuất từ việc thay đổi đơn hàng, quản lý biến động về chất lượng sản phẩm đầu ra, máy móc, các yếu tố đầu vào tới những hoạt động bảo trì, bảo dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động sẽ được gia tăng đáng kể.

Trước những biến động đó, ông Lâm cho biết nhiều nhóm ngành nghề mới sẽ lên ngôi thay thế cho những ngành nghề không còn phù hợp. Sẽ không có chỗ đứng cho lao động phổ thông mà máy móc, robot sẽ thay con người làm rất nhiều việc. Đối với Việt Nam, những tiềm lực kinh tế mà trước nay chúng ta vẫn luôn tự hào sẽ không còn phù hợp trong thời đại mới. “Chúng ta từng tự hào là quốc gia có nguồn lao động dồi dào, là cơ sở để nhiều nước đặt ngành hàng sản xuất, gia công sẽ không còn. Chẳng bao lâu nữa 86% lao động thủ công Việt Nam sẽ thất nghiệp bởi những cỗ máy có năng suất, hiệu quả hơn con người sẽ thay thế. Chúng ta cũng từng tự hào là nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, thì nay hàng loạt các vật liệu mới với tính ưu việt vượt trội cũng sẽ lên ngôi. Tri thức và công nghệ cao sẽ thay thế cho những điều mà chúng ta vốn vẫn tự hào”, ông Lâm phân tích.

Đừng là nô lệ của máy móc

Cùng với những tác động của cuộc CMCN 4.0, các ngành học được đào tạo cũng sẽ có sự thay đổi để thích ứng kịp thời. Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho biết hệ thống GD-ĐT quốc dân hiện đang đào tạo 336 ngành học, đáp ứng nhu cầu của hơn 40.000 công việc khác nhau. Trong thời đại CMCN 4.0, nhiều ngành nghề trong lĩnh vực vật lý, sinh học, công nghệ, tự động hóa… sẽ có sự phát triển vượt bậc, tạo ra những siêu phẩm trí tuệ nhân tạo được lập trình để thay thế con người ở nhiều lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, dù có thay đổi như thế nào thì sự thay đổi đó cũng bắt đầu từ con người. Robot có thể có tư duy logic, nhưng lại không có tư duy về mặt cảm xúc. Con người hoàn toàn có thể làm chủ cuộc cách mạng này nếu biết học hỏi không ngừng. Trong thời đại CMCN 4.0, sự tự học sẽ lên ngôi. “Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em có thể rèn cho mình tính tự học này. Đừng bình chân khi cuộc CMCN 4.0 đang đến gần. Đừng làm nô lệ của các cỗ máy như Smartphone, Ipad, đừng xem các thông tin “câu view” nhảm nhí mà hãy tìm hiểu, khám phá để xem mình cần những gì để đáp ứng thời cuộc mới”, ông Cường khuyên.

Ai không có chuyên môn sẽ bị đào thải

Em Nguyễn Hoàng Long đặt câu hỏi cho diễn giả

Trả lời câu hỏi của em Nguyễn Hoàng Long về việc những người lao động không có trình độ có nguy cơ bị thất nghiệp phải làm gì trong cuộc CMCN 4.0, ThS. Nguyễn Mai Lâm nhìn nhận: Nhiều số liệu thống kê cho thấy, với tỷ lệ tới 70% lao động chưa qua đào tạo, rào cản lớn khiến Việt Nam khó tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0 chính là… chúng ta. “Trong cuộc CMCN 4.0, những ai không có chuyên môn sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, khi những ngành nghề truyền thống mất đi thì những ngành nghề mới sẽ ra đời. Nhà nước chắc chắn sẽ có chính sách phát triển kinh tế phù hợp với nguồn lực lao động và biến động của thế giới. Các em là những người trẻ, các em còn nhiều thời gian và cơ hội để đóng góp vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Vì vậy, các em hãy là những người làm chủ trí tuệ nhân tạo, làm chủ cuộc CMCN 4.0”, ông Lâm nhắn nhủ.

Đồng tình với quan điểm này, ThS. Lê Đình Trung (Trưởng ban Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH FPT) phân tích thêm, để đáp ứng với những tác động của cuộc CMCN 4.0, các trường ĐH Việt Nam cũng sẽ tự mình thay đổi để đào tạo ra những con người ưu tú đóng góp cho công cuộc thay đổi này. Đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ giúp Việt Nam đón đầu cơ hội từ cuộc CMCN 4.0. “Ngoài việc trang bị cho sinh viên sự vững vàng về chuyên môn, trong khung chương trình đào tạo, Trường ĐH FPT cũng sẽ đưa thêm nhiều nội dung về khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa và các hành vi thông minh (AI), Marketing…; tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc doanh nghiệp từ năm thứ 3 để tìm hiểu xem doanh nghiệp làm cái gì, cần cái gì để về học hỏi. Qua đó, sinh viên cũng được rèn luyện thực tiễn khi làm việc”, ông Trung chia sẻ.

Ngọc Anh