Thứ ba, 29/6/2010, 09h06

Đừng bỏ bữa ăn sáng

Không ít người thường coi bữa ăn sáng là bữa phụ, “ăn lót dạ”. Có người thì không ăn sáng, mà chỉ uống cà phê. Điều đó không có lợi cho sức khỏe.
Tác hại nếu bỏ bữa sáng
Theo dinh dưỡng học, bữa sáng là bữa ăn chính, quan trọng nhất. Những người không ăn sáng rất dễ rơi vào tình trạng: mất cân bằng dinh dưỡng, sức đề kháng thấp - do nguồn năng lượng ở mức rất thấp nên cơ thể buộc phải lấy năng lượng dự trữ từ gan, khiến gan luôn ở trong tình trạng quá sức. Hơn
Ăn sáng đầy đủ để có sức khỏe tốt hơn - Ảnh: Shutterstock
nữa, nếu buổi sáng không ăn, đến khoảng 9-10 giờ bụng đói, huyết áp hạ thấp, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Dần dần khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút; ảnh hưởng nhiều đến năng suất làm việc do bụng đói cồn cào, dạ dày co bóp nhiều; bị đau dạ dày và kết sỏi ở bộ máy tiêu hóa - dạ dày luôn co bóp không, dịch vị tiết ra nhưng không có gì để tiêu hóa, dần dần sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày; béo phì - buổi sáng không ăn, nên buổi tối và buổi trưa thường ăn nhiều hơn, trong khi hoạt động vào buổi chiều và tối không nhiều, thức ăn sẽ không kịp tiêu hóa hết, khiến cho nhiệt lượng trong cơ thể ngày một tăng, lượng mỡ tích tụ lại ngày càng nhiều.
Ngoài ra, nếu không ăn sáng cơ thể buộc phải huy động lượng đường và protein được dự trữ sẵn để hoạt động, làm cho bề mặt của lớp da bị khô, rám, mất dinh dưỡng, do vậy dễ xuất hiện nếp nhăn, nhất là ở vùng mắt và mặt.
Ăn sáng thế nào?
Những nhà khoa học cho rằng, chế độ ăn sáng đầy đủ với nhiều carbohydrate phức hợp, nhiều chất xơ là chế độ ăn sáng tối ưu. Những sinh tố nhóm B và nhiều vi chất khác trong thực phẩm thô giúp tăng cường khả năng chuyển hóa của cơ thể. Lượng chất xơ cao trong những loại hạt toàn phần hoặc rau quả làm chậm sự hấp thụ thức ăn. Lượng đường được cung cấp từ từ vào máu vừa tránh được hiện tượng tăng vọt đường huyết sau bữa ăn, vừa đảm bảo chất bột đường được chuyển thành năng lượng hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày thay vì tích lũy thành chất béo. Sự hấp thu chậm còn duy trì được cảm giác no, tránh khuynh hướng ăn nhiều.
Các chuyên gia dinh dưỡng phân loại 2 chế độ ăn sáng cơ bản: chế độ ăn gồm nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả,  cá, một ít thịt trắng như gà, vịt (người phương Đông thường ăn); và chế độ ăn nhiều đồ ngọt, thịt chế biến, thịt đỏ như thịt bò, heo và khoai tây chiên (người Âu - Mỹ thường ăn).
Bữa sáng vẫn có thể ăn một ít cá, thịt, nhưng giảm bớt các loại thịt đỏ và chất béo động vật, và nên tráng miệng bằng một quả chuối hay táo...
Lương y Hoài Vũ / TNO