Thứ tư, 27/5/2015, 16h54

Đừng để các em “ngập lụt” trong những lời khen

Nếu khen đúng, khen đủ sẽ là liều thuốc bổ giúp các em tiến bộ; nhưng những lời khen hoa mỹ, những tấm giấy khen không đặt đúng chỗ, đúng đối tượng thì sẽ thành sáo rỗng, vô nghĩa...

 

Các em đang phải học như đi cày để hằng năm "gánh" giấy khen về nhà cho xong nghĩa vụ. Đấy là những đứa trẻ không hạnh phúc. Còn phụ huynh có được những tấm giấy khen từ sự gắng sức, quá tải của con thì hạnh phúc liệu có còn không?

Đọc loạt bài “Tiếc gì cái giấy khen hả thầy!” và “Mong con đừng là học sinh giỏi” (ngày 20-5), “Con dẫn đầu mà mẹ không vui” (ngày 21-5), “Xin đừng ban phát lời khen" (ngày 22-5) vừa qua, tôi thấy rằng từ những tấm giấy khen đẹp đẽ cho đến lời phê "lên tận mây xanh" của thầy cô chưa bao giờ là đủ để đánh giá năng lực của mỗi em. 

Hãy trả lại cho các em xứng đáng tấm giấy khen đúng nghĩa, không chỉ màu mè mà còn phải “chất”. 

Mù mờ những thứ ngoài đời

Trên Facebook mấy hôm nay, bạn bè tôi nườm nượp khoe ảnh phụ huynh cùng con đi nhận giấy khen, phần thưởng với sự tự hào khôn xiết. Một số ít còn chụp cận cảnh những tấm giấy khen, bảng điểm, lời phê, lời khen chi tiết của con rồi "trưng bày" lên Facebook. Tôi nhận ra tâm lý chung của phụ huynh là hồ hởi và không ngớt lời khoe khi con đứng đầu lớp, đứng trong top 3 hay học sinh giỏi...

Tôi lướt qua những tấm giấy khen ấy, những bảng điểm ấy và những lời khen mà cảm thấy hình như các em đang “ngập lụt” trong những lời khen lúc nào không biết. Ở trường các em được thầy cô khen. Về nhà các em lại được ba mẹ đem đi khoe thành tích học tập từ chòm xóm, cơ quan, trên mạng... Xoay quanh những tấm giấy khen, các em được tung hô như những cô cậu học trò tài năng. Dường như các em đang xoay tít mù trong những tấm giấy khen được phân phát một cách quá dễ dãi, mà như chị đồng nghiệp nói là “kiểu gì cũng khen được”.

Đứa cháu bên nội của tôi chỉ biết học là học. Cháu học không biết mệt mỏi và đến bây giờ chuẩn bị bước vào lớp 12, khi nhìn thấy mẹ bày biện mâm ngũ quả, cháu chỉ vào hết quả nọ đến quả kia để hỏi tên. Một lần khác khi về quê, thấy cây mía ông bà nội mua về để bên cạnh bàn thờ ngày tết, cháu chỉ chỏ vì thấy lạ. Bởi vì sống ở thành phố, thi thoảng cháu cũng ăn mía nhưng là những khúc mía được róc vỏ sạch sẽ. Thế nên khi nhìn thấy cây mía “bằng da bằng thịt” đầy đủ vỏ, lá, rễ cháu há hốc miệng ngạc nhiên. Tất nhiên, "vị trí thường trực" của cháu tôi là ở trường và trong phòng riêng để "học cho nên người", nên mới ra nông nỗi mù mờ những thứ đời sống như thế!

Để con không "ù ù cạc cạc"...

Không muốn là người mẹ sai lầm như vậy, rút kinh nghiệm, tôi “thả” cho các con được thở. Đứa đầu (vừa học xong lớp 10) là một trong bốn học sinh trung bình   của lớp, đứa nhỏ (mới xong lớp 7) cũng chỉ vừa chạm đến mức học sinh khá.

Có lẽ đa số người làm cha làm mẹ sẽ phản bác và không đồng tình khi tôi thở phào nhẹ nhõm với kết quả học tập bình thường của con. Không xuất sắc, không giỏi ở lớp ở trường nhưng phải nói rằng kiến thức xã hội, khả năng giao tiếp của các con rất phong phú.

Tôi không ép các con học nhiều. Tôi sẵn sàng đồng ý với những lớp học hè do con lựa chọn như học bơi, học võ, học cắm hoa, thêu thùa may vá, nấu ăn. Tôi khuyến khích con vui chơi giải trí lành mạnh, nhiệt tình với các buổi học ngoại khóa, đọc truyện hay tham gia những chuyến thiện nguyện. Dù bận rộn đến mấy thì cuối tuần tôi cũng dành thời gian đưa con đi chơi công viên, đến chơi nhà họ hàng, vừa cho con được thư thái đầu óc, vừa giúp con có sự gắn bó khăng khít với người thân. Kiến thức xã hội của các con vì thế sâu sắc chứ không “ù ù cạc cạc” như nhiều em bị bố mẹ nhốt trong phòng để học hay được gửi gắm ở các lớp bồi dưỡng, học thêm, học phụ đạo.

Những khi con bị điểm kém, nhìn mặt con buồn buồn, tôi động viên con: “Có gì mà buồn, học trò mà, hôm sau cố gắng hơn rồi gỡ điểm liền”. Con không sợ mỗi khi kết quả học tập chưa được như ý muốn sẽ bị ba mẹ rầy la. Thế nên con chẳng bao giờ phải giấu giếm nếu như bị điểm thấp, hay thắc thỏm lo âu bị ba mẹ phạt, la mắng.

Giỏi thành tích chẳng để làm gì!

Thật lòng tôi rất trân trọng những tấm giấy khen “chất”, tuy nhiên khi giấy khen bị biến tướng thì dù con có mang về nhiều cũng vơi đi không ít giá trị vốn có của nó. Giỏi thành tích chẳng để làm gì, chỉ là một tấm giấy khen thôi, đâu đã nói hết được năng lực thật sự của con, đâu thể khẳng định chắc chắn con giỏi, con là thần đồng?

Nhìn lại, các em đang phải học như đi cày để hằng năm "gánh" giấy khen về nhà cho xong nghĩa vụ. Đấy là những đứa trẻ không hạnh phúc. Còn phụ huynh có được những giấy khen từ chính sự gắng sức, quá tải của con thì hạnh phúc liệu có còn không?

Phụ huynh chúng ta đang nợ các con...

Tại sao các em phải học nhiều đến vậy? Trẻ học mẫu giáo cũng lo ngay ngáy chạy nước rút để lên lớp 1 đọc viết thành thạo. Lớp 1 lại âm thầm đi học thêm, học ngày học đêm, học đến mức không biết để làm gì ngoài tìm cho được tấm giấy khen về trả ba mẹ. Chúng ta đừng nghĩ, cũng đừng bao biện việc ép con học chỉ vì muốn cho con có một tương lai tốt nhất. Thật sự là nhiều người cha, người mẹ đang đánh cắp đi của con những giây phút nghỉ ngơi, vui chơi hồn nhiên.

Dường như phụ huynh chúng ta đang nợ các con không chỉ là những bữa ăn tối không vội vàng, những ngày cuối tuần được đi chơi thỏa thích mà còn nợ cả một tuổi thơ đúng nghĩa.

CAO ÁNH TUYẾT 
(TTO)