Thứ năm, 1/12/2016, 23h26

Đừng để giáo viên bị ám ảnh…

Chuyện giao cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN) làm công việc kiêm nhiệm thu các khoản tiền đóng góp (học phí, tiền trường, bảo hiểm, tiền quỹ hội…) đã trở thành nỗi ám ảnh cả trong bữa ăn giấc ngủ của người thầy! Không chỉ “thiên” về giảng dạy mà người thầy bây giờ phải trở nên đa năng bởi công việc được giao.

Đã có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt của cảnh thu tiền này. Có giáo viên trẻ được giao nhiệm vụ thu tiền bảo hiểm của lớp chủ nhiệm. Loay hoay thế nào mà quên nộp nên thẻ bảo hiểm của học sinh bị trễ. Hoặc tôi từng chứng kiến một nữ giáo viên đã khóc tức tưởi khi bị hiệu trưởng la rầy trước mặt mọi người vì thông báo không đúng việc “tự nguyện” đóng tiền xây dựng nhà vệ sinh. Thay vì thông báo “mỗi em đóng thấp nhất 300 ngàn đồng” thì cô lại thông báo “muốn đóng bao nhiêu tùy khả năng” nên lớp của cô “không đạt chỉ tiêu” thu tiền.

Nhiệm vụ chính của người thầy là giảng dạy thật tốt và nhà trường phải tạo mọi điều kiện cho đội ngũ giáo viên của trường dạy tốt. Công việc nhắc nhở, trực tiếp thu các loại tiền đóng góp được giao phó cho giáo viên đã làm cho hình ảnh người thầy trở nên dị dạng. Người giáo viên bị phụ huynh mắng “Cô chỉ biết đòi tiền!” thì còn đâu uy tín, danh dự của người thầy đứng trên bục giảng nữa.

Không phải đơn giản là học sinh nộp, thầy cô ghi sổ đâu. Mà giáo viên còn phải sắp xếp, theo dõi tiến độ đóng góp để còn lên các kế hoạch nhắc nhở, “đòi” các em. Chưa hết, tiền phải được giữ gìn cẩn thận, nếu xảy ra mất mát thì không ai “thông cảm”. Đã đến lúc phải trả lại vị trí đích thực của người thầy, còn việc thu các loại tiền của học sinh do các “chính chủ” tự thu như bảo hiểm thì người của bảo hiểm qua thu; thu quỹ hội phụ huynh thì người của hội đứng ra thu…

Hồng Lam Sơn
(Sóc Trăng)