Thứ ba, 4/7/2017, 21h19

Đừng để trẻ đuối nước

Cậu bé tên Q. học lớp 5, bạn học của con trai tôi, bị đuối nước. Tôi nghe con xin đi xuống nhà viếng bạn thì kinh ngạc hỏi: “Năm ngoái bạn ấy có đi học bơi với con không?”. Con tôi trả lời không...

Trẻ em ở TP.HCM học bơi trong dịp hè (ảnh chụp tại CLB bơi lội Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1). Ảnh: N.Trinh

Tôi tìm hỏi gia đình em, lý do gì mà bốn mùa hè rồi, Tỉnh đoàn có tổ chức lớp học bơi trước bến sông gần nhà mà em ấy không tham gia được? Câu hỏi của tôi chỉ nhận được câu trả lời là sự im lặng. Tôi thấy không nên làm khó gia đình em trong lúc còn tang gia bối rối nên không hỏi nữa. Nhưng trong lòng cứ trăn trở mãi ý nghĩ: Giá như những mùa hè vừa qua, em được tham gia lớp học bơi ấy thì dù không biết bơi, hay chưa thể bơi giỏi thì em cũng đã biết nổi trên nước để đợi người đến cứu. Hoặc những người bạn của em, nếu có tham gia buổi sinh hoạt với nội dung phòng chống tai nạn đuối nước được tổ chức cũng vào những mùa hè đó thì chắc đã không cuống cuồng bỏ chạy khi thấy bạn mình đang kêu cứu...

Chuyện đã xảy ra cách đây mấy tuần rồi, những người lớn trong xóm vẫn đau lòng khi trẻ em vẫn kể nhau nghe câu chuyện em Q. đuối nước. Nhớ lại chuyện em T. học lớp 8, cũng trong xóm, bị đuối nước năm trước, cụ B. (đang là trưởng tộc) lắc đầu: “Kỳ cục, mùa nước sông cạn mà trẻ cứ chết nước”. Tôi nghe cũng chỉ biết thở dài, tôi hiểu cụ đang trách những người trẻ, đặc biệt là những ông bố bà mẹ trẻ, không tạo điều kiện để con làm quen với nước. Cụ lầm bầm: “Trẻ không biết bơi, chưa từng đi học bơi thì rớt xuống nước là chìm như cục đá liền, cơ may giã gạo để chờ người đến cứu là không có. Không biết nước, không biết bơi thì dù nước có cạn mà trẻ rớt xuống thì cũng hoảng, sặc nước cũng đủ chết”.

Kể lại câu chuyện của em Q., nghĩ vừa thương vừa giận. Số là em Q. và một số em khác buổi trưa rủ đi tắm ở sông Bàn Thạch, sông cách trường khoảng 3-4km. Khi thấy bạn của mình bị đuối nước, chấp chới kêu cứu thì mấy cậu bạn của em im ru chạy lên bờ, rồi dắt chiếc xe đạp của em đi vào xóm tìm người bán. Đến chiều, vẫn không thể bán được chiếc xe đạp cũ thì mới dắt xe về nhà Q., kể chuyện bạn ấy đang chấp chới trước sông. Thế mới có chuyện em đuối lúc 2 giờ nhưng 6 giờ chiều người nhà mới biết tin.

Trẻ chết vì đuối nước là những cái chết tức tưởi. Ai cũng hiểu, biết bơi là kỹ năng để trẻ tồn tại, vậy nhưng có bao nhiêu trẻ được tham gia các khóa học bơi, đặc biệt là trẻ em nông thôn, sông ngòi nhiều. Cụ B. cám cảnh: “Cứ chê ngày xưa nghèo nàn lạc hậu, nhưng lâu lâu mới có một ca đuối nước. Bây giờ cứ bảo hiện đại, tiên tiến, vậy sao cứ tới mùa khô là nghe có trẻ đuối nước?”. Câu hỏi cũng là câu mắng, câu trách của cụ làm tôi giật mình. Giật mình bất lực mỗi khi nghe tin ở đâu đó có trẻ bị đuối nước. Trời ơi! Phải làm sao để các bậc phụ huynh trong tương lai, đặc biệt là những phụ huynh ở thôn quê, có thể an tâm, mạnh dạn, tạo điều kiện để con tham gia học bơi mà không phải ngại ngần.

Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS-THPT Võ Văn Kiệt,
Sông Hinh, Phú Yên)