Thứ tư, 27/6/2012, 14h06

Đừng để trẻ thiếu vitamin

Bữa ăn đầy đủ chất rất quan trọng cho sức khỏe của trẻ. Ảnh: T.LÊ

Vitamin, khoáng chất tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, rất cần thiết cho sự tăng trưởng tầm vóc, hoạt động của cơ thể, phát triển trí thông minh của trẻ nhỏ.
Khi trẻ thiếu chất
Vừa kết thúc năm học, anh Trí Hoàng (Q.Thủ Đức - TP.HCM) vội vàng cho con vào bệnh viện khám mắt vì thời gian gần đây, cứ về chiều là mắt Linh Anh (học lớp 1) mờ mờ, nhìn mọi vật xung quanh không rõ ràng. Kết quả khám, bé Linh Anh bị quáng gà vì thiếu vitamin A. Anh Hoàng chia sẻ: “Cháu rất biếng ăn, đặc biệt là rau, củ, quả. Trái lại, cháu thường hay ăn vặt như bim bim, bánh kẹo, thế nên vợ chồng tôi cũng không ép cháu nhiều. Ai ngờ qua thời gian ngắn mà đã sinh bệnh”. Trong khi đó, chị Thu Hồng (Q.Bình Thạnh) than thở: “Cháu nhà tôi ăn uống bình thường, đều đặn, thế mà lúc nào cũng ốm hơn bạn bè, người thì xanh xao. Nghi ngờ cháu bị giun, mua thuốc xổ mà không cải thiện. Đưa đến BS khám mới hay cháu thiếu sắt”.
BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết: “Vitamin, khoáng chất (sắt, iốt, kẽm, canxi, phốtpho, magiê…) là dưỡng chất quan trọng, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể vì thế rất cần thiết cho sự tăng trưởng, hoạt động của cơ thể. Thiếu vitamin, khoáng chất khiến cơ thể chậm phát triển, sức khỏe yếu, lực học sa sút…”.
Thông thường, biểu hiện của thiếu vitamin A là quáng gà (mắt không nhìn rõ vào lúc chiều), nặng hơn là khô mắt. Nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến loét giác mạc gây mù lòa, chậm tăng trưởng cũng như phát triển chiều cao, khó tránh các bệnh nhiễm trùng như viêm hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da…
Tăng cường chất cho trẻ
BS. Ngọc Diệp chia sẻ, hàng ngày trẻ cần được nạp đủ năng lượng và các dưỡng chất để hoạt động, tăng trưởng, học tập. Vì thế cha mẹ cần đa dạng hóa bữa ăn như lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đủ năng lượng… để cung cấp đủ chất cho sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.
Cũng theo BS. Ngọc Diệp, vitamin được chia thành 2 nhóm: Vitamin tan trong nước (gồm vitamin C; vitamin nhóm B) và vitamin tan trong chất béo (gồm vitamin A, D, E, K). Nhóm vitamin tan trong chất béo quan trọng cho mắt, cần thiết cho quá trình nhìn, phát triển xương, sự phân bào, sự sao chép gen. Chức năng đặc trưng nhất là tác động trên võng mạc mắt, giúp mắt thích nghi với sự thay đổi ánh sáng một cách nhanh chóng. Nhu cầu vitamin A ở trẻ 6-10 tuổi là 500-600mcg/ngày (tương đương 2.000 IU). Nên cho trẻ ăn nhiều gan, thịt, cá, trứng, rau xanh đậm và củ quả có màu vàng cam vì vitamin có nhiều trong các loại thực phẩm này.
Các khoáng chất cũng được chia thành hai nhóm: Các khoáng chất cơ thể cần với lượng lớn là canxi, phốtpho... để hình thành hệ xương, răng vững chắc. Trẻ từ 6-10 tuổi cần khoảng 600-100mg canxi/ngày. Thực phẩm giàu canxi gồm có sữa và các chế phẩm từ sữa, tôm tép, cá nhỏ, rau xanh, sản phẩm từ đậu nành.
Một số khoáng chất cơ thể cần ít như iốt, sắt, kẽm. Trong đó, iốt tham gia tạo hormone tuyến giáp T3 (triiodothyronine) và T4 (thyroxine), cần cho sự tăng trưởng, phát triển của não, các hoạt động chuyển hóa bên trong cơ thể và hoạt động tổng hợp protein. Trẻ em đang độ tuổi phát triển nên rất dễ thiếu iốt do nhu cầu tăng cao. Mỗi ngày cơ thể cần một lượng từ 100-200 mcg/ngày. Vì lượng iốt cần ít nên không cần cho trẻ ăn mặn, chỉ dùng muối iốt thay cho muối thường trong bữa ăn hàng ngày là được.
Sắt cần thiết để tạo máu, thường được dự trữ trong gan. Khi sự cung ứng sắt từ thức ăn thiếu, cơ thể chuyển sang sử dụng nguồn sắt dự trữ. Nếu kho dự trữ này bị thiếu dẫn đến tình trạng thiếu máu. Nhu cầu sắt ở trẻ 6-10 tuổi khoảng 10-20mg/ngày, nhu cầu sắt ở trẻ nữ tuổi dậy thì cao hơn, khoảng 40mg/ngày. Nên cho trẻ ăn đầy đủ thịt, cá có màu đỏ như thịt bò, cá ngừ, gan hoặc rau dền, rau ngót vì sắt có nhiều trong các loại thực phẩm này.
Trinh Ngọc