Thứ năm, 17/12/2015, 21h25

Đừng để tử vong vì ăn tiết canh

Trường hợp tử vong gần đây nhất nghi do ăn tiết canh dơi, xảy ra vào ngày 11-12-2015. Nạn nhân là ông Huỳnh Minh Hội (59 tuổi, ngụ TT.Phước Long, H.Phước Long, Bạc Liêu). Trường hợp này như một lời cảnh báo thói quen ăn tiết canh ở nhiều nơi, nhất là vào thời điểm cuối năm và Tết sắp đến.

Người dân không nên ăn tiết canh để tránh các mầm bệnh nguy hiểm

Tử vong vì tiết canh dơi

Vụ việc xảy ra vào tối 11-12, ông Huỳnh Minh Hội (nguyên Giám đốc Sở Nội vụ) đến dùng tiệc ở nhà người họ hàng. Trong bữa tiệc ông có ăn tiết canh dơi. Sau đó ông bị đau bụng dữ dội và tiêu chảy liên tục. Đến khi đi tiểu tiện, ông bị co giật và gục ngã trong nhà vệ sinh. Nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc sâu không hồi phục, toàn thân tím tái, nên dù được các bác sĩ  Bệnh viện Đa khoa H.Phước Long nỗ lực cứu chữa, nhưng ông Hội đã không qua khỏi.

Bác sĩ Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cảnh báo, tình trạng ăn tiết canh dơi hoặc pha tiết gia cầm vào rượu uống đang diễn ra phổ biến ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau trong thời gian gần đây là rất đáng lo ngại. Ông khẳng định, quan niệm của người dân trong việc ăn hoặc uống tiết cho mát cơ thể, tăng cường sinh lực chỉ là lời truyền miệng, thiếu căn cứ. Do đó, ông khuyến cáo người dân tránh ăn tiết canh, để tránh làm lây truyền dịch cúm H5N1 (trên chim, dơi, gia cầm), nhiễm khuẩn và ngộ độc thực phẩm do kém vệ sinh.

Thạc sĩ - lương y đa khoa Vũ Quốc Trung, Trưởng phòng Chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng (Hà Nội) khẳng định, đối với loài dơi, phân là thành phần duy nhất được sử dụng như một vị thuốc tốt trong đông y, có tác dụng chữa bệnh mắt kém rất hiệu quả. Tuy nhiên, tiết canh dơi không phải là vị thuốc bổ dưỡng như nhiều người lầm tưởng. Vì ăn tiết canh là ăn máu sống, trong khi đó, dơi là loài gia cầm có nguồn gốc bất định, chúng có thể ăn sâu bọ, côn trùng hoặc các loại cây chứa độc tố. Do đó, khả năng nhiễm độc khi ăn thịt hoặc tiết canh dơi là rất cao.

10 trường hợp tử vong do liên cầu lợn

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước có 82 trường hợp bị nhiễm bệnh liên cầu lợn (LCL), phần lớn là do ăn tiết canh. Trong đó có 10 trường hợp tử vong. Theo khuyến cáo của tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh LCL xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm, Tết âm lịch hoặc các lễ hội đầu năm mới. Ông cũng cho rằng một trong những nguyên nhân mắc bệnh LCL là do quan niệm sai lầm của người dân khi nghĩ rằng lợn nhà nuôi thì an toàn, nên vẫn vô tư ăn tiết canh hoặc ăn thịt lợn tái, làm nem...

Nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc, nhất là trong dịp Tết sắp đến, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm lưu ý người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chua, thịt chưa nấu chín... Hiện vẫn còn tình trạng bán hoặc chế biến món ăn này tại gia đình. Do đó các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông để người dân tránh sử dụng các món chứa mầm bệnh nguy hiểm.

Tiến sĩ Trương Đình Bắc lưu ý, bệnh LCL có thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 5 ngày, nhưng nguy hiểm là bệnh diễn biến rất nhanh, dẫn đến suy đa phủ tạng (xuất huyết dưới da từng mảng đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa, tụt huyết áp, trụy tim mạch, suy hô hấp…) và có thể bị tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong do bệnh này khoảng 7% và tỷ lệ di chứng nếu bệnh nhân được cứu sống cũng khoảng 40%. Do đó để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín, trong đó có nội tạng chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo… Bên cạnh đó cũng không nên sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường hoặc thịt bị xuất huyết, phù nề.

Bên cạnh tình trạng ăn tiết canh lợn, ở nhiều địa phương trên đất nước ta còn có thói quen chế biến các món tiết canh từ máu sống của các loại động vật như: Gà, vịt, chó, bò... Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiết canh là máu sống mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của các con vật đang bị nhiễm bệnh. Do vậy, ăn tiết canh từ các con vật này sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm giun, sán (sán lá gan, giun móc, giun xoắn. Nguy hiểm nhất là giun xoắn, gây sốt cao kéo dài, giảm thị lực, liệt chân tay...), nhiễm virus cúm gia cầm (A/H5N1, H1N1, H7N9, H10N8) nếu ăn tiết canh gà, vịt; mắc bệnh dại nếu máu và thịt của chó bị nhiễm virus dại.

Bài, ảnh: Đinh Vũ