Thứ năm, 9/11/2017, 22h51

Đừng ngần ngại chọn nghề hiếm

Trong chương trình “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) vừa diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, các em học sinh khối 12 đã đặt nhiều câu hỏi rất thực tế về ngành nghề sẽ chọn sắp tới.

TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) trao đổi thông tin với các em học sinh tại buổi tư vấn. Ảnh: L.Vy

Nhiều cơ hội cho người học tiếng Pháp

Là học sinh lớp tiếng Pháp, em Trần Thảo Vy (lớp 12A6) rất lo lắng cho việc lựa chọn ngành sắp tới của mình. Thảo Vy hỏi: “Em đang học tiếng Pháp, ngoài hai ngành ngôn ngữ Pháp và sư phạm tiếng Pháp, em còn có lựa chọn nào khác không?”. Với câu hỏi này, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) phân tích: Tiếng Pháp là ngôn ngữ đặc thù nên có ít trường ĐH đào tạo ngành này. Tuy nhiên, đây lại là ngành mở ra nhiều cơ hội cho những người học ngôn ngữ này. Em cần xác định cụ thể xem mình học để sử dụng thành thạo tiếng Pháp hay coi nó là công cụ để học những ngành khác. Nếu học để sử dụng tiếng Pháp thành thạo, em nên đi theo ngành ngôn ngữ Pháp, sư phạm tiếng Pháp hiện đang được đào tạo tại các trường: ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Hoa Sen. Em có thể học các ngành này hoàn toàn tại Việt Nam hoặc học 1-2 năm, sau đó du học bằng học bổng Vallet từ Chính phủ Pháp tài trợ 100% học bổng và chi phí ăn ở suốt những năm còn lại. Ngoài ra, em có thể học các chuyên ngành khác như cử nhân luật - kinh tế - quản lý, tin học tại Trung tâm ĐH Pháp (ĐHQG TP.HCM).

Cũng lo lắng cho việc chọn ngành sắp tới, em Nguyễn Tường Nguyên (lớp 12A3) hỏi: “Em muốn theo học ngành báo chí và truyền thông tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM thì cần những tố chất nào? Nếu  không đủ điểm vào ngành báo chí và truyền thông thì em có thể theo học ngành nào để sau này đi làm báo?”. TS. Phạm Tấn Hạ cho biết ngành báo chí và truyền thông lấy điểm đầu vào rất cao: 25,75 đối với khối D1 và 27,25 đối với khối C (năm 2017). Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, muốn làm báo không nhất thiết phải học ngành báo chí. “Báo chí có rất nhiều hướng đi, chỉ cần em có kỹ năng, có tố chất là có thể theo đuổi nghề này dù bản thân không học ngành báo chí. Tuy nhiên, em cần phải biết rằng báo chí là nghề áp lực cực kỳ lớn, nhất là với nữ. Nghề báo không hào quang như những gì em thấy và nghĩ. Để theo đuổi nghề này, ngoài khả năng chịu được áp lực cao, em còn phải biết lập và làm việc theo kế hoạch, sắp xếp thời gian khoa học, có tư duy và khả năng nhìn nhận vấn đề khách quan. Ngoài ra, khả năng sử dụng ngôn từ, hình ảnh tốt cũng là một tố chất không thể thiếu của người theo đuổi nghề này”.

Kiến trúc: Ngành không lo thất nghiệp

Em Hoàng Duy Tuấn (lớp 12A7) băn khoăn: “Em muốn học ngành kiến trúc nhưng nghe nói ngành này nguy cơ thất nghiệp cao, nhiều người ra trường không tìm được việc làm. Nếu em học ngành này thì trong tương lai có thay đổi gì không?”. Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhìn nhận, hiện nay số lượng kiến trúc sư đạt chuẩn ASEAN không nhiều. “Theo thống kê của chúng tôi, nhu cầu nhân lực ngành kiến trúc luôn cao. Đến giai đoạn 2020-2025, kiến trúc - xây dựng được dự đoán là một trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP.HCM, với khoảng 10.800 người/năm. Do đó, các em sẽ không phải lo lắng về vấn đề việc làm, và dễ dàng đứng ở vị trí chọn việc hơn là tìm việc. Tuy nhiên, đây cũng là ngành đòi hỏi sự sáng tạo và học hỏi không ngừng. Để trở thành người thực sự giỏi, được nhiều khách hàng cần đến, người kiến trúc sư phải luôn đổi mới tư duy, thể hiện cái mới trong các bản vẽ, nhạy bén các xu hướng thiết kế đương đại và phải có tầm nhìn rộng để lĩnh hội nghệ thuật kiến trúc…”, ông Tuấn cho biết.

Bổ sung thêm, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật. Một kiến trúc sư giỏi là người biết dung hòa hai lĩnh vực có vẻ mâu thuẫn đó dựa trên những cơ sở kỹ thuật chính xác để thăng hoa cùng những sáng tạo nghệ thuật độc đáo. “Để học ngành này, ngoài năng khiếu vẽ, các em cần phải có khả năng tính toán và óc tổ chức thẩm mỹ nghệ thuật nhằm mang đến vẻ đẹp hoàn hảo cho tác phẩm mà không bỏ qua yếu tố kinh tế. Công việc của một kiến trúc sư là thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức, cấu trúc của một công trình và cung cấp những giải pháp về kiến trúc ở các lĩnh vực xây dựng khác nhau xuất phát từ nhu cầu thực tế của con người. Là kiến trúc sư, các em sẽ dễ dàng tìm được những cơ hội tuyển dụng tại các công ty, tập đoàn xây dựng với mức lương cao, chế độ ưu đãi tốt. Tuy nhiên, với những kiến trúc sư giỏi và năng động, họ có thể không cần đầu quân cho một công ty nào mà vẫn có những dự án cùng những khoản thu nhập không giới hạn... Nếu là người có đủ những tố chất kể trên, các em đừng ngần ngại khi chọn lựa con đường này”, bà Dung nhấn mạnh.

Ngọc Anh