Thứ ba, 1/5/2018, 20h56

Đừng nghĩ “cùng đường” mới học nghề

Hà Văn Đi xut sc giành gii nht K thi tay ngh TP.HCM năm 2018

Không trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Thông tin như mơ ước từ khi còn học THCS, Hà Văn Đại (sinh 1997, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã mất một năm làm đủ các nghề để “vẽ” hướng đi cho mình trong tương lai.

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tỷ lệ lao động xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực cao nhất nước. Như bao thanh niên trong huyện, sau khi rớt ĐH, Đại đăng ký xuất khẩu lao động với hy vọng thay đổi cuộc sống cho mình và gia đình. Tuy nhiên, mọi thứ như vỡ tung khi Đại nhận được thông báo sức khỏe kém, không đủ điều kiện đi. “Tin này thật sự là một cú sốc với em, nó còn kinh khủng hơn khi không trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Thông tin”, Đại nói. Nỗi buồn cũng thoáng qua, Đại chuyển sang “kế hoạch B” - chọn học ngành công nghệ hàn ở Trường CĐ Nghề số 7 (Bộ Quốc phòng) khi đã có một thời gian ngắn tìm hiểu. “Với điều kiện kinh tế gia đình lúc bấy giờ thì học nghề là lựa chọn đúng. Em chọn nghề hàn đơn giản vì những năm phổ thông, để có tiền đi học, em phụ việc ở tiệm cơ khí gần nhà nên ít nhiều hiểu được công việc này. Hơn nữa, đây là nghề thị trường lao động trong nước rất cần và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang săn đón lao động có tay nghề hàn”, Đại cho hay.

Ngoài thời gian học nghề tại trường, buổi tối Đại làm bảo vệ ở phòng khám bệnh tư nhân với mức lương xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, em tự trang trải mọi chi phí sinh hoạt, học phí và còn tích cóp gửi tiền về quê nuôi em trai đi học, phụ tiền chợ cho gia đình. Đại chia sẻ: “Học nghề gì cũng có thuận lợi và khó khăn của nó, quan trọng là thái độ học tập của mình như thế nào. Từ cái nghề mình yêu thích, cộng với chương trình đào tạo 70-80% thực hành, trang thiết bị đào tạo hiện đại sát với yêu cầu của doanh nghiệp sẽ cho người học nhiều kỹ năng, kinh nghiệm hơn. Đừng nghĩ rằng, do cùng đường mới đi học nghề. Nhiều người học ĐH xong nhưng không có công việc ổn định, lại mất thời gian đi học nghề. Chọn nghề theo khả năng, sở thích và đặc biệt là phải có đam mê thì khi học và làm việc sẽ không thấy nhàm chán”. Đại cho biết thêm, trở ngại lớn của em hiện nay là trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Trong chương trình đào tạo có học tiếng Anh nhưng để đọc được sách, tài liệu chuyên ngành thì cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. Dù chưa tốt nghiệp nhưng hiện nay đã có vài doanh nghiệp mời Đại làm việc. “Em đang lựa chọn nơi tốt nhất để có điều kiện phát triển năng lực nghề nghiệp cũng như làm việc ở môi trường chuyên nghiệp”, Đại nói.

Được biết, trong kỳ thi tay nghề TP.HCM vừa qua, Đại xuất sắc giành giải nhất và đang tích cực huấn luyện chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề quốc gia lần 10 năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 tới.

T.Anh