Thứ bảy, 25/2/2017, 22h13

Đừng quên con trẻ!

Trẻ con là những hạt mầm cần được chăm sóc… Những sự vụ liên tục về chuyện trẻ con bị bạo hành, bị tổn thương, bị lạm dụng bằng nhiều hình thức, và nhiều cấp độ khác nhau đều làm mỗi người lớn trăn trở và đau khổ. 

Đừng vô tâm khi mình đã là mẹ hay cha của một đứa trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

1.Không thể phủ nhận rằng: “Trẻ nào cũng giống nhau”. Việc trẻ có những biểu hiện khác lạ hay có quấy phá cũng là một sự thật, mà chính bản thân trẻ cũng không muốn thế. Mỗi trẻ đều có thể được sinh ra mà chính cha mẹ là người tạo nên. Phản ứng, sự thay đổi về sinh lý và cả những phản xạ thuần túy có hình bóng về tâm lý không phải hoàn toàn do trẻ…

Dễ nhận thấy chính thiên chức và bản năng làm cha, làm mẹ sẽ làm cho những người cha, người mẹ dễ có tâm lý chịu đựng và chấp nhận. Việc con cái có thể khóc thét cả đêm, con cái đi tiểu liên tục, con cái nôn ọe, con cái tiêu chảy suốt… Tất cả đều có thể là những biểu hiện gây nên sự khó chịu của cha mẹ… Hét toáng lên, đập tay vào gối, run rẩy… đều có thể xảy ra… Phản ứng ấy là phản ứng được kiểm soát ư? Chắc chắn là không! Nhưng rõ ràng nếu có những hành động gây tổn thương một đứa trẻ nhỏ cả về thể chất và tinh thần thì có thể nói chính những bậc làm cha, làm mẹ ấy thực sự “bất thường”…

Trẻ thơ là thế! Sự ngây thơ cho thấy khả năng chịu đựng hành vi của cha mẹ là yêu cầu tối quan trọng. Vì trẻ thơ và ngây… Trẻ chưa đủ hiểu tất cả những yêu cầu chuẩn mực từ người khác hay từ xã hội… Trẻ chưa kiểm soát được hành vi của chính mình… Chính trẻ cũng chưa thực sự đủ khả năng để chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình thì rất khó để có thể có những sự đòi hỏi, trừng phạt hay tấn công trẻ một cách quá mức…

2.Với gia đình toàn vẹn, hãy hiểu rằng khi chúng ta là một gia đình, cần lắm trách nhiệm với nhau. Chính người cha, người mẹ cần ứng xử thật tinh tế với trẻ.

Khi gia đình không hạnh phúc và phải chia tay, cần nhìn về bản thân mình một cách thấu đáo. Hãy tự hỏi mình có phải là một người cha người mẹ tốt? Cần tự hỏi xem mình có đủ khả năng và sức lực cũng như phẩm chất để có thể nuôi con… Đừng vì sự ích kỷ, đừng vì hình ảnh của chính mình lung linh, đừng vì nghĩ rằng mình phải giữ con để cố tình giành giật… Sự cố tình, sự hiếu thắng, sự mè nheo, suy nghĩ truyền thống hay chịu áp chế dư luận sẽ làm chính một trong hai người sẽ có thể chọn giữ bé ở bên mình… Nhưng chính việc tái giá, chính sự lười biếng, chính sự non kém về phẩm chất, chính những hẫng hụt và hàng loạt những áp lực khác sẽ dẫn đến hành vi thiếu chuẩn mực, hành vi lệch chuẩn, thái độ vô trách nhiệm với con mình và thậm chí là những sự ứng xử mang tính vi phạm pháp luật…

Việc chọn cho mình một lối sống, chọn cho mình một cuộc sống mới cần đặt con mình vào một vị trí nhất định. Nói một cách công bằng, ngay cả khi chọn cho mình một cuộc chung sống mới với ai đó, một gia đình mới cũng cần cân nhắc… Không buộc hỏi trẻ khi trẻ còn quá nhỏ, cũng không buộc mình không được thuyết phục trẻ nếu hỏi mà trẻ chưa đồng ý… Nhưng đừng vô trách nhiệm đến mức mất tất cả tình thương và trách nhiệm… Đừng vô tâm khi mình đã là mẹ hay cha của một sinh linh bé bỏng… Ví dầu là mẹ, là cha đòi hỏi bản lĩnh đích thực ở vị trí, vai trò: làm cha, làm mẹ… chỉ cần đúng chứ chưa cần đủ hay tốt…

Với những người cha, người mẹ không nuôi con, cũng đừng quên rằng trách nhiệm bảo vệ an toàn cho con vẫn còn đấy. Không những thế, cần lắm sự chăm sóc tinh thần từ xa, sự thăm viếng để duy trì mối quan hệ, sự nuôi dưỡng những cảm xúc thân tình, ruột rà… Mọi thứ không thể dễ có mà phải đến tự nhiên và sự tự nhiên này mang màu sắc của tình thương đích thực và trách nhiệm… Không trách những hoàn cảnh cá nhân cụ thể nhưng rõ ràng chúng ta có thể bớt đi một buổi làm việc nếu được để cho con vài tiếng đồng hồ yêu thương đang thiếu hụt. Có thể bớt đi một buổi nhậu, một ít tiền cho việc mua sắm thời trang để cho con sự quan tâm… Hơn hết, cho con những cuộc điện thoại thay vì lướt facebook; cho con những buổi dạo chơi mà mỗi lần là con dùng một ngón tay làm dấu để cho con một khung trời an lành, một sự an toàn về tinh thần cần có…

PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn