Thứ hai, 16/10/2017, 10h11

Dừng thị trường phát điện cạnh tranh để giải cứu điện khí?

Bộ Công thương bất ngờ tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh cùng lúc huy động các nhà máy điện khí tham gia nhằm đảm bảo không bị lỗ. Giá điện đang rục rịch "điều chỉnh"

Dừng thị trường phát điện cạnh tranh để giải cứu điện khí? - Ảnh 1.

Việc ưu tiên huy động các nhà máy điện chạy khí, theo các chuyên gia, có thể tăng áp lực lên giá điện. Trong ảnh: Nhân viên EVN vận hành cấp điện cho khu dân cư - Ảnh: V.HÀ

Nhiều ý kiến băn khoăn liệu đây có phải là quyết định thiếu tính thị trường và có lợi cho các nhà máy điện khí khi được ưu tiên giá cao vào thị trường.

Tại quyết định, lý do được Bộ Công thương đưa ra là để... phục vụ việc huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện khí trong các tháng cuối năm 2017.

Trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo đứng đầu một đơn vị điện lực thuộc Bộ Công thương (đề nghị không nêu tên) tiết lộ quyết định này đưa ra vì hiện giá các nhà máy khác đưa ra trên thị trường phát điện cạnh tranh đang ở mức thấp. 

Trong khi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt chào giá cao màthị trường phát điện cạnh tranh lại có nguyên tắc chọn nhà máy chào giá thấp trước. 

Do đó, việc tạm dừng vận hành thị trường phát điện là để các nhà máy điện khí buộc phải tham gia thị trường, đảm bảo các nhà máy này không bị lỗ. 

Vị này cũng cho biết khi các nhà máy khí vận hành ổn định, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vận hành trở lại.

Một chuyên gia cho rằng về nguyên tắc, nếu ưu tiên các nhà máy điện chạy khí giá cao, sẽ tác động nhất định đến giá điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua vào, từ đó gây áp lực lên giá điện.

Vấn đề điều chỉnh giá điện vẫn tiếp tục được đưa ra. 

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 13-10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ xem xét phương án điều chỉnh giá điện.

Đại diện EVN cho biết hiện nay phương án tăng giá điện vẫn đang được tính toán. 

Mặc dù tình hình thủy văn dồi dào giúp điện từ các nhà máy thủy điện (giá rẻ hơn) khá nhiều, nhưng do giá than tăng cao nên phương án giá điện sẽ cân nhắc dựa trên các yếu tố này.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc tạm dừng vận hành thị trường phát điện để các nhà máy khí tham gia với mức giá cao là thể hiện cho một thị trường chưa có cạnh tranh thực sự. 

Tới đây, ông Ngãi cho rằng nên tiếp tục mở rộng để nhà máy điện tư nhân tham gia thị trường mới hiệu quả và cạnh tranh thực sự. 

Tuy nhiên, ông đồng tình việc tăng giá điện vì cho rằng giá điện hiện đang thấp.

Theo quy định, tại thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy phát điện sẽ chào giá và được huy động theo giá chào, giá thấp sẽ được ưu tiên huy động nhiều. 

Tiếp theo giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh, Việt Nam vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh và từ năm 2021 sẽ bắt đầu thử nghiệm rồi vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Khi đó, người tiêu dùng sẽ được chọn nhà cung cấp bán lẻ điện cho mình, buộc các doanh nghiệp điện phải cạnh tranh.

Việc tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh, theo một số chuyên gia, là khá bất ngờ.

NGỌC AN/TTO