Thứ ba, 3/11/2015, 22h01

Đừng tin vào “thần dược” chữa bệnh gút

Cây nở ngày đất được quảng cáo là chữa được bệnh gút

Được mang danh là “căn bệnh của nhà giàu”, thế nhưng thời gian gần đây bệnh gút (gout) không còn bó hẹp phạm vi đối tượng mà đã mở rộng ra mọi thành phần, lứa tuổi, giới tính bởi nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn uống thiếu khoa học và thói quen sinh hoạt không hợp lý.

Nhiều người vẫn quan niệm rằng, gút là căn bệnh mới xuất hiện trong thời “rượu thịt đầy mâm” nhưng thực ra đây là căn bệnh thống phong theo cách gọi từ xưa của dân gian.

Nam giới mắc bệnh nhiều hơn

Theo y văn, những người giàu sang no đủ thường bị “dính chấu” căn bệnh này do ăn uống dư chất nên thống phong được xếp vào loại “căn bệnh của vua chúa”. Hiện nay, nhờ khoa học nghiên cứu mà chúng ta đều biết đây là sự rối loạn phức tạp ảnh hưởng đến tất cả mọi đối tượng bất kể giàu nghèo. Nỗi khổ sở lớn nhất của “chủ nhân” bệnh gút là đau nhức các khớp xương mà nguyên nhân là do nồng độ acid uric trong máu tăng quá cao và gây lắng đọng các tinh thể u rat ở các mô. Gút không chỉ để lại hậu quả tại chỗ mà còn gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe con người như: Biến dạng khớp, suy thận mãn, bệnh lý tim mạch... đôi khi dẫn đến tử vong.

Có thể nhìn thấy yếu tố nguy cơ của bệnh gút luôn hướng đến đàn ông, khi số lượng bệnh nhân nam giới thường có tỷ lệ cao hơn nhiều so với chị em phụ nữ. Ăn uống thả ga, bia rượu tràn trề là nguyên nhân gây ra căn bệnh dư thừa chất đạm này. Vì thế kiếng cữ chất có cồn và hạn chế ăn các chất bổ dưỡng là “toa thuốc” cần thiết đối với các bệnh nhân. Đặc biệt, nên “nói không” với các thực phẩm hải sản như tôm, cua, mực và các loại thịt đỏ như bò, dê, cừu, ngựa... Thay vào đó là các thực phẩm ít chất đạm và các loại rau xanh, đậu, mè, kê... Thừa cân là do tình trạng béo phì, béo phì sẽ dẫn đến căn bệnh gút. Đái tháo đường cũng là “cánh cửa rộng mở” sẵn sàng chờ đón căn bệnh gút đang lăm le xâm phạm cơ thể nếu chúng ta không biết cách đề phòng. Hạn chế các chất bột đường, uống nhiều nước nhất là nước khoáng có kiềm để tạo thêm lực tống bớt các chất acid uric qua đường nước tiểu.

Có một thực tế cho thấy, không phải bao giờ cũng chặn đứng được gút một cách hữu hiệu nhất là khi bệnh phát hiện trễ hoặc đã vào giai đoạn gút cấp hay mạn tính. Nhiều nhóm thuốc chống viêm, giảm đau đã có tác dụng tại chỗ để xua tan những cơn đau khớp kéo dài và tình trạng sưng tấy các khớp chân tay. Một số bệnh nhân lại đặt niềm hy vọng vào các loại thuốc nam để chữa bệnh gút.

Không chữa bệnh theo lời “rỉ tai”

Bệnh gút gây sưng và đau nhức các khớp xương chân

Theo giới thiệu của phòng khám BV Đông y Tâm Đức (P.1, Q.5, TP.HCM) dựa trên các nguyên tắc đó, các y sĩ đã tìm ra các vị thuốc quý được chiết xuất từ nhiều loại thảo mộc quý có nhiều công dụng, nhằm điều trị dứt điểm bệnh thống phong. Ngoài việc dùng thuốc cần phải kết hợp với châm cứu và xoa bóp để lưu thông khí huyết. Các loại cây quả dùng để bào chế thuốc nam từng được giới thiệu từ trước tới nay có thể kể đến: Cây sói rừng, mã tiền chế, lá sa kê, cây hy thiêm, bạch thược, ma hoàng, quế chi. Tuy nhiên, một số loại “thuốc” được người dân coi là “thần dược” của gút như cây nở ngày đất, lá trầu không, nước dừa, hành tím... lại chưa được khoa học minh chứng rõ ràng. 

Gần đây, xuất hiện cây nở ngày đất các xe hàng rong bày bán dọc đường phố được quảng cáo là loại thuốc nam có thể chữa bệnh gút, khớp, đái tháo đường... Đánh đúng tâm lý người bệnh nên không ít người khi đọc những thông tin quý báu đó ngoài đường đã vội vàng bỏ tiền ra mua về làm thuốc chữa bệnh theo hướng dẫn của người bán mà không biết thực chất đó là loại cây gì và có chứa những thành phần nào. Chính vì thế, có một thời gian cây này trở thành “cơn sốt” khắp mọi nẻo đường. Mặc dù không biết rõ công dụng của loại cây này nhưng nhiều người mua về chỉ với mục đích... dùng thử xem sao. Còn người bán thì cũng nói theo kinh nghiệm chứ không có cơ sở khoa học nào để chứng minh. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. BS Nguyễn Đình Phú - Phó giám đốc BV Nhân dân 115 TP.HCM trả lời: “Mặc dù đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân nhưng chúng tôi chưa ghi nhận được tác dụng của cây nở ngày đất, lá trầu không, nước dừa và củ hành tím khi điều trị gút. Trên thực tế cũng chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định điều này”. BS Phú khuyên: “Khi có triệu chứng, bệnh nhân cần đi khám kịp thời để có phác đồ điều trị phù hợp trên cơ sở phân loại bệnh chính xác”.

Bài, ảnh: Quang Phan

Dược sĩ Lê Kim Phụng - giảng viên bộ môn Y học cổ truyền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) khẳng định, những kết quả nghiên cứu chứng minh cây nở ngày đất chỉ có tác dụng trên chủng vi trùng, nấm chứ không có ghi nhận về tác dụng giảm đau của căn bệnh gút hoặc làm hạ đường huyết. BS Trần Văn Năm - Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết các loại cây nở ngày đất, lá trầu không, nước dừa và củ hành tím chỉ được dùng theo kinh nghiệm mà không hề được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền vì chưa được nghiên cứu về độc tính, dược lý lâm sàng cũng như chỉ định điều trị  căn bệnh gút và đái tháo đường.