Thứ bảy, 25/3/2017, 21h37

Đừng xem nhẹ tác dụng của gương chiếu hậu

Sử dụng gương chiếu hậu thời trang không đúng quy chuẩn, chỉ mang tính trang trí, đối phó, hoặc ngoái nhìn về phía sau khi sang đường thay vì dùng kiếng chiếu hậu đã trở thành thói quen của nhiều người. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) khuyến cáo việc sử dụng kiếng chiếu hậu đúng quy chuẩn và đúng cách không chỉ giúp cho người tham gia giao thông lưu thông an toàn, mà còn đảm bảo việc tuân thủ pháp luật. 

Xe mô tô, xe gắn máy có gắn gương chiếu hậu nhưng không có tác dụng sẽ bị phạt tiền

Ngoái nhìn về phía sau: Đối diện với điểm mù nguy hiểm

Sử dụng gương chiếu hậu có hình “mô phỏng” của chiếc vá múc cơm, anh Phan Thành An, chủ sở hữu chiếc xe Exciter 150 “thích chơi kiếng độ, lại có màu xanh phù hợp với màu chiếc xe nhìn mới đã. Với lại mình không có thói quen nhìn gương, mỗi lần sang đường phải nhìn lại phía sau mới chắc ăn. Gương chiếu hậu nó bé tí mà nhìn sao rõ”. Điều đáng nói là thói quen này đã khiến anh bị bong gân và trầy xước trong một vụ va quẹt trên đường Lý Thường Kiệt vào cuối tháng trước. Hôm đó, do mải quay người nhìn về phía sau trong khi vẫn chạy tốc độ nhanh nên bất ngờ bị xe của người lưu thông ngược chiều tông phải.

Vào lúc 18 giờ ngày 23-3 vừa qua, trên đường Điện Biên Phủ (phường Đa Kao), chiếc xe máy (BKS 54 - V5, 2669) do một phụ nữ điều khiển, chở theo một em bé cũng loạng choạng, suýt va chạm với một chiếc xe ô tô do thiếu quan sát phía sau. Nguyên nhân là do chiếc gương chiếu hậu bên trái xe chị đã bị bể lòng kiếng, chỉ còn trơ trọi phần vỏ nhựa. Cùng thời điểm này, một chiếc xe Attila lưu thông cùng chiều đã phải rất khó khăn mới có thể chuyển hướng để rẽ trái về hướng đường Đinh Tiên Hoàng, do gương chiếu hậu trái đã bị “gục đầu” như bông hoa héo, khiến người điều khiển không thể quan sát dòng xe ô tô lưu thông từ phía sau tới.

Bên cạnh thói quen không sử dụng gương chiếu hậu, hoặc do tâm lý “có chỉ để đối phó”, một số người còn chủ động thay gương chỉ vì “thấy gương “rin” làm xấu cả hình dáng chiếc xe”. Đó là lý do khiến chị Nguyễn Thị Ái Vy (ngụ phường 25, Bình Thạnh) khi vừa mua về chiếc xe Vision đời 2013 liền “cất đi 2 chiếc gương chiếu hậu vừa cao, vừa dài trông rất vướng víu, thay vào đó là một cái kiếng tròn có gọng ngắn. Mỗi dịp Tết về quê, tôi lại thay gương quy chuẩn của xe để tránh bị cảnh sát giao thông thổi phạt. Lúc trở lại thành phố làm việc lại tiếp tục gắn gương tròn cho gọn gàng”.

Hãy sử dụng gương quy chuẩn và đúng cách

Tại điểm a khoản 1 điều 17 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 quy định: người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy “không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng” sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

Theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát giao thông, ở nước ta, người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không mấy quan tâm đến gương chiếu hậu, thậm chí có người còn cho rằng việc lắp gương chiếu hậu vào xe làm giảm đi độ “chất” của chiếc xe. Do đó, nhiều người đã sử dụng những loại gương mang tính chất đối phó nhiều hơn là sử dụng để quan sát phía sau, thậm chí có một số người (nhất là chị em phụ nữ) dùng gương chiếu hậu chủ yếu để phục vụ việc trang điểm. Nhưng thực tế chính việc quan sát từ phía sau sẽ giúp người lưu thông tránh được những tai nạn bất ngờ không hiếm gặp. Chẳng hạn như trong trường hợp muốn chuyển hướng hoặc quay đầu xe, nếu không có hoặc không sử dụng gương chiếu hậu, người điều khiển sẽ phải quay người lại phía sau quan sát, lúc này phía trước mặt sẽ là điểm mù, tai nạn sẽ có thể xảy ra và người điều khiển sẽ hứng chịu toàn bộ thiệt hại, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, cho dù lưu thông đúng luật. Còn nếu có gương chiếu hậu, tất nhiên người điều khiển chỉ cần liếc qua là biết có chướng ngại hoặc có ai đang đi sau phía mình định chuyển hướng hay không, có xe ô tô đang trờ tới, hoặc xe lạng lách đánh võng… để kịp thời “nhường đường” nhằm đảm bảo an toàn cho mình.

Bên cạnh đó, ngoài tác dụng đảm bảo trật tự ATGT, gương chiếu hậu cũng khiến những tên cướp giật phải dè chừng. Phần lớn những vụ giật túi xách, thường là do người bị hại đeo túi một bên vai, hoặc đặt túi ở phía trước xe mà không móc dây túi cẩn thận. Một điểm đáng lưu ý, những tên cướp giật thường rình mò phía sau một thời gian, quan sát rất kỹ rồi mới hành động. Do đó, nếu người lưu thông có thói quen sử dụng gương chiếu hậu, sẽ biết được có xe theo dõi sau mình để phòng ngừa và đối ứng.

Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là nên sử dụng gương chiếu hậu đạt tiêu chuẩn. Quy chuẩn Việt Nam về gương chiếu hậu cho mô tô, xe máy đã quy định, diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69cm2. Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm. Để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, người lưu thông hãy trang bị cho xe máy ít nhất là gương chiếu hậu bên trái, hoặc tốt hơn là cả 2 bên, để có tầm quan sát phía sau một cách tốt nhất.

Bài, ảnh: Vũ Phương