Thứ ba, 1/6/2010, 14h06

Đường đến “thung lũng mây”

Không rõ bản Hồng Ngài của nàng Mỵ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài có phải là thôn Hồng Ngài thuộc xã Ý Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) giáp giới với Trung Quốc? Đó là nơi dân “phượt” thường gọi là “thung lũng mây”.

 
Những ngôi nhà trình tường của người Mông - Ảnh: TTO
Chúng tôi rời Hà Nội đi Lào Cai trên chiếc ôtô vừa đủ chỗ cho sáu người. Từ Lào Cai lên Sa Pa bằng xe gắn máy. Trời gió và không khí đầy nước. Thị trấn trong mây tràn ngập khách du lịch đổ về dịp nghỉ lễ. Sau khi mua thức ăn trưa, chúng tôi nhắm hướng Ô Quy Hồ thẳng tiến. Bữa trưa với cơm lam và thịt heo bản quay trên đỉnh một khúc cua mà dưới thung lũng phần lớn chỉ nhìn thấy mây và mây.
Đường từ lưng chừng Ô Quý Hồ đi Bản Khoang - Tả Giàng Phình tới Mường Hum đã làm xong từ năm 2009. Những chiếc xe máy lao đi đầy phấn khích trên con đường cong cong uốn lượn qua lưng núi nở đầy hoa mua tím, xuyên qua bản làng và những thung lũng đang làm đất chờ gieo hạt. Chúng tôi như trôi bồng bềnh giữa thiên nhiên hoang dã, ngỡ quên mất cả thời gian.
Đường đến “thung lũng mây” phải vượt qua những chặng gian truân như thế này
Không vào phiên chợ, Mường Hum vắng vẻ và trầm tư bên dòng suối đầy những khối đá to bằng cả nửa cái nhà, vài chỗ đang chặn dòng ke bờ cho dự án thủy điện Nậm Hô. Chúng tôi chọn lối tới trung tâm xã Ý Tý qua Dền Sáng vì trời đã ngả chiều, thêm nỗi lo về 30km đường xấu đang chờ có thể phải tới nơi nghỉ đêm muộn.
Mùa chưa gieo hạt. Những cánh đồng khô nằm xen giữa những cánh đồng mới ải, màu đất nâu sậm, những thửa ruộng bậc thang đang đổ nước lấp loáng, vắng bóng người. Dãy Nhĩ Cù San vời vợi màu chì trập trùng giữa biển mây. Con đường cứ lên cao, lên cao mãi. Rừng nguyên sinh Dền Sáng ở độ cao trên 2.000m, không khí tươi mát và trong lành.
Theo mẹ ra đồng
Những cơn gió chiều luồn vào đám lá rừng xôn xao, thi thoảng lại bứt từng đám thả bay trong không gian, thiên nhiên thơ mộng và lãng mạn vô cùng. Thật bất ngờ khi tới đầu con đèo mà chúng tôi vẫn tự hỏi có phải là đèo cao nhất nước không, đường đã được trải nhựa phẳng lì êm ái. Chỉ còn vài kilômet đến trung tâm xã, những con chiến mã thỏa sức tung vó.
Đêm Ý Tý, trăng mười bảy lấp ló trong bức màn mây. Cả thị trấn lặng im trong tấm áo choàng đầy sương khói. Mây giăng mờ thung lũng dưới chân nhà sàn ở trọ, mây ùa cả vào phòng, luồn vào tóc, chạm vào mắt, vào môi lành lạnh. Mấy cô gái xòe tay ra như thể muốn nắm lấy một chút mây để giấu vào balô mang về xuôi không chừng.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy rất sớm. Trời nặng những đám mây màu chì, sương vẫn trĩu trên cành cây ngọn cỏ. Nghỉ lễ, các cô giáo đã về xuôi thăm gia đình, bọn trẻ không tới trường, đi chơi lang thang đâu đó quanh nhà trên núi. Nắng lên, gió vờn mây giăng mắc vào lưng núi khiến những nóc nhà trình tường ẩn hiện như trong truyện cổ tích. Các bạn tôi ai cũng lặng người trước cảnh mây núi ở Ý Tý, đứng ngồi ngẩn ngơ bên bờ rào đá, tận hưởng cảm giác thanh bình đến khó tả khi đặt chân tới miền đất thung mây này.
Chú bé địu em trên vai, che nắng bằng chiếc ô đen to tướng
Bọn trẻ con ở Lao Chải theo mẹ ra đồng, địu em trên vai với một cái ô đen to đùng để che nắng. Chúng ùa chạy quanh ruộng ngô mới tra hạt, thoăn thoắt nhảy trên những bờ rào đá, rụt rè nhận kẹo từ tay người lạ, cười ré lên khi được xem hình ảnh chính mình trong máy ảnh của đám khách lang thang.
Con đường xuống thấp rồi lại lên cao như một sự sắp đặt để bất kỳ ai đi qua cũng nhìn thấy thung lũng mây Ý Tý lãng mạn tới chừng nào. Vài thửa ruộng bậc thang đang đổ nước, vài thửa ruộng đã xanh màu mạ, những thửa còn lại đã ải màu đất nâu chờ gieo cấy. Nhà trình tường như bao diêm nhấp nhô quanh lưng dãy Nhĩ Cù San.
Ruộng bậc thang ở Hồng Ngài, thửa đã gieo mạ, thửa vừa cày ải - Ảnh: TTO
Qua Sin San 1 và 2, chúng tôi dừng lại trên đầu một con dốc để nghỉ ngơi và nấu nước pha cà phê. Bên kia suối Lũng Pô, dưới chân thung lũng, đã là địa giới Trung Quốc. Con đường chúng tôi vừa đi qua như những vệt chém màu vàng trên tấm áo màu xanh của núi. Chúng tôi chuyền tay nhau ly cà phê nóng, chia sẻ một miếng thịt trâu khô nướng vội trên lửa cồn, những câu chuyện rì rầm và tiếng cười giòn tan vang lên giữa không gian khoáng đạt. Vài phụ nữ Mông gùi rau cỏ về Hồng Ngài đi ngang, đầy tò mò và ngạc nhiên nhìn đám lữ khách.
Còn cách trung tâm thôn Hồng Ngài chừng 1km thì hết đường cho xe máy. Chúng tôi bỏ xe lại bên lề đường và theo lời chỉ dẫn của mấy người thợ đang xẻ đường nơi góc núi, đi bộ vào thôn. Hồng Ngài nằm lặng lẽ trên triền núi, tĩnh lặng đến mức chỉ nghe tiếng gió reo và dăm chú gà gáy trưa xao xác. Những gốc đào xanh lá, quả vẫn còn non, chè cổ thụ nở hoa trắng thơm ngan ngát suốt dọc đường. Một cô bù nhìn mặc đồ người Mông nằm nghiêng trên bờ rào một cách ngộ nghĩnh.
Bọn trẻ con thấy người lạ chạy trốn hết vào trong nhà, chỉ có người lớn là tò mò phút chốc, rồi lại việc ai người nấy làm, người nhặt rau, xếp củi, người ra đồng, lên nương, người cuốc đất, mở đường, như thể có những vị khách lạ hay không thì cuộc sống của Hồng Ngài vẫn bình yên như thế.
 
 
Chúng tôi ngồi lặng trên thềm nhà của điểm trường Hồng Ngài cửa đóng then cài. Nắng lên rất cao và gió thổi mát lạnh. Tiếng nhạc ngân nga phát ra từ chiếc iPod loang trong không gian tĩnh lặng. Câu hát của chiều trên núi, câu hát của những người đến Hồng Ngài: Yêu nhau chỉ vì yêu nhau!
Chấm đỏ trên bản đồ là hành trình từ Sa Pa đi Ý Tý
Hồng Ngài cách trung tâm xã Ý Tý khoảng 12km, là thôn xa nhất trên bản đồ, nằm sát đường biên giới phía tây bắc của xã. Trước đây đường vào Hồng Ngài rất khó khăn, phải đi bộ mất cả nửa ngày trời. Cư dân Hồng Ngài phần lớn là người Mông, một số hộ người Hà Nhì, sinh sống trong những ngôi nhà trình tường rải rác trên triền núi, làm ruộng, trồng thảo quả. Phụ nữ cáng đáng nhiều việc trong nhà, từ lên nương, ra đồng, kiếm củi đến chăm sóc con cái.
Để đến Hồng Ngài cách tốt nhất là đi xe máy từ Ý Tý, tiết kiệm được cả thời gian và sức khỏe. Từ Hà Nội có thể lên Lào Cai bằng tàu lửa (khoảng 200.000 đồng/vé) hoặc xe khách chất lượng cao (150.000 đồng/người). Xe máy có thể gửi theo tàu hoặc ôtô với chi phí khoảng 200.000 đồng/xe.
Thời gian cho chuyến đi thường 2-3 ngày là phù hợp. Nếu nghỉ đêm trong bản thì phải chuẩn bị đồ ăn và túi ngủ. Nghỉ đêm tại trung tâm xã Ý Tý: 30.000 đồng/người, tắm lá thuốc người Dao: 40.000 đồng/lần. Phải mang theo chứng minh nhân dân và khai báo tạm trú với đồn biên phòng Ý Tý.
(Giang Nguyên, TTO)