Thứ hai, 24/9/2012, 15h09

Đường đến trường của cô bé mồ côi

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngân vẫn nỗ lực hết mình để đạt học sinh giỏi 10 năm liền

12 giờ trưa, tất tả trở về sau một buổi làm thuê ở xưởng cá bò, em Dương Thị Ngân, học sinh lớp 11 Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (tỉnh Quảng Nam) ăn vội bát cơm trắng để kịp giờ đến lớp. Bước vào năm học mới với nhiều khoản phí khiến em càng vất vả hơn…
17 tuổi, trông Ngân chững chạc và từng trải hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Cuộc mưu sinh vất vả khiến cả dáng đi của em cũng hằn in nỗi nhọc nhằn của người nông dân thực thụ. Không may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa, khi cái bào thai trong bụng mẹ chưa nên hình hài thì bố em đã bỏ đi biền biệt. Em chập chững biết đi thì bị  mẹ đành đoạn gửi lại cho bà nội. Không ai biết mẹ đi đâu: Tìm ba em hay đi bước nữa, hoặc kiếm kế lập nghiệp ở miền đất hứa. Chỉ biết rằng sau cái lần em được mẹ ôm về gửi cho bà nội già yếu - giờ phút đó em thực sự trở thành đứa trẻ mồ côi, thiếu thốn vòng tay yêu thương của bố mẹ.
Bà nội của Ngân năm nay ngoài 70 tuổi. Sự vất vả khiến bà già hơn rất nhiều so với tuổi tác. Đôi mắt không còn nhìn rõ. Mọi công việc trong nhà lẫn trông nom đồng áng gần như đổ dồn lên đôi vai đứa cháu mồ côi tội nghiệp. Bà Liên - bà nội Ngân - thở dài cho biết: “Tui thân già nhấc tay nhấc chân không nổi. Tội nghiệp cháu tôi, thiệt thòi vì côi cút lại phải thay bà gánh vác công việc nhọc nhằn. Từ nhỏ tới giờ không có mùa hè nào cháu không phải làm thuê làm mướn. Nhiều lúc thấy cháu sức vóc non nớt cố đánh vật với công việc nhà nông mà rớt nước mắt, nhưng nếu không làm thì vào năm học mới bao nhiêu khoản phải mua, phải đóng lấy tiền đâu trang trải chi phí…”.
Công việc thường nhật của Ngân sau buổi học chính là làm cỏ, tát nước cho hai sào lúa… Tranh thủ thời gian rảnh và các ngày nghỉ cuối tuần em xin vào làm ở xưởng cá bò gần nhà, mỗi ngày được trả công 25 ngàn cũng đủ trang trải cuộc sống. Mấy năm trước khi mắt còn nhìn khá rõ, chân tay chưa run rẩy, người ta còn thuê bà Liên trông giữ trẻ. Ba năm trở lại đây, dù có đi hết nơi này qua nơi khác người ta đều lắc đầu. Bởi vì không ai rước một bà già đi không vững về giữ con mình. Bà đành ở nhà…
Khó khăn là vậy nhưng Ngân lúc nào cũng tâm niệm một điều rằng chỉ có học mới thoát khỏi sự cực nhọc và giúp bà chạy chữa bệnh tim. “Cháu nó ngoan lắm. Năm nào cũng giành phần thưởng được nhiều vở, còn lại đi quanh xóm xin các anh chị sách giáo khoa cũ về học. Tiền đi làm thuê nó đều dành mua thuốc cho tui và nộp các khoản cần thiết trên lớp. Nhiều khi thương cháu, bảo nó muốn gì thì cứ mua mà dùng nhưng nó nhất mực nói sau này học lên cao, đi làm có tiền rồi sẽ tiêu sau”, bà Liên nói mà nước mắt chảy dài.
Thấy bà khóc, Ngân an ủi: “Bà đừng lo nghĩ nhiều mà trở bệnh. Cháu sẽ cố gắng để sau này xây cho bà một căn nhà đàng hoàng rồi chữa bệnh cho bà nữa. Cháu lao động cho khỏe khoắn chớ cực nhọc chi mà bà lo”. Mười mấy năm rồi có khi nào em được tin tức bố mẹ không?, tôi hỏi. Đôi mắt Ngân thoáng buồn: “Bố em đi biền biệt, thậm chí đến giờ em còn không biết mặt. Mẹ thì mỗi năm có gửi cho em ít tiền. Nhưng mà mẹ cũng khó khăn lắm, làm thuê ở tận miền Nam, ai kêu đâu làm đó, mẹ có gia đình riêng nữa nên không lo cho bà cháu em được bao nhiêu”. Rồi như để vơi bớt nỗi buồn thiếu vắng hơi ấm gia đình, Ngân quay sang tôi nói tiếp: “Nhiều lúc em nhớ bố mẹ lắm, đêm trằn trọc không ngủ được. Lúc đối mặt với các kì thi chuyển cấp em thấy các bạn có ba mẹ đưa đi mà khao khát lắm. Nhưng mỗi lần như thế em lại quyết tâm hơn nữa để học thật giỏi. Sau này mình có điều kiện sẽ đi tìm bố mẹ. 10 năm đến trường năm nào em cũng đạt học sinh giỏi chị ạ. Em rất thích các môn học tự nhiên…”.
Trong căn nhà lụp xụp, mười mấy năm nay, đi qua bao mưa nắng, hai bà cháu - một già, một trẻ - vẫn dựa vào nhau để sống. Tôi để ý thấy ngoài vách nhà xây bao che bằng fibrô xi măng cũ nát, đôi chỗ vá bằng tấm tôn rách, còn bên trong nhìn đâu cũng trống hoác khiến ai một lần đến nhà không khỏi chạnh lòng. Nhìn cách Ngân trân trọng từng cuốn tập rách nát tả tơi, tôi chợt liên tưởng và tiếc thay cho bao đứa trẻ cùng trang lứa với em có điều kiện sang giàu lại sa đà vào nghiện ngập, bỏ dở học hành!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên