Thứ bảy, 2/1/2016, 20h45

Đường lên xứ Cùa

Bài 2: Ngọt lành hương vị chè

Dù nhiều người trả giá cao, bà Hoàng Thị Thoại vẫn giữ vườn chè cổ thụ để nhắc nhở con cháu về sản vật của cha ông để lại

“Đặt chân đến xứ Cùa mà chưa một lần được thưởng thức hương vị đậm đà của bát nước chè xanh thì coi như chuyến đi chưa trọn vẹn”, ông Phạm Hùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Chính nói. 

Thức uống không thể thiếu

Trong câu chuyện về đặc sản của một vùng quê miền trung du đất đỏ ba gian, ông Lâm bấm đốt ngón tay, thong thả bảo: “Với người dân xứ Cùa, bát nước chè xanh không thể vắng mặt trong câu chuyện giao hảo mỗi sớm mai, trong mâm cỗ dâng cúng tổ tiên hay kể cả những tiệc tùng cưới hỏi”. Đó cũng là minh chứng sinh động cho hình ảnh khắp thôn xóm ở Cùa, ai ai cũng trồng chè. Nhà trồng nhiều thì dăm bảy chục gốc, nhà ít thì chục gốc, có nhà còn dùng chè trồng thành tường rào xanh ngút. Làng quê qua hình ảnh những tán chè xanh thấy ấm áp và yên bình đến lạ! Ông Nguyễn Minh Lộc, một người dân ở thôn Minh Hưng cẩn thận hãm ấm chè xanh đãi khách, vừa nói: “Kể cũng lạ, qua chiến tranh tàn phá, nhiều loài cây mất đi, xóm làng cát lũy bị cày xới, nhưng những vườn chè vẫn can trường bám rễ vào lòng đất, cho ra những mùa lá tươi xanh. Ở Cùa, dù nghèo khó đến đâu, nhà nào cũng có sẵn ấm nước chè xanh”. Theo các bậc cao niên, cây chè xuất hiện ở Cùa từ trăm năm trước. Người dân ở đây trồng chè chủ yếu chỉ để làm thức uống hàng ngày, vào mùa sây lá, những người phụ nữ mang chè ra chợ bán kiếm tiền đong gạo, đóng học phí cho con tới trường, thậm chí đến manh áo mới ngày Tết, đầu năm học đều trông chờ từ bó lá chè tươi. Cây này không mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cho lá quanh năm vì thế, mùa nào cũng vậy, với vài chục gốc chè, mỗi ngày có thể kiếm vài ba chục ngàn đồng từ việc bán lá xanh. Chè trở thành thức uống quen thuộc và… gây nghiện trong lòng những người con Cùa xa xứ. Mỗi dịp trở về thăm quê, họ thường đặt mua làm quà biếu người thân, bạn bè. Ông Lộc cho biết: “Người dân quê tuy không cầu kỳ trong ăn uống nhưng cũng không vì thế mà lại quá xuề xòa. Để có bát nước chè xanh vừa miệng, người nấu phải biết cách lấy nước ở những giếng khơi không bị phèn hay váng để giữ cho màu nước không bị đỏ bầm. Khi chọn chè cũng không được chọn chè quá già hay quá non. Nếu lá chè non nước sẽ nhạt màu, vị không đượm, lá già nước không còn vị ngọt chát. Đến khâu chế biến không nên vò chè quá nát. Khi nước chè đã sôi không được để chè quá lâu trên bếp, vì như vậy nước sẽ chuyển màu và không giữ được hương thơm của chè. Chè xanh xứ Cùa muốn thơm và đậm phải nấu cả cành có màu xanh, lửa nấu nước chè phải đỏ đều. Chè Cùa làm say lòng người bởi vị chan chát đặc trưng, người quen khi uống vào thì tấm tắc khen ngon, kẻ chưa quen lại thấy bụng dạ cồn cào mặt mày xây xẩm, để rồi khi xa ai cũng lâng lâng nhớ tiếc về một miền quê”. “Dù chỉ là thức uống nhưng với những người sinh ra và lớn lên ở Cùa, nước chè xanh đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày, trong hành trang khôn lớn và trong kí ức của những người đi xa”, ông Lộc bộc bạch.

Những vườn chè cổ thụ

Ông Lộc tự hào: “Nếu đã là cây chè được sinh ra trên đất Cùa, đón được cái nắng giòn tươi của xứ Cùa thì từ thân cho đến lá chè đều mang một sức sống đặc biệt. Chè Cùa rất được nước, không chỉ pha hãm một lần mà nhiều lần sau thì hương vị của chè vẫn còn đậm đà, ngọt mát. Với người dân xứ Cùa thì trồng chè còn có nhiều ý nghĩa giữ gìn loại cây trồng đã gắn bó lâu đời với quê hương. Âu đó cũng là cơ duyên của đất và người vùng đất đỏ!”.

Cây chè bám rễ ở miền đất gió cát Quảng Trị không chỉ riêng ở xứ Cùa, người dân trong vùng còn biết đến bởi thương hiệu chè Hải Chánh (thuộc huyện Hải Lăng) nhưng chỉ ở Cùa mới có những vườn chè cổ thụ tồn tại năm bảy chục năm tuổi. Những cây chè có bộ rễ tỏa rộng bám sâu vào lòng đất để nuôi lớn những thân chè to bề thế, cao vút. Muốn hái chè phải bắc thang. Ông Lâm chia sẻ, trước đây người dân trồng chè chỉ đơn thuần lấy lá làm nước uống. Vài năm nay, nhiều hộ gia đình còn dùng cây trồng thành tường rào. Du khách thập phương tìm đến mua những gốc chè cổ thụ về phố làm cây cảnh vừa làm thức uống với giá hàng chục triệu đồng một cây. Nhu cầu sử dụng chè của thị trường ngày một tăng, chè Cùa lại có vị ngọt thơm tự nhiên nên các hộ gia đình tiếp tục chiết cành, gieo hạt, phủ xanh những ngọn đồi bằng những vườn chè xanh tốt. Bà Hoàng Thị Thoại (67 tuổi) ở thôn Mai Lộc 3 cho biết: “Tui về làm dâu ở đây đã hơn 40 năm ni rồi. Ngày về đã thấy vườn chè của ông bà lên cao quá đầu người, thân to hơn cái bắp chân. Rồi ông bà qua đời, tui vẫn giữ nguyên vườn chè như thế để vừa làm thức uống mỗi ngày, vừa thảnh thơi tuổi già mỗi ngày ra chợ bán vài bó lá chè xanh để mua thức ăn. Sáng ngủ dậy không có ly nước chè thì cả ngày cứ thấy thiêu thiếu. Khách vào nhà mà không có nước chè xanh mời thì thấy nhạt. Tính ra các loại cây trồng khác có thể cho thu nhập cao hơn, nhiều người lại trả giá các gốc chè cổ thụ cả chục triệu đồng nhưng tui vẫn muốn giữ vườn chè như kỷ niệm của cha ông, để nhắc nhớ cho con cháu mai sau”.            

Cũng giống như con người được sinh ra ở xứ Cùa, những vườn chè cổ thụ ẩn sau cái vỏ xù xì gai góc ấy là một sức sống phi thường, để rồi cây và người cùng gắn bó băng qua ngót một thế kỷ, thăng trầm với những biến cố của thời gian. Nhờ vào ý thức giữ gìn vườn cây sản vật của cha ông, nhiều hộ gia đình ở xã Cam Chính vẫn gìn giữ vườn chè ngót nửa thế kỷ.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên