Thứ bảy, 9/1/2016, 23h23

Đường sách TP.HCM: Điểm đến văn hóa cho độc giả, du khách

Độc giả yêu sách và du khách đến với đường sách TP.HCM chiều  9-1 

Chiều 9-1, đường sách TP.HCM đã được khánh thành và ra mắt những người yêu sách. Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa lớn đối với người dân TP.HCM.

Thỏa lòng mong ước của người yêu sách

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tham quan các gian hàng sách chiều 9-1

Đường sách TP.HCM đã hoàn thành trong niềm vui chung của những người yêu sách. Nằm trên đường Nguyễn Văn Bình (P.Bến Nghé, Q.1), đường sách TP.HCM là điểm đến văn hóa thuận lợi cho độc giả, du khách trong và ngoài nước. Những người tham gia thực hiện đường sách đã thể hiện sự tâm huyết hết mình trong quá trình kế thừa có chọn lọc để tạo nên một không gian đường sách vừa mang nét truyền thống, gợi nhớ ký ức, vừa mang những giá trị hiện đại.

Sau gần 3 tháng thi công, đường sách đã được đưa vào sử dụng cùng với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phát triển văn hóa đọc, tạo không gian văn hóa ý nghĩa phục vụ nhu cầu của người dân TP. Gần 20 gian hàng của những đơn vị xuất bản, làm sách có uy tín đã tạo nên sức hút cho đường sách. Bên cạnh đó là các hoạt động: Trưng bày sách theo chủ đề thơ ca yêu nước gồm những tác phẩm ra đời trong giai đoạn kháng chiến; chợ phiên sách cũ (kéo dài đến Tết Nguyên đán Bính Thân) để giao lưu, trao đổi sách cũ; không gian dành riêng cho các em thiếu nhi tô màu, đọc sách miễn phí và kể chuyện, đố vui về sách; hai quán cà phê sách là không gian mở cho các hoạt động giao lưu tác giả, tác phẩm. Tại lễ khánh thành đường sách, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - nhấn mạnh: “Đường sách TP.HCM ra đời là công trình văn hóa mang tính cộng đồng cao của một TP năng động, phát triển. Chúng ta hy vọng đường sách sẽ thu hút nhiều người dân TP và những ai đặt chân đến với TP. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để đường sách phát triển đúng với mong đợi của những người yêu sách”. Sự ra đời của đường sách cũng là một trong những hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình như Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đã đề ra.

Mô hình cần nhân rộng

Đường sách ra đời cho phép người yêu sách có quyền kỳ vọng vào những xuất bản phẩm uy tín, chất lượng, đảm bảo sách có nguồn gốc pháp lý rõ ràng. Đó là điều mong muốn của các bậc phụ huynh, những người đọc tri thức quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Đường sách sẽ hoạt động dưới sự điều hành của một công ty do Hội Xuất bản Việt Nam thành lập. Công ty này sẽ vận hành trên cơ sở đóng góp hàng tháng của các gian hàng để phục vụ cho việc điều hành các hoạt động của đường sách như: Tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, công tác sửa chữa, bảo trì, vệ sinh…

Theo ông Nguyễn An Tiêm - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản: “Nếu đường sách TP.HCM hoạt động tốt sẽ là mô hình để các tỉnh, thành khác triển khai, áp dụng. Chắc chắn, sự hoạt động lành mạnh, ý nghĩa của mô hình đường sách như thế này sẽ làm văn hóa đọc của người dân được nâng cao”.

TP.HCM đang hướng tới là một “TP đáng sống” trong thời gian tới. Do đó, đường sách TP.HCM sẽ góp phần không nhỏ vào không gian văn hóa xứng đáng được tôn vinh, mang đến một đời sống có chất lượng, đáp ứng được mong ước của nhiều gia đình.

Bài, ảnh: Yên Hà