Thứ hai, 24/5/2010, 16h05

Đường về thánh địa Machu Picchu

Thành thánh Machu Picchu được xây dựng dười thời Pachacuti (1438-1463), vị hoàng đế đầu tiên của đế quốc Inca. Thực ra, trước đó nơi đây đã là trung tâm thờ phượng Chúa Trời của người Quecha kể từ thế kỷ 12 cho đến khi vua Virococha bị người Chanca phương Bắc tấn công.

Vua Virococha bỏ chạy khỏi kinh đô Cusco, nhưng người con Yupanki lui về cứ địa Picchu quy tập dân chúng, binh lính và trí thức, chẳng những tái lập vương quốc mà còn mở rộng thành đế quốc Inca huy hoàng nhờ nền kỹ trị hết sức khôn khéo: Ban hành quy chế công ích, đào kênh dẫn nước, tạo ruộng bậc thang, thiết lập con đường Inca dài hơn 22.500 ki lô mét xuyên suốt các đô thị từ Colombia ở phương Bắc xuống tận Chile ở phía Nam.
Khi tôi từ Santiago ở Chile về đến Sucre, thủ đô phía Nam của Bolivia thì nhận được danh thiếp của chị Evo, một doanh gia người Quecha bản xứ, để lại với lời nhắn đã đặt vé tham quan trọn gói cho tôi ở Machu Picchu. Thật là một sự kiện đáng nhớ không chỉ vì món quà bất ngờ của người mới quen mà còn vì khu du lịch nổi tiếng này chỉ nhận giới hạn mỗi ngày 2.000 lượt khách, 400 người trèo lên đỉnh Huayna Picchu và chỉ 500 người được phép đi theo con đường Inca theo hướng cổng trời để đổ xuống thành phố thánh địa.
Toàn cảnh thánh địa Machu Picchu.
Dành một chút thời gian để đọc thư tín và đưa lên mạng mấy bức hình mới chụp, tôi tất tả ra xe đến sân bay để kịp đáp chuyến bay cuối ngày đi La Paz, thủ đô phía Bắc.
Chiếc Boeing 727-100 của hãng Aerosur bay lượn nhiều vòng trước khi đáp xuống sân bay El Alto. Đây là sân bay cao nhất thế giới (4.050 mét), vây quanh bởi các ngọn núi cao hơn 6.000 mét.
Lớp không khí ở đây quá mỏng và viên phi công phải chật vật lắm mới đưa được máy bay hạ cánh an toàn. Tôi cảm thấy lành lạnh, cái lạnh mơ hồ trên suốt chặng đường đổ xuống thành phố. Hầu hết đô thị trên dãy Andes đều đặt dưới thấp, nơi các thung lũng vây bọc bởi núi, để giữ hơi ấm, và tránh cái lạnh khủng khiếp ban đêm cùng cái nóng rát da ban ngày.
Đêm đã về khuya nhưng dòng người tụ tập tại các tiền sảnh khách sạn mỗi lúc một đông. Người ta đổ về La Paz vào ban đêm để sáng mai lên cúng Pacha Mama, tức Mẹ Đất, trên núi Ilimani. Tục thờ Mẹ Đất, đấng cho muôn vật sinh sôi, ngành nghề phát triển đã có từ lâu nơi các bộ tộc Nam Mỹ. Từ nhiều ngàn năm trước, cư dân trên dãy núi Andes đã tin vào Inti, tức Chúa Trời, và vào sự phục sinh từ lòng Mẹ Đất, một niềm tin khá gần gũi với các cư dân cổ vùng Đông Nam Á.
Xe buýt từ La Paz (Bolivia) đi Puno (Peru) khởi hành mỗi giờ một chuyến và thường chọn tuyến đường băng qua đại hồ Titicaca ở Copacabana. Titicaca nằm trên độ cao 3.810 mét, là phần cuối của một biển cạn kéo dài hàng ngàn cây số, nằm giữa hai rặng núi chạy song song từ Bắc xuống Nam mà nay phần lớn đã khô ráo thành các đồng muối, nổi tiếng nhất là mỏ muối khổng lồ tạo nên sa mạc lạnh Salar de Uyuni.
Từ Puno, con đường tàu lửa theo hướng Bắc đi về Cusco, có khi cắt ngang, có khi song hành với các đoạn còn lại của con đường Inca lịch sử tụ về đế đô. Với bề rộng không quá 2 mét, có nơi lát đá, có nơi chui hầm, có nơi phải bắc cầu treo, con đường Inca đã là huyết mạch của cả đế quốc rộng lớn.
Càng gần Cusco các ngôi thành cổ bằng đá càng thêm đồ sộ, và trong quần thể đá hết sức độc đáo đó, người ta thấy vô số các bức tường bảo vệ thành phố, các kiến trúc nguy nga, các bờ đá làm nên hàng trăm thửa ruộng bậc thang giữa vùng núi non lạnh giá, và các kênh dẫn nước từ suối đầu nguồn đến từng mảnh ruộng.
Vừa vượt qua pháo đài Sacsayhuaman thì Cusco đã hiện ra trước mắt, pha trộn kiến trúc tân thời với các con đường và bờ thành Inca, cùng với những bức tượng và đền thờ các đời trước đó. Dưới ánh sáng lung linh của sao đêm rất gần chiếu soi thành phố, du khách có thể có những suy nghĩ, những thời khắc suy tư để ngày mai đi theo đoàn người về viếng Machu Picchu.
Một goác thánh địa Machu Picchu.
Machu Picchu vẫn đứng đó giữa các tầng mây như một minh chứng vinh quang của đế chế Inca, của sự hội tụ các nền văn hóa Nam Mỹ. Nơi thánh địa linh thiêng này, thời gian như không muốn bôi xóa cả những vết tích lịch sử nhỏ nhặt nhất. Du khách đến đây bằng những chuyến tàu lửa khởi hành từ đế đô Cusco ở phía Nam, đổ xuôi theo dòng Urumbamba, băng qua thị trấn Ollantaytambo ở cây số 88 rồi dừng lại ở Aguas Calientes ở dưới thung lũng.
Thành phố thánh địa nằm trên núi cao sừng sững 2.350 mét. Mặt đông nhìn xuống dòng sông, hai bên án ngữ bởi hai ngọn núi Huayna Picchu 2.667 mét ở mạn Bắc và Inti Punku 2.650 mét ở mạn Nam. Toàn bộ quần thể được vây bọc tứ bề bởi hệ thống núi non trùng trùng điệp điệp, vươn cao từ 4.000 đến trên 6.000 mét.
Từ Calientes người ta dễ dàng nhận ra một thành phố khang trang, tráng lệ và ngăn nắp đến mức kỳ bí: Khu nông nghiệp gồm hàng trăm thửa ruộng bậc thang chiếm trọn triền núi phía Đông Nam cùng với các nhà kho và mấy nghĩa trang. Khu đô thị hay còn gọi là khu kỹ nghệ nằm về phía Đông Bắc với các đền thờ, dinh thự của thầy tư tế, của hoàng gia, các học giả và những dãy nhà công xưởng hay học viện. Cổng chính của thành phố đặt nơi cao nhất nằm giữa hai khu nông nghiệp và công nghiệp, và đền thờ Mặt Trời - trung tâm tín ngưỡng của người Inca - nằm cạnh cung phòng của vị công chúa (nusta) đối diện với quảng trường thành phố.
Con đường xe buýt hiện nay dành cho du khách uốn lượn từ thung lũng lên đến phần thấp của khu nông nghiệp. Trong khi đó, con đường Inca lịch sử đổ xuống từ núi cao sau khi vượt qua ngọn đèo Warmiwanusca 4.200 mét, chui qua nhiều cổng gác hẹp bằng đá có tường bảo vệ trước khi về đến cổng trời phía Nam thánh địa, từ đây băng qua khu ruộng bậc thang để đến cổng chính để vào hoàng thành.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự bành trướng của đế quốc liên quan đến nền kỹ trị khôn khéo của Pachacuti. Nhà vua ban hành quy chế công ích gọi là mita, những người khỏe mạnh dành một số thời gian trong năm để làm kênh dẫn nước, tạo các thửa ruộng bậc thang, xây dựng các công trình và thiết lập con đường Inca cùng hệ thống phu trạm thông tin liên lạc mang theo văn bản là những đoạn dây thắt gọi là quipu đến tất cả các đô thị lớn nhỏ trên suốt chiều dài con đường.
Các tour du lịch đến đất thánh phải tuân thủ giới hạn lượng khách được đến đây mỗi ngày.
22.530 ki lô mét là chiều dài con đường dẫn tới Machu Picchu, băng qua các sa mạc hoang vắng, những rừng già rậm rạp, những ngọn núi cao chót vót và những bờ vực cheo leo chìm sâu bên dưới biển. Con đường cao nhất thế giới trên các tầng mây. Con đường dài nhất thế giới nối liền các thành phố của một đế quốc rộng lớn giữa thời Trung đại.

Con đường mang về vinh quang cho đế chế Inca, trải dài từ dòng Angesmayo ở Colombia, băng qua Ecuador, Peru và Bolivia đến dòng Maule ở Chile. Nhưng đây cũng chính là con đường dẫn quân xâm lược conquistadores châu Âu tiến chiếm Nam Mỹ, cướp đi sự giàu có của một nền văn minh, tàn phá những tri thức ngàn năm tích tụ của các nền văn hóa!

 

Theo TBKTSG