Thứ ba, 2/1/2018, 23h10

Đường vòng cũng dẫn đến… Rome

“Khi chọn một nghề theo đúng đam mê bản thân thì suốt cuộc đời chúng ta sẽ không phải làm việc mà chỉ tựa một cuộc vui chơi kiếm sống”, câu danh ngôn cũng là lời khuyên được các chuyên gia tư vấn gửi gắm đến học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (TP.HCM) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua.

Một học sinh đặt câu hỏi với Ban tư vấn

Đồng hành cùng chương trình là Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH). Chương trình không chỉ mang đến những kiến thức hữu ích về nghề nghiệp, cách lựa chọn nghề nghiệp đến hơn 600 học sinh khối 12 trong trường, mà còn “san sẻ” cùng các bậc phụ huynh những khúc mắc “không biết tỏ cùng ai”, giúp họ có cái nhìn thấu đáo hơn để đồng hành cùng con giữa ngã rẽ cuộc đời.

Mơ hồ sẽ khó tìm được việc

Đây là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM. Theo ông Tuấn, hiện tại TP.HCM đã phát triển đến hơn 50 ngàn doanh nghiệp, nguồn nhân lực thiếu hụt là rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực chất lượng cao có kỹ năng và ngoại ngữ rất khan hiếm, bởi vậy đòi hỏi tính cạnh tranh rất cao. Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0. “Người trẻ cần nuôi dưỡng được ước mơ, hoài bão, có bản lĩnh, tự lực để xây dựng và phát triển ước mơ đó. Làm sao học một nghề mà làm được nhiều nghề”, ông Tuấn chia sẻ.

TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác tuyển sinh, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết hiện cả nước có trên 400 ngành đào tạo với 23 lĩnh vực trong gần 500 các cơ sở đào tạo. Dù vậy, khi lựa chọn ngành nghề, các em chỉ nên quan tâm đến 8 hướng ngành nghề cơ bản gồm công nghệ kỹ thuật, cơ khí, chế biến thực phẩm, khoa học xã hội nhân văn, sư phạm, y khoa, công nghệ cao trong nông nghiệp thủy sản và thể thao. Đây là những nhóm ngành nghề chủ chốt để làm ra những giá trị xã hội.

Đi đường vòng để đến đích

Đây là hướng gợi ý của các chuyên gia trước băn khoăn của nhiều học sinh trong trường về việc bản thân rất muốn trở thành bác sĩ, dược sĩ nhưng năng lực, sức học lại không cho phép thi vào các trường đào tạo nhóm ngành nghề này. “Nếu bản thân các em quyết tâm đi vào lĩnh vực về y tế thì không hẳn chỉ có con đường thẳng là thi trực tiếp vào các trường có thâm niên đào tạo lĩnh vực này. Có nhiều những ngã rẽ khác nhau, từ TC, CĐ nhưng vẫn chung một đích đến là… thành Rome. Đó là các em có thể đi đường vòng, lựa chọn những nhóm ngành rất gần với y, với dược như sinh học, hóa, công nghệ sinh học. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể học tiếp lên cao những chương trình cử nhân về y, dược tại các trường chuyên sâu”, TS. Lê Thị Thanh Mai gợi ý.

TS. Mai cũng cho biết, nếu có điều kiện, các em có thể lựa chọn những trường ngoài công lập đào tạo nhóm ngành nghề này với mức học phí cao.

ThS. Phạm Doãn Nguyên trao đổi thông tin về ngành nghề với các em học sinh
“Chương trình tư vấn thật sự rất hữu ích, mang đến cho không chỉ học sinh mà cả phụ huynh những kiến thức, lời khuyên thiết thực về lựa chọn nghề nghiệp. Đặc biệt, giúp phụ huynh có thể đồng hành cùng con trước ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời”, một phụ huynh học sinh chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, ThS. Vũ Quang Huy (Phó ban Tuyển sinh HUTECH) cho rằng, do đặc thù kiến thức và thời gian đào tạo lâu hơn so với các ngành nghề khác (5-7 năm) nên nếu lựa chọn y, dược, đòi hỏi các em phải chịu khó, kiên trì và nhẫn nại. “Hãy căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, lực học bản thân, nếu có điều kiện các em hãy đến trực tiếp các trường để tham quan và tìm hiểu để đưa ra một hướng lựa chọn cho phù hợp”, ThS. Huy nhấn mạnh.

Chọn nghề “3 căn cứ”

“Hãy căn cứ vào năng lực, sở thích đam mê và nhu cầu thị trường lao động trong trương lai 3-4 năm tới để lựa chọn một ngành nghề phù hợp”, đó là lời khuyên của ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông UEF). ThS. Nguyên bổ sung thêm: “Bên cạnh những phương pháp trắc nghiệm thì các em có thể tham chiếu bản thân qua cha mẹ, thầy cô, người thân, bạn bè và trải nghiệm thực tế để có cái nhìn đúng đắn, so lại với bản thân, lựa chọn một nghề nghiệp tốt và phù hợp nhất”.

Đưa ra một ví dụ rất điển hình đến với các em học sinh rằng, kinh doanh quán ốc liệu có phải học ĐH không cùng với câu hỏi “chọn nghề hay để nghề chọn”, chuyên gia tư vấn tâm lý - ThS. Đào Lê Hòa An cho biết nhất thiết phải là cả hai lựa chọn nhau. “Để làm được điều đó, các em phải hiểu được mình và hiểu về nghề. Chỉ có vậy, cuộc đời sẽ chỉ như một cuộc rong chơi kiếm sống”, ThS. An nói.

Đặc biệt, theo ThS. An, nếu tạo ra được sự khác biệt và tố chất của bản thân thì với bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào, các em cũng dễ thành công. Đơn cử như làm hướng dẫn viên du lịch, mình chọn ngoại ngữ là tiếng Lào, tiếng Campuchia. Sự khác biệt này không phải là mình yếu thế mà là một lựa chọn, một hướng đi làm nên bản lĩnh nghề nghiệp.

Yến Quân