Thứ sáu, 23/10/2015, 10h43

Duy trì hứng thú học tiếng Anh cho trẻ

Để trẻ có hứng thú học tiếng Anh, nhà trường và gia đình phải tạo ra môi trường học mà vui.  Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3) học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ

Phương pháp học không đúng, môi trường học không thuận tiện... là những nguyên nhân khiến trẻ mất đi hứng thú trong việc học tiếng Anh dẫn đến kết quả học tập không cao.

Học nhiều chưa chắc đã giỏi

Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay đó là việc phụ huynh thuê gia sư về nhà dạy cho con với mong muốn con sẽ học tốt hơn. Như trường hợp gia đình chị Đặng Loan ở quận 3 (TP.HCM) không ngần ngại bỏ tiền thuê gia sư tiếng Anh về dạy cho con trai năm nay học lớp 3. Qua trao đổi, chúng tôi được biết gia sư là một nữ sinh viên học năm thứ 2 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Cứ đúng 6 giờ chiều thứ hai, tư, sáu hàng tuần, sau khi hoàn thành việc học chính khóa ở trường cũng như ăn uống xong, con chị Loan ngồi vào bàn học. Nội dung xoay quanh từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu và thỉnh thoảng có giao tiếp. Tuy nhiên, kết quả thể hiện sau 3 tháng học của con không được tốt như mong muốn của chị Loan.

“Không biết gia sư dạy như thế nào mà lên trường, cô giáo dạy tiếng Anh vẫn nhắc khéo cháu tiếp thu chậm, năng lực còn khá yếu, kỹ năng phát âm chưa chuẩn. Hỏi gia sư, cô chia sẻ là cháu thụ động, thiếu tập trung, hay buồn ngủ. Ngược lại, hỏi con thì cháu nói cô giáo giảng không sinh động, chỉ tập trung học đọc và ngữ pháp, những kiến thức này đã được học ở trường, không có gì mới mẻ khiến cho cháu buồn ngủ”, chị Loan tâm sự.

Ngoài việc thuê gia sư còn phải kể đến không ít ông bố, bà mẹ có chút vốn liếng tiếng Anh đã tự xung phong làm-giáo-viên kèm cặp cho con tại nhà. Điều này cũng rất tốt bởi phụ huynh đã quan tâm đến con cái, qua đó nắm bắt năng lực học của con mình để có những biện pháp giúp đỡ kịp thời. Tuy nhiên, do không có kỹ năng sư phạm khiến phụ huynh đưa ra các cách dạy không phù hợp với lứa tuổi, cụ thể là áp đặt cách học, năng lực học của người lớn lên trẻ nhỏ. Trường hợp chị Nguyễn Thị Oanh ở quận Gò Vấp là một ví dụ. Chị yêu cầu con trai đang học lớp 4 mỗi tối phải học thuộc 5 từ mới và làm một số bài tập. Để hoàn thành chỉ tiêu mẹ giao, con trai chị phải tập làm bài 1-2 giờ mới xong. Lắm hôm cháu mếu máo tỏ ra mệt mỏi không muốn học vì yêu cầu quá cao nhưng vẫn phải cố hoàn thành chỉ tiêu vì… sợ mẹ la.

“Không có gì là khó khi phải hoàn thành 5 từ mới tiếng Anh và làm một số bài tập nâng cao. Chẳng qua do cái tính ham chơi nên lắm hôm cháu cứ bày trò để không học. Nếu không rèn thì thành thói quen, sinh lười. Chỉ cần dọa hôm nay mà không hoàn thành, ngày mai mẹ sẽ tăng thêm từ vựng và bài tập là y như rằng cháu tập trung vào học”, chị Oanh chia sẻ.

Cần tạo ra và duy trì sự hứng thú cho trẻ

Có thể thấy, chỉ vì muốn con cái học giỏi, đạt được những thành tích tốt, một số phụ huynh đã cố gắng nâng cao năng lực cho con bằng nhiều cách khác nhau mà không đặt câu hỏi: “Liệu những cách học ấy có thực sự phù hợp, có khơi dậy tinh thần học tập, giúp trẻ học tốt hơn không?

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên giảng dạy tiếng Anh bậc tiểu học, yếu tố quan trọng đầu tiên giúp cho việc học có hiệu quả là người học phải yêu thích môn học. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, khả năng tập trung, nghiêm túc trên bàn học chưa cao như người lớn nên các em rất cần đến môi trường học tập thoải mái, sinh động, mới mẻ; không có sự nhồi nhét, gò bó và thời gian học không quá dài. Ở môi trường học chính quy, đưa ra những phương pháp giảng dạy sinh động thông qua tranh, phim ảnh… để giúp học sinh thích thú, học tập hiệu quả là yếu tố mà nhiều giáo viên cần chú trọng.

ThS. Nguyễn Thị Thiên Khoa, Phó Giám đốc Học vụ YOLA, nhận định: Khi có hứng thú với việc học ngoại ngữ nói riêng, tiếng Anh nói chung thì lợi ích đem lại rất nhiều. Về mặt thần kinh học, não bộ của trẻ sẽ hoạt động nhiều hơn khi giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác. Về mặt xã hội học, trẻ sẽ được biết đến các nền văn hoá, có thể hiểu nhiều cách suy nghĩ hoặc lối sống của nước bạn. Một khi trẻ đã có hứng thú thì sẽ hình thành nên tinh thần tự học rất cao. Đây được xem là lợi ích to lớn, lâu dài nhất vì lúc này, trẻ sẽ tự học ở nhà mà không cần sự tác động bên ngoài. Trẻ từ 5 đến 9 tuổi có sự ham học lớn nhất, nếu so sánh với lứa tuổi lớn hơn. Tuy nhiên, sự tăng hay giảm hứng thú học tiếng Anh là do phần lớn các tác nhân bên ngoài. Cụ thể, trẻ sẽ thích học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng khi môi trường học tập thân thiện, bố mẹ quan tâm, thầy cô thương yêu và phương pháp học phù hợp.

“Để duy trì hứng thú học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, về phía gia đình, phụ huynh có thể tham gia vào việc học với con cái, tạo truyền thống học tập mỗi ngày. Ví dụ, phụ huynh đọc truyện cho con trước khi ngủ, tạo một góc học tập nhỏ thân thiện, thoải mái tại nhà với các quyển sách, trò chơi bằng tiếng Anh và cùng con khám phá qua các trò chơi mang tính giáo dục như xếp chữ. Khuyến khích con nên xem các phim thiếu nhi, hoạt hình, khoa học nước ngoài mang tính giáo dục để nâng cao kỹ năng nghe, từ đó học các kỹ năng khác được dễ dàng hơn. Sử dụng các hoàn cảnh mỗi ngày để dạy cho con hoặc quan tâm đến việc học của con trên trường lớp. Và cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất là duy trì thái độ học mà vui cho cả phụ huynh và con trẻ”, ThS. Thiên Khoa khuyên.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên giảng dạy tiếng Anh bậc tiểu học, yếu tố quan trọng đầu tiên giúp cho việc học có hiệu quả là người học phải yêu thích môn học.