Chủ nhật, 18/10/2015, 11h53

Duyên nợ của chú Tám Dân

Vợ chồng chú Tám Dân (Nguyễn Văn Hanh) 

Mỗi buổi chiều, người dân đi ngang hẻm 618 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thường thấy có đôi vợ chồng già thanh thản ngồi đọc sách trước sân ngôi nhà rất hạnh phúc. Đó là vợ chồng chú Tám Dân (Nguyễn Văn Hanh) - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM.

Duyên nợ

Gấp cuốn sách đang cầm trên tay lại, chú Tám tâm sự: “Hồi trẻ tôi đã mê đọc sách nhưng thời gian đi hoạt động không cho phép, mãi đến khi về hưu cũng không có thời gian rảnh rỗi vì còn tham gia hoạt động xã hội. Cho đến tháng 7 năm nay, khi được nghỉ làm ở Hội Khuyến học tôi mới có cơ hội đọc được lại nhiều cuốn sách”. Sách mà ông đang cầm trên tay là cuốn Đại thắng mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng, bên cạnh là những cuốn dày cộm khác như Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lịch sử Nam bộ kháng chiến… Điều đặc biệt hơn đó cũng là thư mục trên giá sách mà vợ chú Tám - bà Lê Thị Giàu (nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) thường ngày vẫn “tra cứu” để tìm đọc. Mặc dù không hỏi ông bà nhưng tôi biết rõ lý do mà cả hai đều thích loại sách này vì họ là những “người trong cuộc” từng chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử cách mạng Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Tuy không cùng một quê hương nhưng ông bà có điểm chung là sinh ra trong một gia đình truyền thống yêu nước, sớm tham gia hoạt động kháng chiến và cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cách mạng. Từ một nữ sinh tham gia tích cực trong phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định, bà bị bắt và đày ra Côn Đảo. Cũng như các nữ tù chính trị khác, tuổi xuân thời con gái cứ lặng lẽ qua đi trong bốn bức tường trại giam nên sau ngày miền Nam giải phóng, hạnh phúc riêng tư vẫn chưa đến với bà. Cùng tham gia công tác tuyên huấn nên bà đã gặp ông trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Không ít người thật sự lo lắng giùm về mối tình của ông bà vì lúc này, chú Tám đã là người đàn ông ngũ tuần, góa vợ, có ba đứa con riêng. Thế nhưng, bằng tình yêu thương chân thành lẫn sự cảm phục, họ đã đến với nhau…

Hạnh phúc ở bên nhau

Mấy năm trời phải chịu cảnh “gà trống nuôi con” bằng đồng lương ít ỏi nhưng chú Tám coi đây là bước thử thách về trách nhiệm lớn lao của một người cha để bù đắp những mất mát về tinh thần cho con cái. Khi có thêm một người mẹ, các con ông lại có thêm một chỗ dựa vững chắc, bà Giàu cũng thương yêu lo lắng các con ông như chính con ruột của mình.

Chú Tám thương các con không phải vì thiếu ăn, thiếu mặc mà còn vì thiếu học hành bởi trong những năm bom đạn, phải theo gia đình chạy tản cư hết nơi này đến nơi khác. Thế nhưng sau này, khi hòa bình thống nhất ngoài việc đi làm thêm các con ông đều cố gắng học bù bằng mọi con đường để kịp với bạn bè. Tốt nghiệp Trường ĐH An ninh, con trai lớn của ông nay đã là Phó trưởng Công an Q.2, người con trai  kế là kiến trúc sư, cô em gái út sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ cũng trở thành phiên dịch viên giỏi.

Từng là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Thành ủy TP.HCM, năm 1999 mặc dù đã nghỉ hưu nhưng chú Tám còn gánh thêm chức Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM. Niềm vui lớn nhất của ông là nhìn thấy các cháu có hoàn cảnh nghèo khó vẫn được đến trường, nhiều phong trào gia đình hiếu học phát triển ở các quận huyện. Với ông, một gia đình hạnh phúc là vợ chồng hòa thuận  lúc nào cũng phải quan tâm tới thế hệ sau để con cháu học giỏi trưởng thành.

Bài, ảnh: Hương Thủy