Thứ tư, 15/9/2010, 10h09

“Em sẽ đi gia sư kiếm tiền trang trải việc học”

Nhập học vào khoa Tài chính Quốc tế của ĐH Ngoại thương cơ sở 2, thủ khoa Lê Hồng Nam chính thức chấm dứt những buổi tối cùng mẹ bán trứng vịt lộn. Cậu học trò nghèo đã lên ngay kế hoạch đi gia sư kiếm tiền trang trải cho việc học.

Nam“12 trứng” 
Từ năm lớp 10, khi chưa ra phụ mẹ bán trứng vịt lộn nơi ngã tư Trường Chinh - Nguyễn Văn Cừ (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) bạn bè đã gọi Lê Hồng Nam là Nam “12 trứng”. Bắt đầu từ năm lớp 11, không cầm lòng khi thấy bệnh thái hóa cột sống của mẹ ngày càng nặng, đi lại đau đớn, Nam quyết tâm ra giúp mẹ bán hàng.
Thủ khoa Lê Hồng Nam (ngoài cùng bên trái) nhận giấy khen của Trường ĐH Ngoại thương trong lễ khai giảng.
Bố Nam là thương binh, trước còn gắng đi phụ hồ kiếm tiền nuôi con nhưng mấy năm trở lại đây, sức đã xuống, lúc trở trời cũng bị những cơn đau hành hạ. Cuộc sống gia đình dựa hết vào gánh trứng của mẹ.
Hơn năm liền, thậm chí cả đến sát hôm thi ĐH, hàng tối từ 9 giờ đến 10 giờ rưỡi, Nam lại xếp sách vở ra bán trứng cùng mẹ. Đêm về, sau khi thu dọn “hành trang buôn bán”, Nam mới ngồi vào bạn học. Không ít đêm bán trứng về đến nhà là mệt phờ, Nam lăn ra ngủ.
Bố mẹ lo lắng việc học của Nam bị ảnh hưởng nhưng riêng Nam lại lạc quan xem đó không chỉ là công việc kiếm tiền mà như là một cách… giải trí.
Hoàn cảnh gia đình như vậy, với Nam mua tài liệu để học là quá xa xỉ, với cậu chỉ là mượn và mượn. Nam “có tiếng” ở Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) là cậu học trò bán trứng chăm ngoan, học giỏi và chăm… mượn tài liệu thầy cô, bạn bè.
Nam mê học Toán bởi đó là môn học theo Nam đòi hỏi nhiều tư duy sáng tạo và cũng là môn học tạo nền tảng cho các môn học khác. Nam từng đoạt Huy chương vàng môn Toán Olympic truyền thống 30/4. Khi nghe tin mình giành ngôi thủ khoa khối A Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, Nam vẫn ngờ ngợ: “Em nghĩ thủ khoa phải 30 điểm mà em chỉ được 29 thôi”.
Khó khăn chỉ là tạm thời
Vào thành phố nhập học với nhiều bỡ ngỡ, “choáng” với những khoản tiền chi tiêu, bố mẹ đi vay vốn ngân hàng cho Nam ăn học nhưng chưa bao giờ những điều đó trở thành bước cản trên con đường học hành của Nam. Cậu luôn là người chủ động đối đầu với khó khăn và tin rằng ráng hết sức thì sẽ vượt qua. Nam quan niệm: “Khó khăn chỉ là tạm thời và là bàn đạp để vươn tới những điều mình mong muốn”.
Nam chia sẻ: “Bố mẹ em nghèo nhưng luôn động viên nhau phải cho con ăn học đến nơi đến chốn. Em tính sau khi nhập học, em sẽ đi gia sư kiếm tiền trang trải thêm cho việc học. Mình không có điều kiện để học thêm này nọ như nhiều người nhưng con đường ĐH thì chắc chắn phải vượt qua được”.
Ngoài việc đi làm thêm, Nam cũng có nhiều kế hoạch dài hơi khi vào đại học như đầu tư học Anh văn. Nam cười hồn nhiên: “Nhiều người hỏi về ưu khuyết điểm của em, em không trả lời được. Giảng đường có lẽ chính là môi trường để em khám phá nhiều điều về bản thân mà trước giờ mình không biết”.
Nam mong muốn trở thành một doanh nhân để có thể trở về xây dựng, làm giàu cho quê hương Phú Yên.
Lạc quan với con đường phía trước như vậy, Nam lặng đi khi nhắc lại chuyện hôm mẹ khăn gói đưa mình vào TPHCM nhập học, lúc mẹ lên xe về, mắt Nam cay xè. “Em sợ nhất là trời mưa. Trời mưa không chỉ bệnh đau lưng của mẹ tái phát đau lắm mà trứng còn bị ế hàng, mẹ em thì hay gắng gượng. Từ hôm nay, mẹ bán trứng một mình…”, điều đó là lo lắng lớn nhất trong lòng thủ khoa Lê Hồng Nam.
Bài và ảnh: Hoài Nam / Dan tri