Thứ hai, 13/4/2009, 15h04

Ngôi trường mới của học sinh dân tộc Đơn Dương

Hiệu trưởng Kiều Đình Ngữ

Được thành lập theo Quyết định số 2568 ngày 20-9-2006 của UBND Tỉnh Lâm Đồng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) trở thành “chiếc nôi” trong chiến lược đào tạo con em đồng bào các dân tộc thiểu số của địa phương này…
Năm học 2008 - 2009 là năm học đầu tiên của Trường Phổ thông DTNT Đơn Dương, dù cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của nhà trường còn thiếu thốn (đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng), nhưng bắt gặp những nụ cười rạng ngời niềm vui của các thầy cô giáo và các em HS - những “công dân đầu tiên” của ngôi trường này tôi hiểu ý nghĩa của sự thành lập, đi vào hoạt động của Trường Phổ thông DTNT rất phù hợp với tâm nguyện của người dân Đơn Dương.
Ông Kiều Đình Ngữ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong năm học tới (2009 - 2010), Trường Phổ thông DTNT Đơn Dương sẽ xét tuyển thêm 2 lớp 6 với 60 HS, nâng tổng số HS toàn trường lên 120 em. Cách xét tuyển sẽ tiến hành chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường. Nhà trường đang đề nghị lãnh đạo địa phương tiếp tục hỗ trợ để đầu tư xây dựng thêm phòng học mới, các phòng chức năng, trang bị và mở rộng các loại hình vui chơi giải trí cho HS và tuyển dụng GV, CNV.
Toàn bộ khuôn viên của trường tọa lạc trên một khu đất có diện tích 26.936m2, trước đây thuộc HTX Thạnh Mỹ (thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương) quản lý. Kinh phí đầu tư (giai đoạn I là 9,6 tỷ đồng) do UBND tỉnh cấp từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện tại trường có 1 dãy phòng chung 2 tầng (gồm 2 phòng học, 1 phòng học vi tính (30 máy) và phòng họp, phòng làm việc của giáo viên); 1 dãy KTX dành cho HS khối lớp 6 và khu nhà ăn, sân vận động rất rộng (vừa được san mặt bằng).
Trong năm học đầu tiên này, Trường Phổ thông DTNT Đơn Dương có 60 HS là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên (Chu Ru, Cil, K’ho) trong huyện theo học tại 2 lớp 6; 11 cán bộ, GV và CNV (trong đó 5 GV, tổng phụ trách Đội và các nhân viên bảo vệ, văn thư, y tế, cấp dưỡng…). Trường chưa có BGH, mọi hoạt động của trường thầy hiệu trưởng chỉ đạo, điều hành; chưa có chi đoàn TN, chi bộ Đảng.

Lớp học đầu tiên của ngôi trường này

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT: trường DTNT là trường chuyên của con em đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đào tạo cán bộ là người dân tộc để phục vụ cho địa phương, nên “đầu vào” của HS được xét rất chặt chẽ, những HS có lực học từ loại khá (ở cấp tiểu học) trở lên mới đủ tiêu chuẩn xét vào trường. (Bên cạnh đó, HS cần phải đảm bảo về sức khỏe, không mắc các bệnh tiền sử…). Tất cả HS đều học tập, sinh hoạt nội trú, được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước. Đa số HS dân tộc thiểu số thường thụ động, nhút nhát và tiếp thu chậm, nhưng “bù lại” các em rất ngoan hiền, ham thích hoạt động Đoàn - Đội. Do đó, sự gần gũi, động viên của GV và hoạt động của tổ chức Đoàn - Đội trong nhà trường là phương pháp giáo dục tích cực, giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp và chủ động trong học tập, phát huy phẩm chất, những năng khiếu bẩm sinh của HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS.
Dù vẫn còn những khó khăn ban đầu của một ngôi trường mới được thành lập và đi vào hoạt động, nhưng chất lượng HK I, năm học 2008 - 2009 vừa qua của Trường Phổ thông DTNT Đơn Dương rất khả quan. Tỷ lệ HS đạt hạnh kiểm loại tốt cao, học lực đạt loại giỏi và khá chiếm 52%, còn 15% HS học lực yếu.
Việc thành lập và hoạt động của Trường Phổ thông DTNT huyện Đơn Dương là sự quan tâm rất thiết thực của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần xã hội hóa công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho HS là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong chiến lược đầu tư cho nguồn lực và nhân tố con người.
Thanh Dương Hồng