Thứ tư, 14/4/2010, 09h04

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng bàng: Chúng tôi đào tạo đáp ứng nhu cầu và sự kỳ vọng của xã hội

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã tích cực hưởng ứng và đề ra một chương trình hành động riêng. Tiên phong của chương trình hành động này là một loạt các hoạt động sôi nổi xung quanh việc triển khai rộng rãi lễ Bảo vệ Đồ án tốt nghiệp của SV khóa IX (2005-2010) như một sự công khai sản phẩm đào tạo của Nhà trường với xã hội... Xung quanh các hoạt động này, báo Giáo dục TP.HCM đã có bài phỏng vấn TS Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh) - Hiệu trưởng Nhà trường, về quyết tâm của trường trong thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục…
* Được biết, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã trải qua chặng đường 13 năm xây dựng và phát triển, thầy có thể chia sẻ cảm xúc của một “thuyền trưởng” khi “lèo lái” con tàu ĐH Hồng Bàng đến bến bờ thành công như hiện nay?
- TS Nguyễn Mạnh Hùng: Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng được thành lập theo quyết định số 11/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ là góp phần đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM nói riêng, khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thế nhưng, trải qua 13 năm xây dựng và phát triển Trường ĐHQT Hồng Bàng không chỉ đáp ứng được trách nhiệm mà Thủ tướng Chính phủ giao phó mà qua đó còn đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của các cấp, ban ngành. Đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của quý PH, HS khắp mọi miền đất nước. Có thể nói, hiện nay “Từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau” đều có HS theo học tại ĐHQT Hồng Bàng; chúng tôi không nói điều này để khoe khoang mà thực chất chỉ để khẳng định với xã hội rằng “Chúng tôi biết chúng tôi đang đào tạo gì, và sẽ cố gắng đào tạo như thế nào để đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội”.
* Đứng trước thách thức là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, theo ông, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đang đứng ở đâu trong lộ trình đổi mới này?
- TS Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ không thể có chất lượng GDĐH tốt nếu mọi nguồn lực đều hạn hẹp, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Do đó để nâng cao chất lượng GDĐH, Trường ĐHQT Hồng Bàng trước tiên phải đề ra các giải pháp nhằm cân bằng giữa số lượng và chất lượng của quá trình đào tạo. Ngoài việc đầu tư cho hệ thống CSVC đáp ứng tiêu chuẩn, chúng tôi cũng khuyến khích đội ngũ GV tích cực học hỏi thêm để nâng cao chất lượng giảng dạy. Song song đó, công tác liên kết với các doanh nghiệp cũng được Nhà trường chú trọng, khi mà doanh nghiệp chính là nơi tiếp nhận sản phẩm của trường học. Nếu nhà trường không tạo được mối liên kết thì không thể nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp để từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi không quan tâm đến việc đứng đâu trong lộ trình đổi mới mà chúng tôi chỉ quan tâm làm sao để áp dụng quy trình đổi mới này theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ GD&ĐT để đạt hiệu quả cao nhất.
* Việc tổ chức lễ Bảo vệ Đồ án tốt nghiệp khóa IX có phải là “phát pháo” đầu tiên cho việc công khai chất lượng đào tạo?
- TS Nguyễn Mạnh Hùng: Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi lễ tốt nghiệp và triển lãm các tác phẩm của SV, nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, động viên các em học tập thật tốt. Thực tế năm nay, trường có gần 600 SV đăng ký tham gia bảo vệ Đồ án tốt nghiệp khóa IX, trong đó có nhiều đồ án được các thầy cô, đặc biệt là các chuyên gia đánh giá rất cao.
* Được biết, sau khi bảo vệ thành công, các đồ án tốt nghiệp của SV sẽ được mang đi triển lãm, thầy có thể chia sẻ thêm về sự kiện này?
- TS Nguyễn Mạnh Hùng: Đúng thế, các tác phẩm được chọn mang đi triển lãm (từ ngày 15 đến 18/04/2010) là những bài tốt nghiệp xuất sắc và thiết thực nhất của SV khóa IX khoa Mỹ thuật Công nghiệp. Chủ đề cuộc triển lãm Mỹ thuật Công nghiệp với 5 ngành đang được xã hội quan tâm đến: Thiết kế đồ họa, Trang trí nội thất, Thiết kế tạo dáng; Thiết kế thời trang và ngành hoạt hình manga Nhật Bản - Cartoon Mỹ. Đề tài đều do các SV tự chọn, giảng viên chỉ hướng dẫn gợi ý, theo dõi quá trình. Với những kiến thức học hỏi được ở nhà trường, cộng với tư duy sáng tạo các em tự quyết định số phận tác phẩm chính mình tạo ra. Đặc biệt, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp cho thấy chương trình giảng dạy của trường ĐH Hồng Bàng đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong thời hội nhập, đào tạo có hiệu quả với những tác phẩm mỹ thuật công nghiệp thiết thực.
* Xin cảm ơn thầy!
Cửu Long (thực hiện)