Thứ sáu, 18/12/2009, 09h12

Thực hư thuốc quý Trinh nữ Hoàng cung

Trăm hoa đua nở
Những năm gần đây, Trinh nữ hoàng cung - cây thuốc quý từ kinh nghiệm dân gian được khoa học chứng minh đầy đủ về mặt hóa học, dược lý và lâm sàng. Từ những công trình nghiên cứu khoa học đã tạo ra được những sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao với bệnh u xơ tuyến tiền liệt và u xơ tử cung. Ăn theo đó, Trinh nữ hoàng cung được dịp “trăm hoa đua nở”.
Hoa mắt bởi… trinh nữ hoàng cung
Chạy một vòng các nhà thuốc để tìm mua thuốc sản xuất từ cây trinh nữ hoàng cung, tôi “hoa mắt, chóng mặt” vì có cơ man sản phẩm từ trinh nữ hoàng cung được bán trên thị trường. Liệt kê sơ sơ cũng có cả chục loại, bao bì thiết kế bắt mắt, dược tính, công dụng, hướng dẫn sử dụng đầy đủ. Hầu như tất cả đều là thực phẩm chức năng, được chiết xuất thành viên nang và bày bán trong… nhà thuốc tây, nếu không đọc kỹ thì người tiêu dùng rất dễ nhầm tưởng là thuốc trị bệnh.
Nhiều bạn đọc cùng tâm trạng băn khoăn không biết chọn loại nào. Bệnh nhân Vũ Viết Điện ở số nhà 23, ngách 354/137 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội (Điện thoại: 04.38528047) quá bức xúc đã viết thư hỏi trực tiếp Bộ Trưởng Bộ Y tế: “Sản phẩm Trinh nữ hoàng cung của công ty nào được công nhận là thuốc chữa bệnh đáng tin cậy và có hiệu quả…?” Nhìn sản phẩm, thấy loại nào cũng hay, cũng quảng cáo là tốt. Khi đưa ra thị trường, được cấp phép hẳn hoi, nhưng quảng cáo thì thật là trên trời dưới đất!
Quảng cáo thích gì ghi nấy!
Theo Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Nhưng nhiều sản phẩm đã quảng cáo trái quy định. Ví dụ có sản phẩm ghi rõ ràng trên hộp: Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, mà không đề là thực phẩm chức năng theo quy định.
Mục a phần 3 của thông tư số 08/2004/TT-BYT quy định: Nội dung hướng dẫn sử dụng cho những sản phẩm có mục đích sử dụng đặc biệt cần phải ghi: tên của nhóm sản phẩm (thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, thực phẩm ăn kiêng, thực phẩm dinh dưỡng y học).
Nhưng trên vỏ hộp của các sản phẩm TPCN được sản xuất từ cây TNHC không ghi đầy đủ thông tin để người tiêu dùng phân biệt sản phẩm đó là thuốc hay TPCN như sản phẩm Viên nang cứng C… nhìn vào người bệnh rất dễ nhầm đây là thuốc chữa bệnh vì trên vỏ hộp ghi công dụng và liều dùng như thuốc chữa bệnh và cũng có một số sản phẩm khác không ghi thời hạn sử dụng.
Thậm chí có sản phẩm Trinh nữ hoàng cung còn “lỡ quên” Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 của Bộ Y tế là phải ghi dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Thay vào đó là câu khẳng định trong toa hướng dẫn sử dụng: “Đây là thực phẩm chức năng không có tác dụng phụ”. Trên vỏ hộp cũng như toa hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất cũng quên ghi thời gian sử dụng là bao lâu. Chống chỉ định như thế nào? Ví dụ phụ nữ có thai thì có dùng được không? (theo mục a phần 3 của thông tư trên).
Thực phẩm chức năng dạng bào chế muôn hình vạn trạng như thế khiến người dùng lo lắng và nảy ra ý định sử dụng dược liệu cho chắc ăn, nhưng thuốc đã ba bảy đường, cây tươi lại năm bảy loại…
Không phải cây náng nào cũng là trinh nữ hoàng cung dùng làm thuốc!
Hoa mắt khi mua thực phẩm chức năng sản xuất từ cây Trinh nữ hoàng cung (TNHC), chúng tôi còn chóng mặt hơn khi ghé thăm một số cửa hàng bán lá cây TNHC phơi khô.
Loại nào cũng có
Khu bán nhiều nhất phải kể đến phố thuốc bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông - Quận 5 - TP.HCM. Trong vai một bệnh nhân đi mua lá TNHC về uống chữa bệnh u xơ tử cung, tôi được một chị chủ cửa hàng đon đả mời chào với một bọc lá khô trên tay to đùng: Đây là 500g, giá bán là 45.000 đồng, em yên tâm ở đây khách mua nhiều lắm, mỗi ngày chị bán cả mấy chục cân ấy chứ. Thấy tôi chần chừ, chị chủ bồi thêm: đây là loại 1, nếu em muốn lấy loại 2 thì giá rẻ hơn, 25.000 đồng 1/2 kg. Tôi thắc mắc sao thuốc mà cũng có loại 1, loại 2, thì chị nói loại 2 nguyên liệu không chất lượng, có thể pha tạp hoặc lá không đẹp.
Sang một cửa hàng khác, tôi cũng được mời chào với giá tương tự, thấy cũng có một số người hỏi mua. Điều đặc biệt tôi thấy là hầu như những bọc lá khô này không ghi xuất xứ nơi sản xuất, không chỉ định liều dùng. Chỉ là một bọc lá khô, ai dám chắc đó là lá TNHC.
Đến một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, Quận 1, tôi được chị chủ cửa hàng hướng dẫn dù chưa biết tôi mua TNHC để chữa bệnh gì: em uống trong vòng 7 ngày, rồi 7 ngày dừng. Khi sắc thì cho một nhúm lá vào nước sắc khoảng 15 phút là dùng được và uống thay nước.
Uống cái này phải lâu dài mới được, vì vậy nếu gần thì có thể mua 1 kg, còn ở xa thì nên lấy khoảng 4 - 5 kg. Lá TNHC bán tại đây cũng không có nguồn gốc xuất xứ, trên bọc thuốc chỉ có một tờ giấy ghi công dụng. Đặc biệt tờ giấy này ghi TNHC có thể trị được bách bệnh. Chủ trị: hành huyết, tán ứ, tiêu thũng, tiêu viêm, tiêu độc, u xơ tử cung, buồng trứng, u vú, khí hư bạch đới, u xơ tiền liệt tuyến, bướu cổ, viêm họng hạt, ung bướu nội tạng, ngoài ra cả ung thư được phát hiện sớm.
Dùng lá tươi chắc hơn?
Từ những năm 1989 -1990 người dân đồn nhau tìm lá cây Trinh nữ hoàng cung tươi để chữa những trường hợp u xơ, ung thư tử cung đối với phụ nữ, u xơ và ung thư tiền liệt tuyến đối với nam giới. Và hiện nay, nhiều người cũng đang chữa bệnh theo kiểu truyền miệng.
Việc sử dụng cây lá thì “vô định lượng”. Có bạn trẻ hỏi: Mẹ em năm nay 43 tuổi, bị u xơ tử cung và đã phẫu thuật bóc nhân xơ cách đây 3 năm, nhưng hôm nay lại bị lại lần nữa. Em có nghe mọi người nói uống nước lá trinh nữ hoàng cung nấu chín hàng ngày sẽ giúp làm khối u bị teo nhỏ lại, có khi hết luôn em lăn tăn quá!. Một bạn khác thì: Mình cũng mới phát hiện bị u xơ vú, chưa dám mổ nên đi cắt thuốc uống: Tam thất củ - xay nhỏ mịn, uống sống với nước lọc. Trinh nữ hoàng cung khô (nếu có điều kiện tốt nhất là cây tươi) sắc uống hàng ngày thay nước. Mới uống được 2 ngày nên chưa biết thế nào, nhưng thấy buồn ngủ nhiều hơn.
Do tác dụng trị bệnh của cây TNHC đối với bệnh u xơ tuyến tiền liệt (Phì đại lành tính tuyến tiền liệt) và u xơ tử cung nhiều người đã tự trồng TNHC trong chậu cảnh, vừa dùng làm cảnh và làm thuốc.
“Nhân dân thường truyền kinh nghiệm cho nhau lấy lá tươi của cây TNHC đun uống thay nước để phòng ngừa bệnh ung bướu, việc làm này rất nguy hiểm vì những cây giống này chưa được xác định có đúng là cây TNHC hay không, hơn nữa các cây TNHC trồng trong chậu cảnh không có hàm lượng hoạt chất chữa trị bệnh ung bướu” - Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược cho biết: Trồng TNHC không dễ, bởi không giống như các loại “rau sạch” hay cây ăn quả khác, việc sản xuất TNHC bắt buộc phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt từ sản xuất cho đến thu hoạch, chế biến không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học. Chỉ cần trái vụ hoặc không đúng quy trình là không còn nguồn dược liệu sạch, các hoạt chất sinh học cần thiết để trị bệnh sẽ biến mất.
Các nhà sinh học cho biết, cây trinh nữ hoàng cung chỉ có thể nhân giống tự nhiên, còn nhân giống bằng phương pháp cấy mô sẽ cho ra một thứ cây với thành phần hoạt chất sinh học khác hẳn. Do đó, trang trại trồng cây TNHC luôn đòi hỏi sự thuần chủng, tuyệt đối không được lai tạo vì khi đó những cây này không có tác dung điều trị bệnh giống cây TNHC.
Sử dụng sản phẩm nào?
Cây Trinh nữ hoàng cung (TNHC) đã trở thành cây thuốc quý của Việt Nam, sản phẩm được nhiều người quan tâm, sử dụng và đạt được những hiệu quả nhất định. Điều băn khoăn của người bệnh vẫn là sử dụng sản phẩm nào thì có độ tin cậy, có giá phù hợp...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm cho biết: “Trong suốt 20 năm qua, tôi và các cộng sự trong và ngoài nước đã nghiên cứu về cây TNHC (Crinum latifolium L.), Mãi cho tới năm 2005, sản phẩm viên nang Crila được bào chế từ alcaloid có hoạt tính sinh học ức chế sự phát triển của tế bào u, được chiết xuất từ lá cây TNHC mới được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho phép lưu hành trên toàn quốc theo số đăng ký V1167-H12-10 (dựa trên đánh giá của Hội đồng khoa học công nghệ - Bộ Y tế về hiệu quả điều trị của viên nang Crila đối với bệnh u phì đại lành tính tuyến tiền liệt đạt 89,18% và u xơ tử cung đạt 79.5%.
Từ khi ra đời cho đến nay, viên nang Crila đã được người bệnh tin dùng vì hiệu quả điều trị cao và hầu như không có tác dụng phụ, đã tạo được lòng tin của công chúng đối với sản phẩm TNHC. Cũng vì vậy, một số cơ sở đã sản xuất ra thực phẩm chức năng để phòng ngừa bệnh khối u, nhưng người tiêu dùng và người bệnh lại hiểu lầm thực phẩm chức năng là thuốc và họ đã mua về để điều trị bệnh. Kết quả không được như ý muốn, bệnh tình không khỏi và cảm thấy hoang mang không biết sản phẩm nào là thuốc, vì thấy trên thị trường rất nhiều sản phẩm được ghi là TNHC. Trong số đó có ông Vũ Viết Điện (số điện thoại: 043.8528047) đã viết thư lên Bộ Y tế để được giải đáp thắc mắc và muốn biết rõ sản phẩm nào là thuốc được sản xuất từ TNHC. Trong thư ông viết: “Sản phẩm TNHC của công ty nào được công nhận là thuốc chữa bệnh đáng tin cậy và có hiệu quả?”. Để đáp ứng nguyện vọng của người bệnh, ngày 20 tháng 7 năm 2009, ông Trương Quốc Cường, cục trưởng Cục Quản lý Dược đã trả lời: “Trên thị trường chỉ có hai sản phẩm được Bộ Y tế công nhận là thuốc điều trị bệnh sản xuất từ cây TNHC”.
1.Viên nang Crila được sản xuất từ những alcaloid chiết xuất từ lá cây TNHC của Công ty CP dược liệu TW2, số đăng ký VNB-3391-05. Đến ngày 28 tháng 04 năm 2009 Cục Quản lý dược đã cho phép chuyển cho Công ty TNHH Thiên Dược sản xuất viên thuốc Crila với số đăng ký: V1167-H12-10 với chỉ định điều trị u phì đại tuyến tiền liệt và u xơ tử cung.
2. Sản phẩm Tadimax (thành phần: lá TNHC, tri mẫu, hoàng bá, ích mẫu, đào nhân, trạch tả, xích thược, nhục quế) số đăng ký: VD-7858-09 của Công ty CP dược Danapha và chỉ định điều trị u phì đại tuyến tiền liệt.
Bộ Y tế đã đánh giá được giá trị của viên thuốc Crila và đã có công văn số 3425/BYT-QLD ngày 01/06/2009 gửi Bộ Khoa học & Công nghệ đề nghị đưa viên Crila vào danh mục sản phẩm thuốc Quốc gia, được đầu tư nghiên cứu phát triển và sản xuất với quy mô lớn để có đủ thuốc phục vụ sức khỏe cộng đồng trong nước và xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược
“Mua lá cây khô TNHC phải có xuất xứ rõ ràng, nếu không thì chắc chắn người sử dụng sẽ tiền mất tật mang và tự chuốc lấy cho mình những hậu quả đáng tiếc bởi vì ở VN có nhiều cây Náng khác giống cây TNHC như Cây Huệ biển và cây Náng hoa trắng… Lá khô của cây TNHC, cây Huệ biển và cây Náng hoa trắng hoàn toàn giống nhau về mùi vị (đều có mùi giống như mùi thuốc lá), màu vàng nhạt, kích thước chiều dài và bề rộng của lá… Điều đó làm cho việc phân biệt bằng mắt thường lá rất khó mà phải kiểm tra phân biệt bằng gen (ADN). Việc mua lá trôi nổi trên thị trường rất nguy hiểm vì cây Náng trắng, cây Huệ biển là độc với gan, thận và các chức năng khác của cơ thể. Các nhà sản xuất mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường cũng dễ bị nhầm lẫn nếu không có vùng trồng ổn định. Nhưng nếu là nguyên liệu TNHC sạch được trồng theo quy trính GAP thì không thể có giá rẻ như vậy được”.
ĐÔNG HƯỜNG
Theo báo Khoa học và Đời sống số 108 (2322), thứ ba (08/09/09)