Thứ tư, 4/8/2010, 09h08

Giúp học sinh lớp 5 viết đúng chính tả

Rèn luyện HS lớp 5 viết đúng chính tả là một việc rất khó khăn. Do đó, giáo viên cần kiên nhẫn, không nên nóng vội (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Hiện nay, thực trạng học sinh (HS) lớp 5 còn viết sai chính tả là do nhiều nguyên nhân. Một số HS viết chữ rõ ràng, sạch đẹp nhưng vẫn sai chính tả ở những từ đơn giản...
Ví dụ: Con mắt viết thành con mắc; mặt trời viết thành mặt chời; ngôi sao viết thành ngôi sau; cái bàn viết thành cái bàng... Ngoài ra, các em còn viết sai rất nhiều các từ có dấu hỏi, ngã: bão bùng viết thành bảo bùng; nhảm nhí viết thành nhãm nhí; vĩ đại viết thành vỉ đại; nhẫn nại viết thành nhẩn nại.
 Để HS viết đúng chính tả là một quá trình giảng dạy và rèn luyện các em xuyên suốt lâu dài, giáo viên cần kiên nhẫn và bản thân tôi đã thực hiện những biện pháp sau:
- Dạy chính tả cho HS bằng “ngữ nghĩa”: Các em hiểu nghĩa từ để viết đúng chính tả. Ví dụ: Đất cát thì âm T ở cuối tiếng CÁT. Các bạn thì âm C ở cuối tiếng CÁC. Đây là điểm rất quan trọng. Trước đây, giáo viên miền Nam vẫn phát âm giọng Nam bộ, không chuẩn nhưng HS vẫn viết đúng chính tả.
- Rèn chính tả cho HS trong tất cả các môn học: Ở môn tập đọc hoặc các môn khác, khi yêu cầu HS đọc, giáo viên cần chú ý HS cách phát âm. Phát âm đúng để viết đúng, nhất là các tiếng có âm, vần: CH-TR, S-X , ÔI–UI… HS khi viết bài, làm bài bất kì môn nào, giáo viên cần phải nhắc nhở các em tập thói quen viết câu nào đọc lại câu đó và đánh vần các từ khó. Sau đó, giáo viên sửa lỗi chính tả cho HS ở bài làm tất cả các môn.
- Giáo viên cần chú trọng hơn phần LUYỆN TẬP chính ta: Đây chính là thời gian để giáo viên cung cấp cho HS các mẹo, luật chính tả cũng như phân tích ngữ nghĩa các từ ngữ mà các em dễ nhầm khi viết.
- Dạy HS khi sửa lỗi chính tả cần viết cả từ để nhớ nghĩa: (không nên chỉ sửa tiếng sai). Ví du: Viết sai là Ngôi SAU phải sửa là Ngôi SAO. Khuyến khích HS lập “sổ tay chính tả”: Mỗi HS có một sổ nhỏ để ghi vào đó những từ mình hay viết sai chính tả để thường xuyên ôn luyện.
- Dạy HS các mẹo luật chính ta: Luật bổng - trầm trong từ láy. Do đó, giáo viên phải nhắc nhở các em ghi nhớ câu: “Em HUYỀN mang NẶNG NGÃ đau. Anh NGANG SẮC thuốc HỎI đau chỗ nào?”. Nghĩa là trong từ láy thì thường xuất hiện các tiếng trong từ láy thường có dấu huyền - ngã, nặng - ngã, không dấu - hỏi, sắc - hỏi đi chung với nhau. Ví dụ: Bão bùng, bầu bĩnh, chặt chẽ, mạnh mẽ, gãy gọn…
 Ngoài ra HS cũng cần nhớ 17 trường hợp ngoại lệ: Bền bỉ, hoài hủy, hồ hởi, niềm nở, nài nỉ, phỉnh phờ, vẻn vẹn, hẳn hòi, chèo bẻo, nhỏ nhặt, khe khẽ, ngoan ngoãn, se sẽ, nông nỗi, ve vãn, luồn lỏi, xài xể. Luật phân biệt hỏi - ngã trong từ Hán - Việt: HS ghi nhớ câu: “Mình nên nhớ viết là dấu ngã”. Nghĩa là trong từ Hán - Việt, các phụ âm đầu là M, N, NH, V, L, D, NG, NGH thường viết là dấu ngã. Ví dụ: Mỹ nhân, nữ nhi, vĩ đại, võ sư, hùng vĩ, lãnh đạo, ngôn ngữ, nhẫn nại, vĩnh viễn, mãn khóa... Song song đó, các em HS cũng cần biết các trường hợp ngoại lệ đối với từ Hán - Việt:HS chỉ cần nhớ những trường hợp ngoại lệ thường gặp: như kĩ thuật, kỹ nghệ, hữu nghị, bạn hữu, tĩnh mịch, phẫu thuật, tiễn biệt, hỏa tiễn, tích trữ, hỗ trợ, hỗn hợp, thủ quỹ, hen suyễn, bác sĩ, sĩ số, xã hội, linh cữu, tích trữ, vây hãm, đãng trí, trì hoãn, miễn cưỡng, hiếu đễ, tuẫn tiết, ấu trĩ… Giáo viên cần lưu ý HS 2 từ: Viển vông là từ láy, viễn vọng là từ Hán - Việt.
 Kể từ khi thực hiện thay sách đến nay, tôi đã thực hiện việc dạy chính tả như trên và nhận thấy rằng HS các lớp tôi giảng dạy đều có tiến bộ rõ rệt qua từng giai đoạn của năm học. Có những HS viết sai chính tả nhiều ngay cả khi chép bài từ sách, thế nhưng qua thời gian học với cách dạy trên các em đã giảm hẳn các lỗi chính tả.
LÊ PHƯƠNG TRÍ (GV Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)

Việc rèn HS lớp 5 viết đúng chính tả là một việc rất khó khăn. Do đó, giáo viên cần kiên nhẫn, không nôn nóng, thực hiện xuyên suốt cả năm học mới có thể giúp các em viết đúng chính tả.