Thứ hai, 20/6/2011, 16h06

Kết quả cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Đề bài: Hiệu trưởng toàn năng?

Hiệu trưởng toàn năng luôn biết động viên khích lệ mọi thành viên trong hội đồng sư phạm tự giác nâng cao mỗi ngày tính kỷ cương, tình thương và trách nhiệm (ảnh minh họa). Ảnh: N.Q

Ông hiệu trưởng trường A nổi tiếng về sự nhiệt tình xăng xái và khó tính. Việc gì dù nhỏ đến đâu ông cũng tìm cách quan tâm quán xuyến đến từng chi tiết. Vốn là giáo viên dạy ngoại ngữ song ông luôn có mặt dự giờ thường xuyên ở mọi bộ môn và luôn góp ý chỉ đạo xem ra rất bài bản. Ngay việc xếp hàng chào cờ đầu tuần ông cũng đứng ra hò hét đốc thúc từng lớp chỉnh đốn đội ngũ. Văn nghệ, thể thao và nhiều cuộc thi thố khác của trường ông chẳng những là người trực tiếp thiết kế, đạo diễn mà còn thực sự là thành viên đầu tàu không thể thiếu. Người ta phong cho ông là “một hiệu trưởng toàn năng”. Song xem ra mọi chuyện lại không như ý. Cứ có ông thì mọi việc đâu vào đó. Còn cứ khi nào vì lý do gì đó ông không có mặt là mọi chuyện lại rối tung.
Ông hiệu trưởng trường B lại có phong cách chỉ đạo khác. Giờ chào cờ đầu tuần ông cứ ung dung ngồi trong phòng uống nước. Tổng phụ trách cho học sinh xếp hàng đâu ra đấy; rồi trịnh trọng giới thiệu danh xưng của mình ông mới thủng thẳng bước ra phía lễ đài trong tràng pháo tay giòn giã của cả trường. Việc to việc nhỏ ông đều quản lý theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm cho từng bộ phận quản lý và báo cáo. Song không ít người lại chê bai cách quản lý của ông là quan liêu thiếu sâu sát.
 Bạn vui lòng bộc lộ chính kiến của mình về cách quản lý của hai vị hiệu trưởng trên. Theo bạn một hiệu trưởng mẫu mực cần hội đủ những tiêu chí gì để đáp ứng yêu cầu của chủ đề năm học 2009-2010 là Đổi mới công tác quản lý nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện?
Nguyễn Ngọc Ký
Gợi ý cách giải quyết
Hai ông hiệu trưởng trong tình huống trên đều khó chấp nhận. Mặt tốt của cả hai không phải không có. Song xét về toàn cục mỗi ông đều có những khiếm khuyết không nhỏ.
l Ông hiệu trưởng trường A cái đáng quý là nhiệt tình, xăng xái, tận tụy hết lòng với công việc chung. (Trong thời kinh tế thị trường hiện nay khi những suy nghĩ và hành vi thực dụng đang được trọng thị thì những người như ông về mặt nào đó thật đáng quý). Song ở thời đại kinh tế tri thức, lại quản lý một đội ngũ những kỹ sư tâm hồn, cách quản của ông nếu chỉ đơn giản vậy thì khó lòng thích ứng nổi, khó lòng đáp ứng được yêu cầu của cuộc vận động đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Sự nhiệt tình, xăng xái quá mức của ông vô tình đã làm nảy sinh ý thức ỷ lại, trông chờ của các nhân viên cấp dưới, vô tình biến họ thành những Thiên Lôi, mặc nhiên chỉ biết chỉ đâu đánh đấy. Một kỹ sư tâm hồn mà lao động kiểu đó thì còn đâu chủ động sáng tạo. Hơn nữa chính cách quản lý bao cấp toàn diện quá lỗi thời của ông đã làm hại ông, hại phong trào của trường. Chắc là ông đã thấy nhỡn tiền: Cứ có ông thì mọi việc đâu vào đó. Còn khi nào vì lý do gì đó ông không có mặt là mọi chuyện lại rối tung. Rõ ràng người ta chỉ sợ chứ không phục ông. Vì ông đâu có tin họ, mạnh dạn giao việc cho họ. Do ôm quá nhiều việc nên tính ông sinh nóng nảy, sẵn sàng trút “lửa” lên bất kỳ ai khi ông không vừa ý. Tự ông vô tình đã đánh mất thiên chức của nhà quản lý chỉ còn lại trong ông hình ảnh một người “đốc công” đầy nhiệt tình, tâm huyết mà thôi.
Mong ông sớm nhận ra sự thật không vui này, kịp thời thay đổi cách quản lý của mình một cách khoa học, sư phạm hơn. Biết làm cho các đồng nghiệp dưới quyền mình không thành những lao động phổ thông giản đơn mà thực sự thành những kỹ sư tâm hồn đúng nghĩa, thành những hiệu trưởng nhỏ, những cán bộ quản lý ở lĩnh vực mình được đảm nhận trong niềm vui được chủ động, sáng tạo hết mình.
Cách quản lý của ông hiệu trưởng trường B cũng có cái ưu là phát huy được cách quản lý theo kiểu trí tuệ hóa và kế hoạch hóa. Cách quản lý này vừa giúp ông nhàn hạ hơn, phát huy được tính chủ động, tích cực sáng tạo của giáo viên. Sự hiện đại hóa trong cách quản lý này về mặt nào đó phải được coi là mô hình mới cần được nhân rộng. Song cái khiếm khuyết mà ông hiệu trưởng này cần khắc phục là ỷ lại vào kế hoạch, thiếu kiểm tra sâu sát, chủ quan cứ tưởng khoán trắng cho giáo viên là mọi việc đâu vào đó. Vô tình ông sinh bệnh quan liêu, xa rời việc gần gũi đồng nghiệp. Vì thế rất khó để ông nắm bắt được tâm lý, năng lực thật của từng người để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh.
Nhìn chung hai ông hiệu trưởng mỗi người một vẻ. Ai cũng có mặt tốt và chưa tốt. Song cái khuyết điểm chung mà hai ông đều vướng trong cách quản lý của mình là không tạo được điều kiện để gần gũi đội ngũ giáo viên. Quan hệ giữa thủ trưởng và nhân viên luôn là khoảng cách khó san lấp. Vì thế cung cách làm việc của họ mang nặng tính đối phó, khó có được sự tự giác, tích cực, say sưa.
Rút kinh nghiệm từ hai ông hiệu trưởng trên ta nhận ra hình mẫu của vị hiệu trưởng toàn năng phải được kết tinh giữa năng lực và tính cách, giữa cách làm việc khoa học trí tuệ bằng kế hoạch minh triết với lửa nhiệt tình tâm huyết, biết lắng nghe, biết chọn mặt gửi vàng, biết động viên khích lệ mọi thành viên trong hội đồng sư phạm tự giác nâng cao mỗi ngày tính kỷ cương, tình thương và trách nhiệm không chỉ bằng cung cách quản lý tâm phục khẩu phục mà trước hết bằng tấm gương mẫu mực trong suy nghĩ và hành động, trong mọi sinh hoạt và mối quan hệ rất đỗi đời thường.
Cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục lần này đáp ứng tốt chủ đề năm học do bộ đề ra “Tiếp tục đổi mới công tác quản lý trường học”. Cuộc thi đã thu hút hàng ngàn bạn đọc, thầy cô giáo tham gia. Gần 100 bài đã được chọn đăng. Hầu hết bài dự thi đều có nhận xét, phân tích đúng về phong cách quản lý của hai vị hiệu trưởng. Nhiều bài kết hợp phân tích tình huống quản lý cụ thể tại trường mình để minh họa cho ưu và nhược điểm của hai phong cách “cực đoan” đã nêu trong đề bài, làm cho nội dung bài dự thi rất phong phú. Một số bài nêu được cơ sở lý luận của phong cách quản lý vừa tập trung vừa dân chủ; vừa đảm bảo tính kế hoạch vừa đảm bảo tính thực tế, nêu bật được đặc trưng của lao động quản lý là một loại hình lao động vừa khoa học vừa nghệ thuật.
 

 

Danh sách bạn đọc đoạt giải
Giải thưởng cá nhân:
- Giải nhất (trị giá 4 triệu đồng và quà tặng): Nguyễn Thị Huyền – Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp, TP.HCM) với bài Hiệu trưởng phải dám nghĩ, dám làm.
- Giải nhì (trị giá 3 triệu đồng và quà tặng): Trần Mỹ Lệ - Hiệu trưởng Trường TH Linh Đông (Thủ Đức, TP.HCM) với bài Học cách quản lý của hai hiệu trưởng thế nào?
- Giải ba (trị giá 2 triệu đồng và quà tặng): Lê Đức Đồng - Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng) với bài Hiệu trưởng phải có tầm nhìn, tầm nghĩ.
- 10 giải khuyến khích (mỗi giải trị giá 500 ngàn đồng và quà tặng): Nguyễn Thanh Dũng - GV Trường THCS Phước Lý (Cần Giuộc, Long An); Ngô Thành Nam - GV Trường Quốc tế Singapore (TP.HCM); Ngô Thị Kim Oanh - GV Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp, TP.HCM); Dương Hữu Đức - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp, TP.HCM); Lê Thanh Hoa - GV Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp, TP.HCM); Nguyễn Ngọc Nga - Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai); Trần Văn Tám - Trường TH Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi, TP.HCM); Trần Minh Duy - Trường Quốc tế Việt Úc (TP.HCM); Kim Dung (Thủ Đức, TP.HCM); Trần Thị Thảo Uyên - GV Trường TH Phan Văn Trị (Bình Thạnh, TP.HCM).
Giải thưởng tập thể (1 máy vi tính)
Dành cho đơn vị có số lượng giáo viên tham gia nhiều nhất: Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp, TP.HCM)
Buổi lễ tổng kết và trao giải tổ chức lúc 9h ngày 2-7-2011 (thứ bảy) tại Hội Nhà báo TP.HCM (số 14 Alexandre de Rhodes, Q.1, TP.HCM).

 

Cáo lỗi
Do tập trung đưa thông tin về cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục lần XI nên diễn đàn “Dạy và học như thế nào đúng định hướng cá thể hóa?” xin tạm gác một số. Mong bạn đọc thông cảm.