Thứ hai, 3/5/2010, 15h05

Kinh nghiệm làm chủ nhiệm giỏi: Giáo viên chủ nhiệm phải là người mẹ thứ hai

GVCN thương yêu, gần gũi học sinh như người mẹ thứ hai. Ảnh: H. Triều

Trong cuộc đời “làm thầy” thì giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người vất vả hơn cả. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, từ công tác chất lượng, số lượng, rồi đến việc thu nộp các loại quỹ... tất tần tật đều đổ lên vai người làm công tác chủ nhiệm. 
Ngay từ khi chập chững vào đời, bắt đầu học lớp 1 (thậm chí ngay từ khi học mẫu giáo) các em đã được GVCN tập cho làm quen với thế giới xung quanh. Các em đi thưa về chào, tham gia hoạt động tập thể.... Nếu GVCN xử lí không khéo có khi làm tổn thương đến một đời người. Lên đến cấp 2, cấp 3, GVCN không những là “huynh trưởng” mà còn là trọng tài, thay mặt cha mẹ của các em ở trường. GVCN không chỉ đơn thuần dạy chữ mà còn dạy cho các em nhân cách làm người. Nói như vậy không phải là xem thường các nhân tố khác. Lực lượng tham gia công tác giáo dục bao gồm gia đình, nhà trường và xã hội. Vai trò của gia đình phải là đầu tiên, nhưng có những gia đình thiếu kiến thức sư phạm, có khi phản giáo dục, đi ngược lại với sự giáo dục ở nhà trường. Đã có những người khi dạy con không nghe lại chửi: “Mày học với thằng nào, con nào...”.
Tôi đã chứng kiến một số trường hợp phụ huynh đến đánh đập học sinh tại sân trường. Có người còn đến đánh giáo viên, hiệu trưởng trước mặt học sinh. Vừa rồi gia đình tôi đang ăn cơm trưa thì có một phụ nữ trong làng dắt con đến gặp vợ tôi (là giáo viên chủ nhiệm lớp 9). Chị ta nói: “Tại sao tôi cho con tôi nộp 550 ngàn đồng mà cô chỉ ghi 500 ngàn đồng?”. Vợ tôi lôi sổ sách ra để chứng minh thì chị ta cứ bù lu bù loa. Còn tôi thì nghĩ, dạo này bà xã bị bệnh cao huyết áp, học sinh lên nộp nhiều có khi ghi nhầm lẫn. Một người nông dân mà đến nhà cô giáo chủ nhiệm của con mình kiện cáo chắc là đúng rồi. Sợ bà con xung quanh chê cười, tôi đành rút ra 50 ngàn đồng bảo ghi vào sổ cho chị ta. Hai mẹ con ra ngoài đường một lúc rồi chị ta lại kéo con vào nhà tôi làm ầm lên. Mặc cho đứa con cãi lại chị ta vẫn khăng khăng ép con nói đã nộp hơn 100 ngàn đồng nữa. Nghe to tiếng, bà con lối xóm chạy đến. Có người nói: “Chị đã hai lần ăn trộm xe đạp và đồng hồ của hàng xóm”, nghe vậy chị ta mới chịu về.
Những gia đình như trên thì việc giáo dục con cái phải dựa vào nhà trường và xã hội. Thông thường xã hội giải quyết “cái ngọn”. Các tổ chức đoàn thể, chính quyền can thiệp khi sự việc đã rồi. Người tiếp xúc với các em nhiều nhất ở trường vẫn là GVCN. Hiệu phó chuyên môn phải chú ý vấn đề này để bố trí cho GVCN dạy ở lớp đó nhiều tiết hơn. Phải chọn những giáo viên thật tâm huyết làm công tác chủ nhiệm. GVCN phải biết thương yêu học sinh như chính con mình. Những GVCN giỏi là những giáo viên biết cảm hóa được những học sinh cá biệt. Ở tỉnh tôi có nhiều trường khi học sinh bỏ học thì cho vào danh sách học sinh “chuyển trường” theo bố mẹ đi làm ăn ở trong Nam để đạt tiêu chí phổ cập. Nếu các tỉnh ở miền Nam cũng như thế thì biết cho “chuyển trường” vào tỉnh nào nữa? Rõ ràng công tác duy trì số lượng là căn cứ vào tài năng của GVCN.
Có thể nói, vai trò của GVCN rất lớn. Mỗi giáo viên được giao làm công tác chủ nhiệm phải xác định được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Muốn giáo dục học sinh cá biệt hướng thiện, đi theo quỹ đạo của nhà trường, trở thành người công dân có ích cho xã hội thì GVCN phải thực sự là người mẹ thứ hai của các em.
H.M.Đ (Quảng Bình)