Thứ sáu, 6/11/2009, 11h11

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Đừng đổi mới bằng mọi giá!

Thầy Huyên đang giới thiệu với bạn bè quốc tế các sản phẩm CNTT ứng dụng vào giảng dạy và học tập tại cuộc thi Giáo dục sáng tạo ở Philadenphia, Mỹ

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (LHP) là trường chuyên của khu vực phía Nam, hàng năm “đầu vào” của trường có chất lượng khá cao, không chỉ ở TP.HCM mà còn đến từ các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Khi nói về chủ đề của năm học này - “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục (ĐMQL&NCCLGD)” Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường LHP, thầy Trần Đức Huyên khẳng định: không nên đổi mới bằng mọi giá.
Thầy Trần Đức Huyên cho biết: Đổi mới là việc sống còn, là bản chất của cuộc sống, trường thường xuyên tìm cách đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hàng năm, nhà trường đều có kế hoạch chi tiết để đổi mới. Năm nay, Bộ GD-ĐT phát động phong trào ĐMQL&NCCLGD, Trường LHP hưởng ứng mạnh mẽ để công tác đổi mới thuận lợi hơn.
Xin thầy cho biết, Trường LHP đã đổi mới cái gì và đổi mới như thế nào?
- Tôi cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học hay ĐMQL&NCCLGD là câu khẩu hiệu, hình thức. Đổi mới không phải là xóa bỏ hết cái cũ! Đổi mới những cái chưa hiệu quả, chưa tốt. Còn những gì đã tốt, đã hiệu quả thì cần giữ lại, cần duy trì. Nói chung, đổi mới là làm cho hiệu quả hơn, tốt hơn. Đừng đổi mới bằng mọi giá. Vì xác định như vậy nên Trường LHP đi vào nội dung, không hô khẩu hiệu, hình thức. Chúng tôi đổi mới những cái cần đổi mới, những cái nhỏ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Ví dụ, trước đây nhà trường quy định mỗi tháng một giáo viên (GV) phải thực hiện bao nhiêu tiết dự giờ. Tuy nhiên, lắng nghe ý kiến của tập thể GV, chúng tôi đã đổi mới việc này bằng cách yêu cầu mỗi GV đề xuất mình yếu điểm nào, cần dự giờ nội dung gì để nhà trường sắp xếp những GV phù hợp để dự giờ. Mỗi GV cần dự giờ nội dung gì? Chúng tôi đi vào cái cụ thể chứ không nói chung chung, hình thức. Vì vậy hiệu quả cao hơn cách dự giờ như trước đây. Hoặc, về thời khóa biểu, chúng tôi có những đổi mới và mang lại hiệu quả. Trước đây, cũng như các trường khác, chúng tôi lập thời khóa biểu ghi lên bảng hay in ra giấy dán lên bảng... nhưng nay chúng tôi áp dụng tin học vào việc này. Tất cả thông tin về CB, GV đều cập nhật và quản lý bằng công nghệ. Chỉ cần click chuột, tôi biết được GV ấy hôm nay có tiết, có mặt ở trường hay không. GV cũng vậy, không cần lên văn phòng, chỉ cần vào mạng nội bộ là biết thời khóa biểu cụ thể. Và, nhà trường có bảng thống kê mỗi GV, khi phụ huynh yêu cầu hay lãnh đạo nhà trường cần, chỉ cần vài thao tác trên máy tính là đã có thông tin cụ thể. Chính vì đẩy mạnh tin học hóa vào công tác quản lý, giảng dạy nên chúng tôi làm việc hiệu quả hơn, nhẹ nhàng hơn.
ĐMQL&NCCLGD và đổi mới phương pháp dạy học là hai chủ trương lớn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thầy có thể cho biết Trường LHP đã đổi mới phương pháp dạy học như thế nào?
Người làm công tác quản lý phải tập hợp được đội ngũ giỏi, tâm huyết, đặc biệt là đội ngũ trẻ tuổi.
- Để đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học. Từ nhiều năm trước, trường đã xây dựng giáo án điện tử. Đặc biệt, nhà trường đã xây dựng thư viện điện tử. Tôi có thể tự hào nói rằng, Trường LHP là trường đầu tiên trong cả nước xây dựng được thư viện điện tử. Thư viện này được xây dựng hoàn chỉnh, có hệ thống chứ không lẻ tẻ, tự phát. Ngoài ra, Trường LHP đang thực hiện đề tài thư viện điện tử do Sở GD-ĐT và Sở KH-CN TP.HCM đặt hàng. Vì vậy, GV, học sinh có thể tìm tài liệu, nghiên cứu bài học, bài dạy trước ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần vào internet. Tôi nghĩ, muốn đổi mới phương pháp dạy học nhà trường cần đẩy mạnh tin học hóa.
Thưa thầy, để ĐMQL& NCCLGD đạt hiệu quả thì yêu cầu đối với người làm công tác quản lý giáo dục là gì?
- Người làm công tác quản lý, muốn đổi mới phải nắm được tình hình thực tế của trường mình - phải biết rõ trường mình mạnh, yếu, thuận lợi, khó khăn... ở điểm nào để tránh chạy theo phong trào. Thứ hai, khi áp dụng một chủ trương mới bao giờ cũng gặp lực cản, cán bộ quản lý phải là người biết động viên, tạo niềm tin để CB, GV trong trường toàn tâm toàn ý cho việc đổi mới. Tôi cho rằng, con người là yếu tố quyết định. Cho nên, người làm công tác quản lý phải tập hợp được đội ngũ giỏi, tâm huyết, đặc biệt là đội ngũ trẻ tuổi. Từ đó có kế hoạch cụ thể bồi dưỡng cho đội ngũ này.
Theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 21-10-2009, hiệu trưởng trường phổ thông sẽ đứng lớp dạy 2 tiết/tuần, hiệu phó sẽ dạy 4 tiết/tuần nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Xin thầy cho biết ý kiến về thông tư này?
- Theo tôi, cán bộ quản lý nên đứng lớp dạy để theo dõi nội dung, chương trình giáo dục và nắm tình hình học tập của học sinh, từ đó có những chủ trương hợp lý hơn. Tuy nhiên, không nên bắt buộc, không nên quy định cứng nhắc mà chỉ động viên, tùy mỗi cán bộ quản lý có thời gian đứng lớp hợp lý. Vì nhiều cán bộ quản lý giải quyết rất nhiều việc, có cán bộ làm quản lý rất tốt nhưng chưa hẳn đã dạy hay, dạy giỏi.
 
Xin cám ơn thầy!
Đổi mới những cái cần đổi mới, đổi mới những cái nhỏ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực.

Bài, ảnh: Công Việt