Thứ sáu, 7/12/2012, 14h12

Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh: Cần kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh

Một tiết học tiếng Anh với phấn trắng bảng đen. Ảnh: N.Anh

Hiện nay, môn tiếng Anh đã được đưa vào dạy học ở các cấp học. Mục tiêu của bộ môn là giúp học sinh (HS) sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp ở mức độ cơ bản dưới các dạng nghe, nói, đọc, viết; có kiến thức cơ bản, tương đối hệ thống và hoàn chỉnh về tiếng Anh, phù hợp với trình độ, đặc điểm tâm lý lứa tuổi…
Tuy nhiên, dù tiếng Anh được xếp vào một trong các môn chính của hệ thống giáo dục, thuộc loại kỹ năng mềm cần phải có sau khi tốt nghiệp trung cấp hay CĐ, ĐH; nhưng một thực tế là chất lượng dạy học môn này trong các trường hiện nay còn thấp (nếu không nói là quá thấp), chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập. Nhiều HS rơi vào tình trạng “mù” ngoại ngữ. Vì HS quá yếu, lại không chịu khó học nên nhiều khi lên lớp giáo viên giống như đang “độc thoại” với mình.
Biểu hiện của HS yếu kém về môn tiếng Anh phổ biến nhất là vốn từ nghèo nàn, không nắm được ngữ pháp, phát âm không chuẩn, kĩ năng tạo lập văn bản (nói, viết) chưa đạt yêu cầu và kĩ năng nghe kém. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?
1. Tình trạng chất lượng dạy học môn ngoại ngữ còn thấp do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do tiếng Anh là một môn học hoàn toàn “mới mẻ”, trong khi đó trên 90% HS trung cấp thuộc đối tượng vùng sâu, vùng xa và một số em là người dân tộc nên khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông cũng còn hạn chế, huống chi tiếp cận với ngôn ngữ nước ngoài chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, HS chưa nhận thức được tầm quan trọng của môn học. Do đó chưa có sự đầu tư thời gian, công sức, chưa nỗ lực vượt khó học tập nhất là bậc phổ thông vì vậy lên trung cấp càng khó hơn. Nhiều HS đến giờ học không chú ý tập trung, về nhà không chịu làm bài tập, không chịu khó rèn luyện học hỏi nên không thể tiến bộ được.
Môn tiếng Anh đòi hỏi người học phải chịu khó, đầu tư nhiều thời gian, phải có phương pháp. Thế nhưng, một số HS hầu như chỉ tập trung vào học các môn khác, ít chú ý trau dồi môn tiếng Anh hoặc có tâm lý ngại khó, dựa vào các môn khác để kéo môn tiếng Anh lên. Bên cạnh đó, điều kiện giảng dạy trong trường còn thiếu, HS ít được tiếp cận với những phương tiện như băng hình, máy cassette, máy vi tính hay phòng học ngoại ngữ chuyên dụng. Từ đó, HS ít có điều kiện thực hành, làm quen với ngôn ngữ tiếng Anh chính thống từ giáo viên bản ngữ...
Hiện nay, chương trình và SGK đổi mới rất hay, song độ khó cũng cao hơn, đối với những HS đã “mất gốc” thì không thể theo được. Vì vậy, nhiều HS không kham nổi chương trình, nhất là những HS học yếu, kém. Mặt khác, HS phải học quá nhiều môn, lại còn học tự chọn, học bù... Do vậy mà thời gian dành cho môn tiếng Anh càng bị san sẻ.
Một nguyên nhân nữa là trình độ giáo viên còn hạn chế. Thời gian đầu tư cho soạn giảng chưa nhiều, khả năng làm đồ dùng dạy học và ứng dụng các phương tiện dạy học vào giảng dạy chưa cao.
2. Làm cách nào để cải thiện và nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh trong nhà trường?
Về phía giáo viên: Cần tăng cường phụ đạo, ôn tập cho HS yếu kém; soạn bài theo phương pháp đặc trưng của bộ môn; quan tâm, giúp đỡ HS một cách chân tình nhằm khuyến khích các em học tập. Ngoài ra thường xuyên theo dõi và cập nhật các giáo trình hoặc các phương pháp đổi mới về giảng dạy của các trường trên thế giới để có cách giảng dạy phù hợp hơn; tổ chức các giờ ngoại khóa về môn học. Thông qua đó hình thành ở HS niềm yêu thích môn học; tổ chức trao đổi giữa HS khá giỏi và HS yếu kém để các em yếu kém hình thành phương pháp học tập đúng đắn. Bên cạnh đó sử dụng phương pháp dạy học tích cực phù hợp với đặc trưng bộ môn nhằm giúp các em hiểu bài và khắc sâu kiến thức; thường xuyên trao đổi với gia đình HS về tình hình học tập của các em.
Dưới đây là một số phương pháp mà tôi đã từng áp dụng trong giảng dạy: Buổi học đầu tiên bao giờ cũng rất quan trọng, giáo viên hãy tiếp xúc với HS bằng một nụ cười thân thiện, hãy coi mình như một người anh (chị) hay một người bạn chân tình, người đi trước chỉ bảo lại cho người đi sau với thái độ cởi mở và động viên, có thể giao lưu bằng một vài câu chuyện hài về cách học tiếng Anh; đồng thời cũng không quên nâng cao vai trò của tiếng Anh trong cuộc sống hiện đại (có thể đưa ra vài ví dụ về những người đã thành danh ngoài khả năng chuyên môn nhưng vẫn nổi trội là nhờ vào ngoại ngữ). Nhận biết sớm những nhược điểm của HS và có phương pháp để khắc phục. Giáo viên phát hiện những nhược điểm này thông qua các bài kiểm tra và các buổi phỏng vấn vào những tuần đầu của khóa học. Giáo viên hãy lắng nghe một cách chân thành và chú ý vào các phản hồi của HS, hãy lắng nghe và thể hiện sự chú ý đối với những vấn đề mà các em đang trình bày. Xác định các tài liệu cung cấp sao cho phù hợp với trình độ của HS, giáo viên nên tìm hiểu nguồn kiến thức nào có thể giúp các em trong quá trình học tập...
Về phía HS: Học ngoại ngữ phải tích lũy dần, không thể học trong thời gian ngắn mà khá lên được. Đã học đuối môn ngoại ngữ từ đầu thì sẽ đuối mãi. Chính vì vậy, HS cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của môn tiếng Anh. Từ đó hình thành động cơ, hứng thú học tập. HS cần phải: Trong lớp chú ý nghe giảng, khắc sâu kiến thức; về nhà nghiêm túc thực hiện giờ tự học, làm đầy đủ bài tập được giao, học ôn lại bài cũ, chuẩn bị bài mới; biết liên hệ thực tế với những bài đã học; tự tạo thành nhóm để thực hành bài giảng ở trường, đặc biệt là phần speaking, để tạo thói quen trong phản xạ. Cố gắng nghe thường xuyên (tối thiểu mỗi ngày nửa giờ hay 1 giờ) các bài nhạc ngắn lời, từ đơn giản để tăng cường kỹ năng nghe.
Về phía phụ huynh: Thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm vững tình hình học tập của con em mình; tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, sách học, sách tham khảo để giúp các em học tốt hơn.
Về phía nhà trường: Cần tăng cường dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm sau mỗi bài. Thảo luận cụ thể, chi tiết mục tiêu cụ thể, tiến trình và nội dung bài dạy, tính hiệu quả của từng hoạt động, cách tổ chức hoạt động, việc sử dụng đồ dùng dạy học, và hiệu quả bài dạy theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Tổ chức các lớp ngoại ngữ và tin học cho tất cả giáo viên, ngoài tác dụng nâng cao trình độ nhiều mặt của giáo viên còn có ý nghĩa nêu gương cho HS noi theo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, xây phòng chức năng phục vụ bộ môn...
Đặng Cao Đẳng
(Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ Trường Trung cấp Việt Khoa)
 LTSHôm nay (7-12), Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường chuyên nghiệp thành phố theo Đề án 2020”. Giáo Dục TP.HCM xin trích đăng tham luận của một số đại biểu tham gia hội thảo này.