Thứ tư, 18/4/2012, 10h04

Ôn thi toán lớp 5: Những điểm sai học sinh thường mắc phải

Thầy cô cần theo sát trình độ học sinh khi tổ chức ôn tập. Ảnh: N.Quang

Kiểm tra cuối học kì II là kì kiểm tra quyết định để các em được hoàn thành chương trình tiểu học, và cũng là điểm xét duyệt vào lớp 6.
Theo chủ trương của ngành giáo dục, kì kiểm tra sẽ tiến hành một cách nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, đối với phụ huynh, các em học sinh và cả thầy cô dạy lớp 5 thì đây là kì kiểm tra quan trọng nhất trong suốt 5 năm học tập ở tiểu học. Mặt khác, nội dung ôn tập kiểm tra cho học sinh lớp 5 gần như là toàn bộ kiến thức cơ bản ở tiểu học, đòi hỏi các em phải thông suốt mới có thể đạt kết quả tốt được.
Trong các môn kiểm tra, toán là môn học mà học sinh, phụ huynh và cả giáo viên lớp 5 ngán ngại bởi lượng kiến thức khá nhiều, có nhiều hình thức ra đề, nhiều dạng toán đòi hỏi các em phải vững kiến thức và biết cách suy luận để có thể đạt được điểm cao. Chính vì thế, theo tôi, để các em có thể ôn tập môn toán có hiệu quả, thầy cô và các bậc phụ huynh nên chú ý các phần lý thuyết, các phép tính, các dạng bài toán có lời văn… mà các em dễ nhầm lẫn khi làm bài. Chúng ta nên cùng lúc ôn các phần mà các em dễ lẫn lộn để so sánh, phân tích rõ các khác biệt cho học sinh nhận biết. Qua kinh nghiệm dạy nhiều năm lớp 5, tôi nhận thấy học sinh thường nhầm lẫn hoặc không vững kiến thức dẫn đến làm sai yêu cầu, giải sai những phần sau: Thứ nhất, nhầm phân số thập phân và số thập phân trong dạng bài Viết các số sau dưới dạng phân số thập phân hay Viết các số sau dưới dạng số thập phân nên cần nhắc lại lý thuyết để học sinh nắm vững. Thứ hai, đổi đơn vị diện tích héc-ta, các em thường chỉ tính 2 đơn vị liền kề hơn kém nhau 10 đơn vị vì kí hiệu héc-ta là ha, không có số 2 như các đơn vị đo diện tích khác: Km2, m2… Cần nhấn mạnh ha bằng hm2 . Thứ ba, đổi đơn vị đo thời gian dạng 2 ngày 5 giờ = …giờ, các em thường ra kết quả là 125 giờ. Vì thế, nên cho các em làm cùng lúc 2 bài: 2 ngày 5 giờ = …giờ và 2 giờ 5 phút = …phút, để nhấn mạnh khi có học sinh làm sai do không chú ý cẩn thận. Thứ tư, phép chia số thập phân là phép tính mà các em thường sai nhiều, bởi đối với từng dạng bài thì có thao tác làm khác nhau. Vì thế, khi ôn tập nên cho các em làm cùng lúc cả 4 dạng: Số thập phân chia số tự nhiên, số tự nhiên chia số tự nhiên thương là số thập phân, số tự nhiên chia số thập phân và số thập phân chia số thập phân để dễ dàng rèn kĩ năng tính và nhấn mạnh sự khác biệt. Thứ năm, toán tỉ lệ (thuận, nghịch) cũng là phần các em hay nhầm, do vậy nên cho các em làm 2 bài song song để có thể so sánh, phân biệt cho các em rõ. Thứ sáu, về tỉ số phần trăm cũng nên cho các em làm cùng lúc 2 dạng bài mà các em thường lẫn lộn như  “Tìm 25% của 200” và “25% của một số là 200, tìm số đó?”. Thứ bảy, cần lưu ý các em hồ cá, hồ bơi chính là hồ không nắp, chỉ có một mặt đáy, để học sinh không làm sai khi tính diện tích toàn phần. Thứ tám, lưu ý học sinh độ sâu chính là cách gọi chiều cao của hồ nước, hồ bơi dạng hình hộp chữ nhật trong thực tế. Thứ chín, cho các em biết nhiều hình hộp chữ nhật trong thực tế có đáy là hình vuông để các em không lúng túng khi gặp bài có hình như thế. Thứ mười, toán chuyển động cũng là phần toán khó đối với học sinh tiểu học vì nó đòi hỏi học sinh sự tưởng tượng khi giải bài. Chúng ta cần tóm tắt, giải thích cho học sinh rõ chuyển động “cùng chiều, ngược chiều” và yêu cầu học sinh phải tóm tắt khi giải các bài toán chuyển động. Học sinh cũng thường giải sai bài sau: “Một ô tô đi từ A với vận tốc 50 km/giờ và sau 3 giờ thì đến B. Một xe gắn máy đi từ B với vận tốc 30km/giờ , hỏi sau bao lâu thì đến A?”. Gặp bài này các em thường tính ngay tổng vận tốc vì cho đây là dạng chuyển động “ngược chiều”.
Kiến thức toán nhiều, hình thức ra đề đa dạng. Do đó, thầy cô và các bậc cha mẹ cần theo sát trình độ của học sinh, con em mình; chú ý những phần mà các em thường nhầm, thường sai để tăng cường rèn các phần ấy. Chúng ta cần lưu ý, ôn chậm nhưng chắc, khi các em nắm vững phần này mới ôn sang phần khác để các em không bị rối, ôn từ dễ đến khó. Với sự quan tâm sâu sát, cách ôn tập hợp lý, sát trình độ, chắc chắn các em sẽ đạt kết quả tốt trong kì kiểm tra sắp tới.
Lê Phương Trí