Thứ năm, 7/3/2013, 22h03

Phát triển kĩ năng sử dụng ngôn ngữ ở trẻ mầm non

Cần rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Anh Khôi

Có thể nói, ngoài thể chất, nhận thức, tình cảm thì ngôn ngữ là một trong 5 lĩnh vực trong chương trình giáo dục mầm non mới hiện nay.
Điều này cũng thật dễ hiểu vì ngôn ngữ trước hết là một phương tiện hình thành và phát triển nhận thức về thế giới xung quanh của con người. Phương tiện đó giúp trẻ tìm hiểu, khám phá, nhận thức về môi trường xung quanh thông qua cử chỉ và lời nói của người lớn. Từ sinh hoạt hàng ngày trẻ làm quen với các sự vật, hiện tượng có trong môi trường xung quanh để từ đó hiểu được những đặc điểm, tính chất, công dụng của các sự vật cùng với từ tương ứng. Nhờ có ngôn ngữ trẻ nhận biết ngày càng nhiều các sự vật, hiện tượng mà trẻ được tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày. Ngôn ngữ còn hỗ trợ trẻ giao lưu cảm xúc với những người xung quanh giữa trẻ với trẻ, đặc biệt là những cảm xúc tích cực. Qua giao tiếp trẻ có thêm cơ hội phát triển ngôn ngữ: Nói trọn câu, nói câu có nghĩa, điều chỉnh những câu nói lắp, nói ngọng...
Ngôn ngữ còn là công cụ giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng và trở thành một thành viên của cộng đồng thông qua sự chỉ dẫn của người lớn. Trẻ có thể dùng công cụ này để bày tỏ những nhu cầu, mong muốn của mình với các thành viên để dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Đặc biệt nhờ có ngôn ngữ, thông qua những câu chuyện kể trẻ dễ dàng tiếp nhận những chuẩn mực đạo đức xã hội và hòa nhập vào xã hội tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế ở một số trường mầm non cho thấy, chương trình giáo dục ở nhà trẻ vẫn còn nhiều lúng túng, nhất là lứa tuổi 24 đến 36 tháng, có tình trạng giáo viên xem nhẹ việc tạo cơ hội cho trẻ hoạt động giao tiếp để phát triển ngôn ngữ. Các bài dạy dù được cô giáo đầu tư đầy đủ nhưng biện pháp và cách giáo dục để trẻ được tham gia vào các hoạt động ngôn ngữ là rất ít. Khi chưa hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ thì giáo viên vẫn chưa chú ý đến việc thay đổi nội dung và cách thức trò chuyện để tạo tình huống cho trẻ thể hiện những tình cảm và yêu cầu của mình bằng các âm, các từ.  Một số giáo viên vẫn có thói quen nói nhanh và nhiều khi giao tiếp với trẻ đặc biệt thiếu quan tâm chỉnh sửa lỗi phát âm, từ và diễn đạt câu cho trẻ.
Để có biện pháp giáo dục phù hợp, nguyên tắc đầu tiên là phải nắm vững được đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi để đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp. Do đó chúng ta nên rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ ở mọi nơi mọi lúc. Đối với trẻ cá biệt cần có sự quan tâm ân cần và luôn tạo ra niềm tin, sự hứng thú cho trẻ. Thông qua trò chơi, câu đố, thơ ca, hò vè… để giúp trẻ định hình ngôn ngữ. Đây là con đường đơn giản và có hiệu ứng cao nhất. Nếu có điều kiện nên phối hợp với phụ huynh để khắc phục một số lỗi cần tránh trong việc giao tiếp và phát triển kĩ năng ngôn ngữ cho trẻ. Kinh nghiệm cho thấy, không nên lặp lại lỗi phát âm của trẻ như: Con ỏ, con xỏ (con thỏ). Đây là việc làm vô tình giúp trẻ hình thành thói quen khó sửa, dễ bị nói ngọng. Để làm gương, phụ huynh nên phát âm thật chính xác. Nếu trẻ nói sai thì lựa lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng kiên quyết uốn ngay và khuyến khích nói lại cho đúng. Ngoài ra cha mẹ không nên tước mất cơ hội giao tiếp của trẻ. Nếu trẻ chỉ vào bình nước thì cha mẹ phải tập cho trẻ phát âm đúng sự vật trước khi rót nước cho trẻ uống. Khi dạy phải áp dụng nguyên tắc đi từ dễ tới khó, từ đơn giản đến phức tạp. Ngôn ngữ con người có sức hút thần kỳ và việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ là công việc hàng đầu của giáo dục để trẻ có được cái gốc làm người giúp trẻ trưởng thành nhanh chóng trở thành thành viên của xã hội. Với tinh thần trách nhiệm và tấm lòng thương yêu trẻ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng khả năng ngôn ngữ trẻ sẽ được phát triển thuận lợi. Đó là phương tiện cần thiết để dạy kĩ năng sống cho trẻ mầm non.
Trần Bích Linh
(Hiệu trưởng Trường Sơn Ca 3, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Để làm gương, phụ huynh nên phát âm thật chính xác. Nếu trẻ nói sai thì lựa lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng kiên quyết uốn ngay và khuyến khích nói lại cho đúng.