Thứ ba, 31/8/2010, 17h08

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Lực bất tòng tâm?

Nhiều người đã và đang công tác trong ngành giáo dục cho rằng phổ cập giáo dục mầm non còn khó hơn phổ cập giáo dục tiểu học, nếu đó không chỉ là những con số chạy theo thành tích.

Giờ học hát của học sinh lớp lá một trường mẫu giáo tư thục tại TP.HCM chiều 30-8. Các học sinh này có được hưởng kinh phí từ đề án? - Ảnh: Như Hùng
Theo đề án, dự kiến đến năm 2012 có 85% tỉnh thành đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và năm 2015 tỉ lệ này sẽ đạt 100%. Đến năm học 2014-2015 có 95% trẻ 5 tuổi được học hai buổi/ngày, 100% trẻ trong các cơ sở mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, 100% giáo viên dạy trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Thế nhưng, khi đã bắt tay vào thực hiện, giáo dục mầm non lại đứng trước rất nhiều vấn đề.

Tỉ lệ trường tư cao
Nói đến phổ cập là nói đến việc bắt buộc các bậc cha mẹ hay người giám hộ có trẻ 5 tuổi phải đưa con em tới trường, Nhà nước phải bảo đảm về cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng học tập cũng như đội ngũ giáo viên dạy học. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta số trường mầm non ngoài công lập lại chiếm tỉ lệ cao.
Nếu tính cả các trường được chuyển thành công lập nhưng tự chủ về tài chính, có nghĩa là học sinh vẫn thuộc diện ngoài công lập, số học sinh mầm non ngoài công lập chiếm trên 50% tổng số học sinh. Số trường ngoài công lập là 5.369 trường. Trong đó, bán công là 4.011 trường, dân lập 350 trường và tư thục 1.008 trường.
Mặt khác, mạng lưới trường mầm non phát triển không đều và có thể nói chưa tỉnh thành nào, kể cả Hà Nội, TP.HCM, có tạm đủ trường lớp để đáp ứng yêu cầu đưa trẻ đến trường của người dân. Hà Nội có năm phường số dân tương đương một huyện ở các tỉnh chưa có trường mầm non công lập nào. Ở TP.HCM, trường công lập mới đáp ứng trên 30% nhu cầu học cho giáo dục mầm non. Số trẻ em 5 tuổi học tại các trường dân lập tư thục và nhóm trẻ gia đình lên đến 32,63%.
Chính vì trường lớp còn thiếu như thế nên việc tìm chỗ học cho con em gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng “chạy trường chạy lớp” diễn ra quyết liệt, và tất nhiên ai có nhiều tiền hơn sẽ giành được nơi học tốt hơn cho con em. Còn những người ở xã phường chưa có trường công lập hay không chạy cho con em được vào trường công thì phải gửi con vào các nhóm trẻ gia đình, các lớp tư, trường tư với học phí rất cao, hơn cả học phí đại học.
Nghèo nàn cơ sở vật chất
Có thể nói không quá rằng trường lớp của giáo dục mầm non hiện nghèo nàn nhất so với các bậc học khác. Đó là một nghịch lý về đầu tư trong những năm qua. Số trường chuẩn quốc gia của giáo dục mầm non đến nay là 2.014 trường, chỉ chiếm 15,8% tổng số trường. Ở nhiều tỉnh, giáo dục mầm non phải học ghép với trường tiểu học, phần lớn lớp học tạm bợ.
Về việc chăm sóc sức khỏe cho giáo dục mầm non chưa được quan tâm đầy đủ. Rất nhiều lớp học không có bàn ghế, các em phải ngồi xuống sàn nhà, chật như nêm cối, ngủ trưa cũng không có giường, màn, trải chiếu xuống nền nhà, các em phải nằm trở đầu nhau. Những gia đình gần lớp học thường đón các cháu về nhà ngủ trưa, cho ăn thêm rồi chiều đưa các cháu tới lớp. Đồ chơi cho các cháu thiếu thốn, cũ nát, những chiếc đu quay cầu trượt, bể bóng..dùng chung cho các lứa tuổi nên rất nguy hiểm, mất vệ sinh.
“Chiếc bánh” 14.600 tỉ đồng cho ai?
Kinh phí thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi dự kiến là 14.600 tỉ đồng, nhưng chia như thế nào để bảo đảm sự công bằng? Hiện trường công lập chưa bảo đảm nhu cầu đi học của trẻ. Rất nhiều trẻ không được vào học trường công phải học trường tư, đóng học phí rất cao, tiền ăn, tiền nhà, tiền mua sắm đồ chơi và các khoản khác cũng rất nặng nề. Các em không được hưởng đồng nào từ sự đầu tư của Nhà nước.
Ở Hà Nội kinh phí nhà nước chi cho giáo dục mầm non bình quân 2 triệu đồng/cháu/năm, nhưng các cháu ở các trường lớp ngoài công lập thì không được đồng nào, đó là một sự bất công không nhỏ đối với các cháu.
Để phổ cập giáo dục mầm non bền vững, có chất lượng đúng với mục tiêu đề ra, các cấp chính quyền phải bảo đảm đủ trường lớp và giáo viên để thỏa mãn nhu cầu tới lớp của các cháu. Cần phải có kinh phí hỗ trợ các gia đình có con cháu học ở trường ngoài công lập. Cần miễn hoàn toàn học phí cho phổ cập giáo dục mầm non như phổ cập giáo dục tiểu học.
Trước mắt, ở những nơi chưa có trường mầm non thì các cháu 5 tuổi được học ở trường tiểu học như lớp vỡ lòng trước đây và được miễn học phí như học sinh tiểu học.
Nhà giáo TRẦN HỮU TRÙ
(nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)
Theo Tuoi Tre 
Khó thành hiện thực
Theo chỉ thị của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, từ nay đến tháng 9-2010 phải quy hoạch đất, xây dựng trường, không chỉ cho trẻ 5 tuổi mà cả cho trẻ 3, 4 tuổi. Điều đó khó có thể trở thành hiện thực. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên việc bảo đảm 95% trẻ 5 tuổi tới lớp được học hai buổi/ngày cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ở các quận trung tâm TP.HCM mới chỉ đạt 90%, còn ở vùng ven, ngoại thành chỉ đạt 30-60%. Thậm chí, huyện Cần Giờ của TP.HCM chỉ huy động được 79% trẻ 5 tuổi tới lớp và chỉ có 34% học sinh được học hai buổi/ngày. Ở các tỉnh khác tỉ lệ này thấp hơn nhiều.