Thứ hai, 11/6/2012, 16h06

Phương pháp dạy học nhóm

PPDH theo nhóm được sử dụng nhằm khai thác vốn kiến thức mà HS đã tích lũy để vận dụng vào cuộc sống. Ảnh: T.Vy

Nhiều năm qua, chúng ta tốn không ít thời gian và giấy mực để bàn về phương pháp dạy học (PPDH) và đổi mới PPDH.
Song trong thực tế, PPDH chưa thực sự trở thành một chìa khóa, một công cụ để giúp các thầy cô giáo trong giảng dạy mà PPDH vẫn nằm trong chữ nghĩa giấy tờ, nhiều khi đọc để hiểu được cũng không phải dễ, dẫn đến một thực trạng khiến những người quan tâm đến vấn đề này không khỏi băn khoăn. Do đó, chúng ta cần phải có những việc làm cụ thể.
Đổi mới ý thức
Trong một thời gian dài, người thầy được trang bị PP để truyền thụ tri thức cho học sinh (HS) theo quan hệ một chiều: Thầy truyền đạt, trò tiếp nhận. Ở một phương diện nào đó, khi sử dụng PP này thì các em HS - một chủ thể của giờ dạy - đã “bị bỏ rơi”. Giáo viên (GV) là người sốt sắng và nỗ lực đi tìm chiếc chìa khóa mở cửa cái kho đựng kiến thức là cái đầu của HS, và đem bất kỳ những điều tốt đẹp của khoa học để chất đầy cái kho này theo phạm vi và khả năng của mình. Còn người học thụ động, ngoan ngoãn, cố gắng nhớ được nhiều điều thầy đã truyền đạt. Nếu nhồi nhét kiến thức một cách cưỡng bức thì hiệu quả giáo dục khó có thể như mong muốn, bởi để “tiêu hóa” được kiến thức thì cần phải “thưởng thức chúng” một cách ngon lành. Để HS chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập thì tất yếu phải đổi mới PP giảng dạy.
Đổi mới PPDH không phải là tạo ra một PP khác với cái cũ, để loại trừ cái cũ. Nếu PPDH cũ có một ưu điểm lớn là phát huy trí nhớ, tập cho HS làm theo một điều nào đó, thì PP mới vẫn cần những ưu điểm trên. Song cái khác căn bản ở đây là PP giảng dạy cũ đã phần nhiều “bỏ quên HS” khiến HS bị động trong tiếp nhận. Còn PP giảng dạy mới phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. Phát huy tính tích cực của HS thông qua hàng loạt các tác động của GV là bản chất của PP giảng dạy mới. Nhờ phát huy được tính tích cực mà HS không còn bị thụ động. HS trở thành các cá nhân trong một tập thể mang khát vọng được khám phá, hiểu biết. Muốn vậy, điều khó khăn nhất với người GV là: Trong một giờ lên lớp, phải làm sao cho những HS tốt nhất cũng được thỏa mãn nhu cầu tri thức, thấy tri thức là một chân trời mới. Còn những HS học yếu nhất cũng không thấy bị bỏ rơi, họ cũng tham gia được vào quá trình khám phá cái mới. Điều này là đặc biệt cần thiết, vì HS sẽ hào hứng để đi tìm tri thức chứ không còn bị động, bị nhồi nhét nữa.
Đổi mới nội dung và hình thức dạy học
Đây là một yêu cầu thực tế khách quan. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã buộc giáo dục phải có những thay đổi cách mạng trong nội dung, PP và hình thức tổ chức giáo dục. Các kiến thức khoa học tự nhiên, vật lý, hóa học, sinh học… buộc phải trở thành các tri thức phổ thông. PPDH các môn khoa học tự nhiên cũng có những thay đổi căn bản theo nguyên tắc từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, hình thức tổ chức dạy học cũ cũng không còn phù hợp, các lớp học giờ đây nhiều HS hơn và phải tổ chức theo cùng một trình độ… Với những thay đổi trên, người học trò ra trường đã có vốn tri thức đầy đủ và toàn diện hơn; đặc biệt là đã gắn tri thức học được với thực tiễn cuộc sống nhiều hơn!
Rõ ràng, việc đổi mới nội dung, PP và hình thức tổ chức giáo dục là đòi hỏi của thực tế khách quan, mang tính quy luật phổ biến mà mọi quốc gia, mọi nền giáo dục đều phải chấp nhận.
PPDH nhóm - nhu cầu trong xã hội hiện đại
Dạy học nhóm là một hình thức xã hội của dạy học, trong đó HS của một lớp học được chia thành các nhóm nhỏ. Trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm được trình bày và đánh giá trước toàn lớp. Dạy học theo nhóm nhỏ là một hình thức xã hội, hay là hình thức hợp tác của dạy học. Dạy học nhóm thường được áp dụng để đi sâu, vận dụng, luyện tập, củng cố một chủ đề đã học, nhưng cũng có thể để tìm hiểu một chủ đề mới.
PPDH theo nhóm được đánh giá là một PP tích cực, hướng vào HS, phát huy cao độ khả năng hợp tác, giúp đỡ học tập lẫn nhau. Hoạt động trong tập thể nhóm sẽ làm cho từng thành viên quen dần với sự phân công lao động trong xã hội, phát triển tình bạn, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức cộng đồng. Việc sử dụng PP học nhóm trong giảng dạy không phải là một vấn đề mới mẻ, tuy nhiên vận dụng như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, đó là vấn đề khó.
PPDH nhóm cho phép các thành viên trong nhóm chia sẻ những băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân, cùng nhau xây dựng PP nhận thức mới. Bằng cách nói ra những điều đang suy nghĩ, mỗi người có thể nhận rõ trình độ hiểu biết của mình về chủ đề nêu ra, thấy được mình cần học hỏi thêm những gì. Bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải chỉ là sự tiếp nhận thụ động từ GV. Vì vậy PP này còn được gọi là PP cùng nhau tham gia.
Ưu điểm của PPDH nhóm sẽ được phát huy cao độ nếu các nhóm có trình độ tương đối đồng đều và các vấn đề được GV đặt ra thích hợp.
Khi vận dụng PP nhóm vào thực tế giảng dạy, GV cần vận dụng linh hoạt sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng HS. Làm việc theo nhóm có thể tập trung những mặt mạnh của từng người, hoàn thiện cho nhau những điểm yếu, nhưng cũng cần tránh khuynh hướng hình thức và lạm dụng PP này khi cho rằng tổ chức hoạt động nhóm là dấu hiệu tiêu biểu nhất của đổi mới PPDH, hoặc hoạt động nhóm càng nhiều thì chứng tỏ PPDH càng đổi mới!
Tác động tích cực của PPDH nhóm
PPDH theo nhóm có những tác động tích cực về mặt nhận thức sau: HS ý thức được khả năng của mình; nâng cao niềm tin vào việc học tập; nâng cao khả năng ứng dụng khái niệm, nguyên lý, thông tin về sự việc vào giải quyết các tình huống khác nhau. Ngoài những tác động về mặt nhận thức, còn có tác động về quan điểm xã hội như: Cải thiện mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân; dễ dàng trong làm việc theo nhóm; tôn trọng các giá trị dân chủ; chấp nhận được sự khác nhau về cá nhân và văn hóa; có tác dụng làm giảm lo âu và sợ thất bại; tăng cường sự tôn trọng chính bản thân mình.
Tóm lại, PPDH theo nhóm được sử dụng nhằm khai thác vốn kiến thức mà các em đã tích lũy, những hiểu biết thực tế trong đời sống hoặc vận dụng kiến thức vào cuộc sống lao động sản xuất. Cần kết hợp PPDH theo nhóm với các PP đặc trưng bộ môn trên cơ sở nội dung bài học. Các PP này phát huy tính tự giác, tích cực chủ động, sáng tạo của HS dưới sự tổ chức chỉ đạo của GV.
Suy cho cùng, PP dạy (dù mới hay cũ) đều là công cụ; sử dụng công cụ đó như thế nào cho có hiệu quả phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và nghệ thuật sư phạm của người thầy.
ThS. Phạm Duy Phượng Chi
(Tổ trưởng Tổ tin học, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi)
Việc lựa chọn đúng và sự kết hợp hài hòa các PPDH nhằm đạt hiệu quả cao phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, nghệ thuật sư phạm và lòng nhiệt tình, ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và vốn sống của người thầy.