Thứ bảy, 5/11/2011, 21h11

Các mức độ về chuẩn kiến thức - kĩ năng

Học sinh phải nhớ, nắm vững và hiểu rõ các kiến thức cơ bản trong chương trình và sách giáo khoa

Chuẩn kiến thức - kĩ năng là yêu cầu đòi hỏi đối với giáo viên (GV) trong quá trình thực hiện chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, tùy theo cấp học, đối tượng và cả vùng miền mà yêu cầu chuẩn kiến thức - kĩ năng có mức độ khác nhau.
Về kiến thức, yêu cầu học sinh phải nhớ, nắm vững, hiểu rõ các kiến thức cơ bản trong chương trình và sách giáo khoa. Những tri thức đó chính là nền tảng vững chắc để các em phát triển năng lực nhận thức ở mức độ cao hơn trong quá trình học tập sau này. Về kĩ năng, học sinh biết vận dụng tri thức đã được tiếp thu để trả lời câu hỏi, giải bài tập, làm thực hành, có kĩ năng tính toán, vẽ hình, dựng biểu đồ… sau mỗi bài hoặc mỗi chương đã học. Yêu cầu cần đạt về kiến thức thường được xác định theo sáu mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo. Đối với chương trình GDTX cấp THPT, mức độ cần đạt được về kiến thức, kĩ năng đối với học viên nói chung chủ yếu được yêu cầu ở ba mức đầu: nhận biết, thông hiểu và vận dụng ở mức độ thấp. Cũng cần phải nói thêm, do đặc thù bộ môn mà một số môn học có thể đưa ra yêu cầu ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên mức độ đó cũng không vượt quá yêu cầu quy định trong chương trình. Trước hết về khái niệm nhận biết: Nhận biết là sự nhớ các dữ liệu, thông tin đã có trước đây. Từ sự hồi tưởng đó người học tái hiện được thông tin nhắc lại một loạt dữ liệu từ các sự kiện đơn giản. Hoặc nhắc lại một loạt dữ liệu, từ các sự kiện đơn giản đến các lí thuyết phức tạp. Ví dụ, các em nêu được định nghĩa: “Quá trình biến đổi chất này thành chất khác gọi là phản ứng hóa học”, sau khi học xong bài Phản ứng hóa học (lớp 9). Đây là mức độ, yêu cầu thấp nhất của trình độ nhận thức, thể hiện ở chỗ các em có thể và chỉ cần nhớ hoặc nhận ra khi được đưa ra hoặc dựa trên những thông tin có tính đặc thù của một khái niệm, một sự vật, một hiện tượng. Có nghĩa là các em chỉ cần phát biểu đúng một định nghĩa, định lí hoặc định luật nhưng chưa giải thích và vận dụng được chúng. Mức độ nhận biết có thể được cụ thể hóa bằng các yêu cầu: nhận ra nhớ lại các khái niệm, nhận dạng được (mà không cần giải thích) các khái niệm hoặc liệt kê, xác định mối quan hệ giữa các yếu tố.
Về thông hiểu, đó là khả năng nắm chắc hoặc giải thích và chứng minh được ý nghĩa của các khái niệm sự vật, hiện tượng. Người học có thể chuyển thông tin từ dạng này sang dạng khác bằng cách giải thích thông tin và ước lượng xu hướng tương lai. Ví dụ, “Giải thích hình ảnh thằn lằn phơi nắng vào các thời điểm khác nhau trong ngày” sau khi học bài Sinh vật và môi trường. Mức độ thông hiểu được cụ thể hóa bằng các yêu cầu: Diễn tả bằng ngôn ngữ cá nhân các khái niệm, định lí, định luật, chuyển đổi từ hình thức ngôn ngữ này sang hình thức ngôn ngữ khác (từ lời nói sang công thức, kí hiệu hay số liệu). Biểu thị, minh họa, giải thích được ý nghĩa các khái niệm, hiện tượng; lựa chọn sắp xếp bổ sung những thông tin cần thiết để giải quyết một vấn đề nào đó theo một cấu trúc logic cũng là một cách thông hiểu. 
Vận dụng là khả năng sử dụng các kiến thức đã học vào một hoàn cảnh cụ thể mới: vận dụng nhận biết, hiểu biết thông tin để giải quyết vấn đề đặt ra; là khả năng đòi hỏi các em phải biết vận dụng kiến thức, biết sử dụng phương pháp, nguyên lí hay ý tưởng để giải quyết một vấn đề nào đó. Ví dụ, GV yêu cầu các em vận dụng kiến thức đã học về quy đồng mẫu thức nhiều phân thức để làm một số bài tập sau khi học xong hai bài lý thuyết Quy đồng mẫu thức. Đây là mức độ giải quyết vấn đề cao hơn mức độ thông hiểu, có thể áp dụng được các quy tắc, phương pháp, khái niệm, công thức để giải quyết vấn đề đã biết trước đó. Mức độ vận dụng thường được cụ thể hóa bằng những yêu cầu sau: so sánh các phương án giải quyết vấn đề; phát hiện lời giải có mâu thuẫn, sai lầm và chỉnh sửa được. Giải quyết những tình huống mới bằng cách vận dụng các khái niệm định lí, định luật tính chất đã biết. Vận dụng cao hơn là biết khái quát hóa, trừu tượng hóa những tình huống đơn giản đơn lẻ quen thuộc sang tình huống mới phức tạp hơn.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Ông Phạm Chí Dũng - chuyên viên Phòng GDTX (Sở GD-ĐT TP. HCM) - cho biết: Các mức độ về chuẩn kiến thức - kĩ năng (KT - KN) được cụ thể hóa như sau: Về kiến thức: Yêu cầu học sinh phải nhớ, nắm vững hiểu rõ các kiến thức cơ bản trong chương trình, sách giáo khoa. Đây chính là nền tảng vững vàng để giúp các em phát triển năng lực nhận thức ở cấp cao hơn. Về kĩ năng: Biết vận dụng các kiến thức đã học để trả lời câu hỏi, giải bài tập, làm thực hành, có kĩ năng tính toán, vẽ hình, dựng biểu đồ… Tuy nhiên, việc xác định chuẩn KT- KN phải dựa trên cơ sở phát triển năng lực, trí tuệ từng học sinh ở các mức độ, từ đơn giản đến phức tạp; nội dung bao hàm các mức độ khác nhau của nhận thức.