Thứ sáu, 10/2/2012, 15h02

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”: Truyền đạt thế nào cho hiệu quả?

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với sự đoàn kết, kỷ luật… (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh

Với học sinh THPT, việc giảng dạy về tư tưởng đạo đức của Bác không dễ dàng, bởi phải làm sao để những kiến thức ấy đến với các em thật tự nhiên, gần gũi, không gò ép khuôn khổ.
Hiện nay, các bài học về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sách giáo khoa bậc tiểu học đã được đưa vào giảng dạy ở một số phân môn như tiếng Việt, đạo đức, hát nhạc, tự nhiên và xã hội... Còn ở bậc THPT việc tổ chức nghiên cứu, học tập tư tưởng đạo đức của Bác chưa được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, nên cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai thông qua hình thức tuyên truyền… miệng. Đó là tổ chức Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn trong nhà trường. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai lồng ghép với cuộc vận động “2 không”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” thì được kết hợp cùng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
 Các phong trào thì nhiều nhưng thực tế về tư tưởng chúng ta vẫn chưa tạo ra cho các em học sinh THPT nhận thức sâu sắc về nội dung tư tưởng đạo đức của Bác, để từ đó tự mình phấn đấu, noi theo; để tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thực sự là nền tảng tinh thần, đạo đức của xã hội, là cơ sở để chúng ta tạo ra một xã hội thực sự công bằng dân chủ văn minh...
Xuất phát từ thực tế thực hiện cuộc vận động như đã nêu trên, và xuất phát từ đặc điểm của bộ môn giáo dục công dân (GDCD), đặc biệt ở phần thứ hai Công dân với đạo đức trong chương trình GDCD lớp 10, giáo viên có cơ hội để lồng ghép cuộc vận động này vào bài học. Qua một thời gian giảng dạy thực tiễn, tôi xin mạn phép trình bày những kinh nghiệm nhỏ của bản thân mình để mọi người cùng tham khảo.
Đầu tiên là sưu tầm tài liệu.Đây là một vấn đề rất quan trọng, quyết định đến việc giáo dục học sinh khi chúng ta lồng vào các bài giảng môn GDCD bậc THPT. Kinh nghiệm của bản thân cho thấy nếu nguồn tài liệu không phong phú và tin cậy thì sức thuyết phục không cao. Tài liệu có nhiều loại khác nhau như: Bằng văn bản, bằng hình ảnh, phim tư liệu và bằng nhận thức thực tiễn của giáo viên. Có nhiều cách sưu tầm tài liệu nhưng với tôi thì thường dùng một số cách cơ bản, đó là: Bản thân tự tạo ra tài liệu, sưu tầm ở cá nhân, tổ chức có liên quan và một nguồn rất phong phú đó là thông qua mạng internet. Việc sưu tầm tư liệu trên mạng internet đã rất quen thuộc đối với giáo viên trong thời đại bùng nổ thông tin và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Tài liệu trên mạng rất phong phú, đa dạng nên đòi hỏi chúng ta phải biết chọn lọc và tìm những tư liệu ở những nguồn đáng tin cậy, phù hợp với mục đích của mình.
Bước tiếp theo là xác định nội dung lồng ghép.Trước hết cần phải xác định nội dung lồng ghép, hay nói cách khác là phải xác định nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Theo tôi có một số nội dung có thể lồng ghép cụ thể như sau: Thứ nhất, thực hiện chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh “Trung với nước, hiếu với dân” cần quán triệt những nội dung của chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn mới; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Thứ hai, thực hiện đúng lời dạy: “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Thứ ba, nâng cao ý thức dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Thứ tư, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
(Còn tiếp)
Nguyễn Tuấn Anh
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM)
 
Trong phần thứ hai Công dân với đạo đức của chương trình GDCD lớp 10, hầu hết các bài đều có thể lồng ghép về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để giáo dục học sinh vì hơn hết Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức sáng ngời và rất gần gũi với mỗi con người Việt Nam.