Thứ hai, 14/1/2013, 15h01

Một bài giảng, hai giáo án

Tiết dạy của cô Cao Thị Kiều Vinh  

Nếu so sánh hoạt động đứng lớp của người thầy như một nghệ sĩ diễn trên sân khấu thì công việc soạn giáo án, thiết kế bài giảng chính là “hậu trường” rất cần thiết đối với hoạt động đó.
Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh và đối tượng mà người thầy có cách thiết kế bài giảng riêng để chuyển tải tốt nhất những tri thức cần thiết của bài học.
Mỗi người một vẻ
Để có tiết dạy bài bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường Ai đã đặt tên cho dòng sông? trong chương trình ngữ văn lớp 12, cô Cao Thị Kiều Vinh - giáo viên Khoa Đào tạo trung học, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - đã tìm một hướng đi riêng cho việc thiết kế bài giảng thông qua soạn giáo án.
Theo cô, thiết kế một giáo án không cần thiết phải quá chi tiết, cụ thể nhưng cũng đừng vì thế mà hời hợt, đơn giản. Ngoài các bước lên lớp như: Mục đích cần đạt, phương pháp thực hiện và cách thức tiến hành thì tiến trình dạy học được coi là phần “xương sống” của giáo án. Trong phần nội dung cần đạt, cô Kiều Vinh đã đưa ra được hai mục chính là Tìm hiểu chungĐọc - hiểu văn bản. Có thể nói hai phần này chính là “hình chiếu” tương tự với phần Tiểu dẫn Văn bản trong sách giáo khoa ngữ văn. Ở phần Tìm hiểu chung, giáo viên tách bạch rõ hai ý (tác giả và tác phẩm) để học sinh tự rút ra kết luận sau khi điền những thông tin quan trọng nhất. 
Tuy nhiên, trong thiết kế bài giảng của cô Trần Thị Thu Huyền - giáo viên Trung tâm GDTX Phú Nhuận - thì lại khác, ở phần này giáo viên không được ra mục Tìm hiểu chung mà lại tách bạch ra hai phần về tác giả và tác phẩm. Điều đó có nghĩa là phần nêu hoàn cảnh ra đời và xuất xứ, giáo viên nhập chung làm một vào phần văn bản.
Rõ ràng mỗi người có một cách thiết kế bài giảng riêng và tất nhiên mỗi cách thiết kế có những ưu thế của nó. Nếu cô Kiều Vinh bám sát tiêu chí hình thức thì cô Thu Huyền lại đề cao yếu tố nội dung. Điều quan trọng không phải là ai hay, ai dở mà quan trọng ở chỗ là cách thiết kế nào cũng cần có sự thống nhất và logic. Không thể có chuyện ở bài Ai đã đặt tên cho dòng sông? được thiết kế theo kiểu này, trong khi đó đối với bài giảng cho tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, giáo viên lại thiết kế theo kiểu khác. Cách thiết kế thiếu sự thống nhất chắc chắn sẽ làm cho người học hoang mang và không ổn định về mặt phương pháp tiếp thu.
Điều này đã được khẳng định qua ý kiến của ông Phạm Chí Dũng - Chuyên viên Phòng GDTX (Sở GD-ĐT TP.HCM): “Dù thiết kế bài giảng theo hướng nào thì giáo viên phải bám sát chuẩn kiến thức và kỹ năng”. Đây là điều mà giáo viên cần nắm rõ vì nếu không bám chuẩn kiến thức và kỹ năng thì khó tránh khỏi việc “nạp” tri thức quá tải và chỉ biết lệ thuộc vào “bửu bối” là sách giáo khoa.
Phải “10 phân vẹn 10”
Trong phần sử dụng hình ảnh minh họa từ máy chiếu, cô Thu Huyền đã giúp học sinh hình dung được vẻ đẹp của “Dòng sông thơm” ở kinh thành Huế qua những hình ảnh tĩnh. Hình ảnh chỉ là những nét gợi nhớ giúp các em mở rộng trí tưởng tượng về một con sông có cá tính thích tự làm đẹp mình để tạo ra những biến ảo bất ngờ khi trôi qua những miền đất thân yêu của vùng cố đô văn hiến. Bên cạnh đó, cô lại sử dụng thêm những hình ảnh động như muốn minh chứng thêm sức sống và vẻ đẹp cuốn hút của “Dòng sông trắng” (chữ của Tản Đà) giúp học sinh có cái nhìn cụ thể hơn.
Trong khi đó, tấm bản đồ về dòng sông Hương của cô Kiều Vinh dù lướt qua rất nhanh trên màn hình nhưng thật sự đọng lại trong đầu học sinh một dòng sông chảy ngược hướng và uốn khúc nhiều lần. Những khúc Nam ai, Nam bằng và bài hát Dòng sông ai đã đặt tên của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp trong video clip đã thay cho một trăm lần lời giảng để các em cảm nhận sâu sắc chủ đề của tác phẩm. Không chỉ được nhìn bằng mắt, người học còn được cảm thụ bằng tai về giá trị tác phẩm.
Trong quá trình thiết kế bố cục, dựa theo tiêu chí “bổ ngang”, cô Kiều Vinh chia văn bản ra làm hai phần theo mạch viết của nhà văn: Vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương và vẻ đẹp lịch sử, văn hóa, đời thường của dòng sông. Cách phân chia này giúp học sinh nhận diện các ý lớn của tác phẩm một cách trực diện. Trong lúc đó, khi phân chia thành 3 đoạn (vẻ đẹp của sông Hương ở góc độ thiên nhiên, vẻ đẹp sông Hương ở góc độ văn hóa và vẻ đẹp sông Hương ở góc độ lịch sử); cô Thu Huyền đã dùng cách “bổ dọc” để tìm ý. Cách chia này phù hợp cho mỗi đối tượng nhưng lại không hề phá vỡ cơ cấu của tác phẩm. Điều quan trọng là giáo viên cần giải thích kỹ vì sao lại có sự phân chia như thế? Nếu chúng ta lý giải được một cách cặn kẽ thì ngay trong bước đầu tiên các em đã hiểu được ý đồ của thầy cô và việc tiếp cận văn bản sẽ không còn khó khăn và gặp một vướng mắc nào cả.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang